1. Phương hướng khắc phục hạn chế và tiếp tục phát triển, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam
- Một là, tiếp tục xây dựng hoàn thiện nhà nước pháp quyền dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam, với quan điểm Nhà nước ta là công cụ chủ yếu để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, do dân và vì dân. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật. Mọi cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, mọi công dân có nghĩa vụ chấp hành Hiến pháp và pháp luật. Để tăng cường vai trò của Nhà nước phải tiến hành cải cách tổ chức và hoạt động của nhà nước gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước; xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn; nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức Đảng và đảng viên trong các cơ quan nhà nước.
Về xây dựng thể chế: Việc xây dựng, hoàn thiện thể chế hành chính nhà nước đã đạt những kết quả có ý nghĩa rất quan trọng. Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành
đã ban hành 71 luật, 745 nghị định, 232 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 2.242 thông tư và nhiều văn bản khác. Qua đó, thể chế của nền hành chính được cải cách và hoàn thiện phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng và cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cơ bản đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
- Hai là, tiến hành cải cách thể chế và phương thức hoạt động của nhà nước theo hướng kiện toàn tổ chức, đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, trọng tâm là tăng cường công tác lập pháp, xây dựng chương trình dài hạn
về lập pháp, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đổi mới quy trình ban hành và hướng dẫn thi hành pháp luật. Xây dựng một nền hành chính nhà nước dân chủ, trong sạch và vững mạnh, từng bước hiện đại hóa phân công, phân cấp, nâng cao tính chủ động của chính quyền địa phương. Cải cách tổ chức, nâng cao chất lượng và hoạt động của cơ quan tư pháp. Thực hiện tinh giảm biên chế trong các cơ quan nhà nước.
- Ba là, tiếp tục phát huy dân chủ, giữ vững kỷ luật, kỷ cương tăng cường pháp chế, theo hướng nâng cao chất lượng đại biểu quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân, hoàn thiện những quy định về bầu cử, ứng cử, về tiêu chuẩn và cơ cấu các đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân trên cơ sở thật sự phát huy dân chủ đi đôi với giữ vững kỷ luật, kỷ cương, tăng cường pháp chế, quản lý xã hội bằng pháp luật, tuyên truyền, giáo dục toàn dân nâng cao ý thức chấp hành luật pháp.
- Bốn là, tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, có năng lực; thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trước hết là cán bộ lãnh đạo quản lý. Sắp xếp lại đội ngũ cán bộ theo đúng chức danh, đạt tiêu chuẩn. Định kỳ kiểm tra, đánh giá chất lượng cán bộ, công chức để kịp thời thay thế cán bộ công chức yếu kém và thoái hóa. Có chính sách đãi ngộ, đào tạo đối với cán bộ cấp phường, xã, thị trấn. Năm 1986, cả nước chỉ có 44 đơn vị hành chính cấp tỉnh; 535 đơn vị hành chính cấp huyện và 10.026 đơn vị hành chính cấp xã. Triển khai thực hiện chỉ đạo của Đảng
và Nhà nước về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, đến nay cả nước có 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh; 705 đơn vị hành chính cấp huyện và 10.599 đơn vị hành chính cấp xã; tuy nhiên, số đơn vị được sáp nhập không nhiều. Số bộ, ngành, cơ quan trực thuộc Chính phủ tuy đã giảm, hiện còn 30 đầu mối, gồm 18 bộ,
04 cơ quan ngang bộ và 08 cơ quan trực thuộc Chính phủ, nhưng cơ cấu tổ chức chậm được điều chỉnh và vẫn còn nhiều hơn so với một số nước trong khu vực và trên thế giới.
- Năm là, kiên quyết tiếp tục cuộc đấu tranh chống tham nhũng trong bộ máy nhà nước và toàn bộ hệ thống chính trị ở mọi cấp, mọi ngành từ Trung ương đến cơ
sở cùng với việc chống tham nhũng, phải chống tham ô lãng phí, quan liêu, buôn lậu đặc biệt là các hành vi lợi dụng chức quyền để làm giàu bất chính.
Theo kết quả điều tra dư luận xã hội do Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành mới đây, tuyệt đại đa số ý kiến người dân (93%) bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng; khiến cho mọi sự xuyên tạc, chống
phá của các thế lực thù địch đều trở nên trơ trẽn, nực cười. Đó là thành công lớn trong công tác phòng, chống tham nhũng của chúng ta.
2. Giải pháp xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam
Công cuộc đổi mới của Việt Nam tiếp tục đi vào chiều sâu, đất nước ta đã thu được nhiều thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử sau hơn 35 năm đổi mới. Nền kinh
tế thị trường định hướng XHCN được phát triển theo hướng hiện đại, hội nhập sâu rộng, trên nhiều lĩnh vực tiếp cận với các chuẩn mực quốc tế. Bởi vậy, những kết quả
có được nêu trên một phần quan trọng là Việt Nam đã giải quyết thành công nhiều vấn đề, giải quyết tốt các mối quan hệ lớn trong quá trình đổi mới, trong đó có quan
hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa phát triển kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng với xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân… Nhờ đó, đem lại những kết quả to lớn, sự thống nhất cao, trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Bước vào giai đoạn mới, sau thành công của Đại hội XIII của Đảng, vấn đề về xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả có vị trí hết sức quan trọng, đặc biệt là hướng tới những mốc quan trọng của đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam cần tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau:
- Một là, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc xây dựng, hoàn thiện
Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tạo sự thống nhất trong Đảng và toàn xã hội; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức xã hội, đảm bảo thực sự là Nhà nước của dân, do dân và vì dân, mọi quyền lực thuộc về nhân dân, thực hành dân chủ đi đôi với trách nhiệm, quyền và lợi ích của người dân.
