4. Một số kinh nghệm tổ chức hoạt động trải nghiệm thực tế cho học viên các lớp bồi dưỡng tiếng nói, chữ viết dân tộc Thái
4.2. Nội dung chương trình trải nghiệm thực tế tại địa phương
4.2.2. Tìm hiểu các ngành nghề truyền thống của đồng bào Thái
Người Thái thường sinh sống ở những bãi bồi của thung lũng các con sông, con suối, họ trở thành cư dân đầu tiên của văn minh trồng lúa nước trên lòng chảo màu mỡ ấy. Với sự ưu đãi của thiên nhiên và tính chăm chỉ của nhân dân Thái, nghề truyền thống đã trở thành nghệ thuật độc đáo, không chỉ đáp ứng nhu cầu vật chất của đời sống mà còn phản ánh một đời sống tinh thần vô cùng phong phú dệt bởi những đôi bàn tay khéo léo của đồng bào nơi đây.
4.2.2.1. Nghề dệt thổ cẩm – Tinh hoa của nghệ thuật trang trí
Trên nền tảng xã hội nông nghiệp như thế, các ngành nghề gần gũi, trước hết là nghề trồng bông dệt vải đã có điều kiện phát triển. Sự phân công lao động
tự nhiên “gái dệt vải, trai đan chài” như hữu ý của tạo hóa đã để những người phụ nữ Thái từ dệt vải thường rồi sáng tạo ra những sản phẩm đẹp, có giá trị nghệ thuật. Sản phẩm thổ cẩm là một phần không thể thiếu trong đời sống vật chất và tinh thần của người Thái; không chỉ phục vụ nhu cầu sinh hoạt, mua bán, trao đổi trong sinh hoạt, lao động hàng ngày mà còn có mặt ở mọi hoạt động văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào Thái, là chuẩn mực của vẻ đẹp người phụ nữ Thái cũng như tinh hoa của nghệ thuật trang trí, hiện thân sự sung túc, no ấm, bình yên của bản làng.
Tục ngữ Thái có câu “Úp bàn tay nên hoa, ngửa bàn tay thành
bông” (khoăm mứ pên lái, hai mứ pên boók) ngợi khen đôi bàn tay khéo léo tài
hoa của người phụ nữ Thái. Từ đôi tay ấy đã tạo ra biết bao sản phẩm quý giá thiết thực cho đời sống. Đã từ lâu đời, những tấm thổ cẩm Thái nổi tiếng khắp vùng bởi nghệ thuật trang trí hoa văn. Trên những tấm thổ cấm ấy ta sẽ cảm nhận được màu xanh của cây cối, màu đỏ, trắng, hồng của hoa rừng và màu vàng rực rỡ của ánh nắng mặt trời. Kỹ thuật thêu dệt hoàn toàn thủ công nên rất chắc chắn, bền màu, đường nét tinh xảo, họa tiết sinh động. Nhìn vào những chiếc khăn piêu, mặt chăn/gối, hay váy, áo, địu, túi… sẽ hiện ra bức tranh thiên
37
nhiên sống động, đa sắc màu và vô cùng phong phú. Hoa văn trang trí thổ cẩm thái được thêu dệt theo những mô típ chung nhưng lại cực kỳ phóng khoáng, đa dạng ở họa tiết, họa cảnh bởi nó được tái hiện bằng trí tưởng tượng phong phú
và đôi bàn tay khéo léo, tài hoa của người phụ nữ Thái. Họ không làm thành những bức tranh của chốn “bồng lai tiên cảnh”, hay khu vườn thượng uyển mà khắc họa rất đỗi sinh động những cảnh vật gần gũi đời thường, là dòng suối mát, rau cỏ bợ (phắc ban), là đóa hoa rừng, hoa xoan, hoa ban, hoa bầu hoa bí, quả trám rừng, hay những hình tượng trưng “khỉ đuôi dài”, “con chuồn chuồn”, khau cút thuồng luồng… đi vào đường nét trang trí với những ý nghĩa riêng, mang dấu ấn tư duy của dân tộc Thái.
