CHƯƠNG 3: KHẢO SÁT ĐỊNH NGỮ TÌNH THÁI
3.2. Định ngữ câu biểu thị tình thái nhận thức
3.2.1. Định ngữ câu biểu thị tình thái thực hữu
3.2.1.1. Định ngữ câu khẳng định một lần nữa giá trị chân lí, tính chính xác của một sự tình đã được nêu ra từ trước đó
Gồm các định ngữ với mô hình sau: “Quả, quả thật, quả nhiên, quả tình, thật, phải nói + P”.
Xét các ví dụ sau:
- Quả nhiên chiều hôm ấy tôi được thấy Nga nũng nịu đu lấy cổ một
chàng trai trẻ như đã đu lấy cổ tôi lúc ở tảng đá cũ. (1, 19)
- Quả thật, từ khi biết rằng con vợ chủ sai hắn làm một việc không
chính đáng, hắn vừa làm vừa run. (1, 46)
- Gà thì quả là nhà cháu không nuôi, nhưng bây giờ mẹ góa con côi, ông làm công việc, mẹ con tôi cũng mong được cái oai của ông che chở …
(1, 66)
- Anh quả là một nhà tiểu thuyết chân chính đấy (1, 292)
- Cuộc đời quả thật cứ mỗi ngày một thêm đáng buồn (1, 115)
- Thật con nói có trời trên kia chứng giám, nếu con định đến đây để dỗ dành cháu về để đem cho người khác thì trời vật chết con đi. (1, 165)
- Nhưng thật cảnh con còn bấn quá. (1, 210)
- Tôi thật không ngờ cái dân tộc này mà lại có ngày hóa ra đến thế.
(4, 166)
- Phải nói là trong lòng tôi thật sự biết ơn mọi người. (7, 20)
- Anh thật là một tay cao thủ. (TLTT) Phân tích:
Khi nói những câu trên thì người nói nhằm nhấn mạnh, khẳng định lại một lần nữa tính chân xác của một sự tình đã được cả người nói và người nghe đoán định hay đã biết trước. Điều này có nghĩa là, sự tình nêu ra có tính chất tất yếu. Người nói có đầy đủ cơ sở bằng chứng để khẳng định sự tình đó
là đúng đắn. Một đặc điểm nữa rút ra từ các ví dụ trên là những câu này không phải là câu mở đầu cho một đoạn hội thoại hay văn bản, vì thông tin đưa ra có thể mới hoặc cũ nhưng nó chắc chắn phải là sự tiếp nối của một thông tin trước đó, chứ không thể là sự mở đầu cho một chuỗi thông tin hoàn toàn mới. Mục đích của người nói chỉ là nhắc lại, tái khẳng định tính chân xác
và làm rõ hơn mức độ chính xác của sự tình tiền giả định trước đó. Và cũng mặc nhiên người nghe hiểu được tiền giả định được nói đến trong ngữ cảnh trước đó là đúng. Vì vậy, những câu có định ngữ biểu thị tình thái như thế này hiếm khi là câu mở đầu cho một đoạn thoại.
Có thể lấy ví dụ chứng minh như sau:
Ví dụ 1:
{Tôi đã nói dối Nga là tôi phải về Sài Gòn có việc cần. Nhưng đi được một quãng, tôi bắt dừng xe lộn lại, và lần ra chỗ thiên thai nấp vào trong bụi rậm. Sự nghi ngờ của tôi không đến nỗi vô lý}. Quả nhiên chiều hôm ấy tôi
được thấy Nga nũng nịu đu lấy cổ một chàng trai trẻ như đã đu lấy cổ tôi lúc ở tảng đá cũ. (1, 19)
Phân tích: Trong ngữ cảnh trên, “quả nhiên” đóng vai trò định ngữ tình thái, làm rõ thêm nội dung đi trước đó “sự nghi ngờ của nhân vật tôi là đúng” và đúng như thế nào. Như vậy, với từ “quả nhiên” đứng đầu phát ngôn thì vừa khẳng định nội dung đi trước vừa làm cụ thể thêm nội dung
“sự nghi ngờ đó là gì”.
Ví dụ 2:
{ Bẩm bà, bà dạy thế oan con quá. Trời để con sống ngần này tuổi đầu con còn dám lừa lọc hay sao?} Thật con nói có trời trên kia chứng giám, nếu con định đến đây để dỗ dành cháu về để đem cho người khác thì trời vật chết con đi. (1, 165)
Phân tích: “Thật” đứng ở đầu câu với vai trò của định ngữ tình thái, nhấn mạnh thêm hai nội dung. Thứ nhất, phản bác lại tính không chính xác của sự tình trước đó. Thứ hai là khẳng định ở mức độ cao tính chân thực của
sự tình được nói đến. Nếu không có câu trước đó, tức loại bỏ phát ngôn ra khỏi ngữ cảnh thì người nghe sẽ không hiểu được người nói muốn nhấn mạnh
đến nội dung nào ở đây. Vì thế, không thể tách phát ngôn trên ra khỏi văn bản thành câu độc lập, sẽ gây khó hiểu về nghĩa.