- Hai là, tiếp tục nghiên cứu, làm rõ một số vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra
trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, như vấn đề về dân chủ xã hội chủ nghĩa trong chế độ một Đảng, tính ưu việt, thực tiễn và đặc thù Việt Nam; quyền lực là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực trong điều kiện mới, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực, đảm bảo tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình; Mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền; mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội.
- Ba là, đổi mới mạnh mẽ về tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước đáp
ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2045 hoạt động hiệu lực, hiệu quả phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế trong từng giai đoạn. Xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại; tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý...Làm rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong thực hiện các
quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Nâng cao tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, đạo đức công vụ cho cán bộ, công chức. Đẩy mạnh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
- Bốn là, tôn trọng, bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Nâng cao trách
nhiệm pháp lý giữa Nhà nước và công dân, thực hành dân chủ đi đôi với tăng cường
kỷ luật, kỷ cương xã hội. Hoàn thiện pháp luật về dân chủ trực tiếp như trưng cầu ý dân; lấy ý kiến nhân dân; nhân dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; vấn đề bãi miễn đại biểu dân cử khi không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện pháp luật về dân chủ gián tiếp, như vấn đề bầu cử; mối quan hệ giữa nhân dân với các thiết chế đại diện...
- Năm là, đổi mới mạnh mẽ hoạt động xây dựng pháp luật, hạn chế ủy quyền
pháp luật, quy định chế tài pháp luật phù hợp hơn; chú trọng xây dựng đầy đủ cơ chế bảo vệ Hiến pháp. Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân tham gia xây dựng pháp luật, coi trọng hiệu quả thực thi pháp luật. Về lâu dài, phải xây dựng, hoàn thiện được một hệ thống pháp luật thể hiện đúng, đầy đủ ý chí, nguyện vọng của nhân dân, bảo đảm tính toàn diện, đồng bộ, thống nhất, phù hợp, ổn định và khả thi. Nội dung luật phải đảm bảo tính dân chủ, thúc đẩy tiến bộ xã hội, vì hạnh phúc con người. Việc
tổ chức thi hành pháp luật phải đảm bảo tinh thần thượng tôn pháp luật.
PHẦN KẾT LUẬN
Qua nội dung trên, ta thấy, nhà nước trước hết là một tổ chức quyền lực công, nói đến nhà nước là nói đến quyền lực của nó, đó là thuộc tính cố hữu của nhà nước
vì nếu không có quyền lực thì nhà nước không thể điều hành và quản lý xã hội, thiết lập và giữ gìn trật tự xã hội không thể thực hiện được những mục đích và bảo vệ lợi ích của lực lượng cầm quyền. Quyền lực nhà nước là sức mạnh mang tính ý chí của nhà nước, sức mạnh đó tồn tại một cách công khai trong xã hội, bắt buộc mọi cá nhân, tổ chức, lực lượng… trong xã hội phải phục tùng. Quyền lực nhà nước được bảo đảm thực hiện bởi một bộ máy chuyên nghiệp quản lý xã hội, bởi các công cụ bạo lực như cảnh sát, quân đội, toà án nhà tù..., và bởi một hệ thống các quy định có giá trị bắt buộc phải tôn trọng hoặc thực hiện trong toàn xã hội. Nhờ có quyền lực mà nhà nước đã chứng minh được vai trò ngày càng quan trọng và không thể thiếu của
nó trong xã hội.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam đã đứng lên làm Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công lập ra Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Do miền Nam chưa được hoàn toàn giải phóng nên nhân dân Việt Nam tiếp tục thực hiện cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam để thống nhất đất nước đồng thời chuyển dần sang thực hiện nhiệm vụ của cách mạng xã hội chủ nghĩa
ở miền Bắc. Năm 1975 miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, Nhà nước Việt Nam đổi tên thành Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước.
Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một trong những mô hình đã được tìm tòi, sáng tạo dựa trên cơ sở lý luận khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin và
tư tưởng Hồ Chí Minh, đúng như V. I. Lênin đã khẳng định: "Tất cả các dân tộc sẽ đi đến chủ nghĩa xã hội, đó là điều không thể tránh khỏi, nhưng tất cả các dân tộc sẽ đi lên chủ nghĩa xã hội không phải một cách hoàn toàn giống nhau, mỗi dân tộc sẽ đưa đặc điểm của mình vào hình thức này hay hình thức khác của chế độ dân chủ, vào loại này hay loại khác của nền chuyên chính vô sản, vào nhịp độ này hay nhịp độ khác của việc cải tạo xã hội chủ nghĩa đổi với các mặt khác nhau của đời sống xã hội”.
Xem xét vai trò của nhà nước trong tất cả các giai đoạn của lịch sử, có thể khẳng định nhà nước là công cụ đắc lực và có hiệu quả nhất để thực hiện và bảo vệ lợi ích, quyền và địa vị thống trị của giai cấp hay lực lượng cầm quyền, để tổ chức và quản lý
xã hội. Vì thế, nhà nước luôn là trọng tâm nghiên cứu của các nhà tư tưởng chính trị đại diện cho các giai cấp, tầng lớp khác nhau thuộc các thời kỳ lịch sử và cũng là một trong những trọng tâm nghiên cứu của khoa học lý luận chung về nhà nước và pháp luật. Song trước khi xem xét tất cả các vấn đề liên quan đến nhà nước như nguồn gốc, bản chất, chức năng, vai trò, hình thức... của nó thì vấn đề đầu tiên phải xác định được là nhà nước là gì, bởi vì tất cả các vấn đề về nhà nước chỉ có thể được lý giải trên cơ sở định nghĩa đó.