Trong “bức tranh thiên nhiên” đầy sống động của miền sơn cước, thiếu nữ Thái không dấu nổi cảm xúc qua những gam màu tươi sáng, đường nét mềm mại như chính tâm hồn trong sáng, lãng mạn chất chứa nhiều cung bậc tình cảm, còn người phụ nữ lớn tuổi sẽ gửi vào thổ cẩm những gam màu trầm, đường nét rắn rỏi, giản dị và sâu lắng như một sự trải nghiệm qua những bước thăng trầm của cuộc đời. Cuộc sống có khó khăn vất vả, người phụ nữ xưa có chịu nhiều thiệt thòi họ vẫn không ngừng thể hiện tình yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống mà thả sức sáng tạo, thổi hồn cho những sợi vải… làm nên một nét duyên hài hòa cho người con gái Thái. Mỗi cây, mỗi vật, mỗi cảnh đều được những bàn tay nghệ thuật khoác lên một ý nghĩa riêng song nó đều biểu hiện một sức sống mãnh liệt,
mơ ước chinh phục thiên nhiên, hướng tới sự hòa hợp và một cuộc sống ấm no, hạnh phúc của đồng bào dân tộc Thái. Bởi lẽ đó, sức sống của thổ cẩm Thái mạnh mẽ từ đường nét tinh tế, sắc sảo của truyền thống dân tộc đến tâm hồn lắng đọng và giàu xúc cảm của người sáng tạo nên nó.
Ngày nay, nền kinh tế hiện đại khiến những tục lệ xưa không còn bó buộc người phụ nữ Thái phải biết dệt vải, thêu thùa tạo ra các sản phẩm phục vụ gia đình và làm của hồi môn trước khi về nhà chồng; nhiều người trong số họ đã bước ra khỏi khung cửi và tham gia vào nhiều hoạt động kinh tế - xã hội khác… song điều này lại khiến chúng ta không khỏi ngậm ngùi bởi sự thiếu vắng một nét đẹp hiếm có của văn hóa dân tộc - một nghề thủ công khiến ta trân trọng và khâm phục không chỉ ở nghệ thuật trang trí mà còn ở sức mạnh tư duy trừu tượng của nhân dân lao động Thái.
38
4.2.2.2. Nghề đan lát và tư duy nghệ thuật miền sơn cước
Sống với thiên nhiên núi rừng giàu tài nguyên về các loại mây, tre, nứa, giang… nghề đan lát đã sớm phát triển ở vùng mà dân tộc Thái sinh sống. Nếu như thổ cẩm đã mang đến cái hồn của người phụ nữ Thái thì nghề đan lát lại mang đến dấu ấn riêng độc đáo thể hiện tài năng của người con trai Thái. Trong mỗi sản phẩm đan lát của họ ta thấy được đức tính cần cù, chịu thương chịu khó, mạnh mẽ, rắn rỏi nhưng cũng rất tinh tế, thấy được cả thiên nhiên hùng vĩ và cường tráng như chính người con trai của bản mường.
Có thể nói, sự giao thoa văn hóa cũng đã ảnh hưởng ít nhiều đến nghề đan lát, đặc biệt là ở sự pha trộn về kỹ thuật, kiểu dáng và nguyên liệu làm nên những sản phẩm nghề này. Tuy nhiên, những nghệ nhân Thái vẫn có những bước đi riêng trên hành trình bồi đắp những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Những chiếc mâm bằng tre, bằng song mây, những chiếc nón đi nương, đồ đựng quần áo, ếp đựng xôi, hộp đựng kim chỉ… rất đỗi đời thường lại được những đôi bàn tay khéo léo nâng thành nghệ thuật. Người miền xuôi cũng đan lát bằng mây, tre tạo ra những sản phẩm có sức hút với du khách và thị trường thế giới, song những sản phẩm của người dân tộc vùng cao như người Thái lại đem đến những ấn tượng đặc biệt. Đặc biệt trước hết là họ đã sử dụng những nguyên liệu nguyên sinh khắc tạo các dáng hoa văn chất phác, mộc mạc, gần gũi với thiên nhiên nhưng mang tính kỹ xảo cao, lối kết hợp ken, quấn rất phức tạp và tinh vi đầy sức sáng tạo, sau đó là ở cái hồn, cái thần thái mang tính đặc trưng của người dân tộc vùng cao, họ sáng tạo là để phục vụ chính nhu cầu của đời sống, thể hiện đúng tư duy nghệ thuật và tâm hồn của dân tộc mình. Và với một cách
tự nhiên nhất, những sản phẩm nghề đan lát đã để lại dấu ấn rất sâu đậm từ giá trị chân thực đến giá trị văn hóa trong xã hội hiện nay.
Sự ra đời và phát triển nghề thủ công trong cộng đồng người Thái là quy luật tất yếu của sự phát triển nền nông nghiệp lúa nước, kinh tế tự cung tự cấp.
Đó không chỉ là những di sản văn hóa hiện vật mà còn là văn hóa tinh thần, thể hiện cho sự khéo léo và con mắt thẩm mỹ của cộng đồng dân tộc. Trải qua quá trình lao động, sáng tạo và sự nhào nặn, gọt giũa của phong tục, tập quán đã khiến nó trở thành một nét đẹp văn hóa mang tính đặc trưng của đồng bào Thái.
Đó còn là kết quả của sự giao thoa văn hóa, một quá trình “gạn đục khơi trong”
để chắt lọc tinh hoa làm nên giá trị đặc trưng cho dân tộc mình.
39
Nghề thủ công truyền thống của người Thái cũng như các dân tộc ít người khác ở nước ta chưa trở thành nghề độc lập mà chủ yếu là nghề phụ. Tuy vậy, ở Nghệ An, người Thái trồng bông dệt vải, dệt thổ cẩm rất thành thạo, tinh vi. Nếu
có thể so sánh nhìn trên góc độ sản phẩm kinh tế hàng hoá thì nghề dệt người Thái Nghệ An đã bước một bước sớm hơn so với người Thái ở Tây Bắc.
Người dân tộc Thái chiếm số đông trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Nghệ An. Khi nói đến tri thức bản địa của đồng bào dân tộc Thái, chúng ta không thể không nói đến nghệ thuật trang trí. Việc biết thêu thùa, dệt vải được coi là tiêu chuẩn, là sự tất yếu cần phải có: ”Nhinh hụ pẳn phài, xai hụ san he”- Gái biết dệt vải, trai biết đan chài.
Thổ cẩm của người Thái Nghệ An thường sử dụng các màu trắng, đỏ, vàng, xanh lá cây, tím tạo ấn tượng mạnh. Hoạ tiết thể hiện sự đối xứng, phản ánh quan niệm về vũ trụ, triết lý âm dương, đất trời cùng vạn vật…
Lấy thiên nhiên làm hình mẫu, thổ cẩm của người Thái Nghệ An không khác nào cảnh thiên nhiên thu nhỏ. Đó là những hình thoi như quả trám chạy viền, hoa ban cách điệu, con suối với thác ghềnh tung bọt trắng xoá, đây đó những chùm hoa buông dài như xà tích, lá đơn, lá kép, búp cây, dây leo, cây guột
Mỗi vùng, mỗi nhóm tộc, thổ cẩm của người Thái Nghệ An cũng khác nhau. Nếu như thổ cẩm của nhóm Thái Thanh có mầu thẫm hơn, sử dụng nhiều gam màu trầm như hướng tới sự suy tư trăn trở của chiều sâu tâm lý, thì thổ cẩm của người Thái Hàng tổng (Thái – Mường) lại tươi sáng, rực rỡ, bay bổng những ước mơ, khát vọng.
4.2.2.2. Nghề trồng lúa nước và nuôi cá
Người Thái là một trong những cư dân biết làm ruộng nước sớm nhất trong khu vực Đông Nam á. Trong một số khâu kỹ thuật ruộng nước người Thái đạt trình độ cao (như cách thức dẫn vào ruộng ở vùng địa hình phức tạp, cách thức khai khẩn đất đai và cơ cấu các loại cây trồng thích hợp v.v…) Về cơ bản thì cộng đồng người Thái Nghệ An có nét văn hóa, sinh hoạt không khác mấy so với cộng đồng Thái tại các tỉnh phía Tây Bắc.
Có thể nói trong số những cư dân sinh tụ ở miền núi Nghệ An, bên cạnh người Thổ có những cách đánh bắt cá cổ truyền độc đáo, thì người Thái cũng có
40
những kinh nghiệm nuôi cá ruộng đáng chú ý. Cá ruộng, ao hồ theo mùa vụ nông nghiệp cung cấp cho mỗi gia đình hàng tạ cá để làm mắm hoặc sấy khô dùng quanh năm
Trải qua các cuộc thiên di trong lịch sử, dân tộc Thái có mặt ở Việt Nam
từ hàng trăm năm trước, họ có nhiều kinh nghiệm đắp phai, đào mương, dựng cọn, bắc máng lấy nước làm ruộng nên trong dân gian thường truyền câu ca “Xá
ăn theo lửa, Thái ăn theo nước”.
Canh tác lúa nước là hoạt động sản xuất chính của người Thái, lúa gạo là nguồn lương thực chính, đặc biệt là lúa nếp. Tuy nhiên người Thái cũng làm nương để trồng lúa, ngô, lạc, vừng… và nhiều thứ cây trồng khác. Trong từng gia đình còn chăn nuôi gia súc, gia cầm, đan lát, trồng bông, nuôi tằm để dệt vải, một số nơi còn làm đồ gốm…