CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
2.3. Phân tích thực trạng quản lý nhà nước về du lịch tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, giai đoạn 2016 – 2021
2.3.1. Công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
2.3.1.7. Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch
- Chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về giá cả, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường, về thuế, chế độ báo cáo thống kê và các quy định của pháp luật.
- Đối với các doanh nghiệp đang kinh doanh hoạt động chịu trách nhiệm về công tác cấp cứu thủy nạn, trang bị đầy đủ các trang thiết bị cứu hộ cần thiết cho du khách, phân công, bố trí lực lượng cứu hộ túc trực để đảm bảo an toàn cho du khách.
- Đối với các dự án đầu tư: các chủ đầu tư phải có các biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn không cho khách sử dụng vị trí đất của mình tổ chức tắm biển, ăn uống, xả rác làm mất mỹ quan đô thị. Nếu để xảy các trường hợp nêu trên thì các sở ngành, UBND các hụyện, thị xã, thành phố sẽ đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh thu hồi dự án.
2.3.2. Công tác ban hành văn bản, tổ chức triển khai chính sách, pháp luật của Nhà
nước về hoạt động du lịch:
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến sự phát triển của Ngành du lịch Việt Nam nói chung và phát huy tiềm năng thế mạnh du lịch các địa phương nói riêng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực du lịch, như Luật Du lịch được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 19 tháng 6 năm 2017; Nghị định số 92/2007/NĐ-CP ngày 01/6/2007 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Du lịch, Nghị định số 16/2012/NĐ-CP ngày 12/3/2012 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch,... Những nội dung quy định trong Luật Du lịch về bảo vệ và tôn tạo tài nguyên du lịch, quy hoạch du lịch, công nhận và tổ chức quản lý khu, tuyến, điểm du lịch và đô thị du lịch; tiêu chuẩn hóa cán bộ quản lý, nhân viên phục vụ, tiêu chuẩn hóa các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch; các quy định về đảm bảo an ninh, an toàn, cứu hộ, cứu nạn, bảo hiểm du lịch và giải quyết yêu cầu, kiến nghị của khách du lịch đều nhằm thể hiện chính sách của Nhà nước Việt Nam trong việc nâng cao sức cạnh tranh, tính hấp dẫn của du lịch Việt Nam, bảo vệ quyền lợi chính đáng của khách du lịch và các nhà đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực du lịch.
Quyết định số 2473/QĐ-TTg, ngày 30/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ''Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Thực hiện Quyết định số 147/QĐ-TTg, ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt
“Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030”, khẳng định quan điểm phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại. Trước những thách thức mới từ đại dịch Covid-19, ngành du lịch đang triển khai các phương án ứng phó, những giải pháp đột phá để phục hồi, phát triển, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu mà Chiến lược đã đề ra.
Quyết định số 870/QĐ-TTg, ngày 16/07/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt
“Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Côn Đảo, Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2030” đã chỉ rõ cần phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch trên cơ sở các giá trị đặc trưng của văn hóa, lịch sử và thiên nhiên Côn Đảo. Phấn đấu đến năm 2030, Côn Đảo
trở thành khu du lịch sinh thái biển đảo và văn hóa - lịch sử - tâm linh chất lượng cao, đặc sắc tầm cỡ khu vực và quốc tế với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch có thương hiệu, sức cạnh tranh cao, mang đậm đặc trưng văn hóa truyền thống gắn liền với phát huy các giá trị của Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Côn Đảo.
Bên cạnh đó Nghị định 111/ND-HĐND, ngày 13/12/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh phê chuẩn kế hoạch đầu tư công năm 2020 và điều chỉnh bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 cũng thực hiện phân bổ vốn đầu tư công năm 2020.
Nhằm có cơ sở tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thuê môi trường rừng để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại Vườn quốc gia Côn Đảo, ngày 29 tháng 11 năm 2021, Ban quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo đã ban hành Quyết định số 319/QĐ-VQG Quy định tiêu chí kỹ thuật xét chọn nhà đầu tư thuê môi trường rừng để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại Vườn quốc gia Côn Đảo đến năm 2030.
2.3.3. Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về du lịch tại địa phương:
Ở cấp tỉnh, Sở Du lịch, là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, theo cơ cấu tổ chức là Lãnh đạo sở sẽ trực tiếp quản lý ban hành Quy định, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Du lịch bao gồm các văn phòng chuyên môn (Văn phòng sở, Thanh Tra, phòng Quản lý và Phát triển du lịch, phòng Kế hoạch – Tài chính, phòng Tổ chức - Pháp chế…).
Đội ngũ cán bộ công chức thực hiện công tác QLNN về du lịch: Về số lượng, cơ cấu cán bộ công chức tại Sở Du lịch phụ trách lĩnh vực du lịch tổng số có 19 người, trong đó 01 Giám đốc Sở và 02 Phó Giám đốc Sở phụ trách du lịch; Phòng Quản lý và phát triển du lịch có 01 Phó Trưởng phòng, 04 chuyên viên; Phòng Thanh tra có 02 Phó chánh thanh tra, 02 chuyên viên; Bộ phận Văn phòng bao gồm 01 Phó chánh văn phòng, 05 chuyên viên và 01 tài xế. Trong thời gian gần đây, Sở đã cử cán bộ, công chức tham gia các lớp quản lý nhà nước lĩnh vực du lịch, tham gia các lớp nâng cao trình độ ngoại ngữ.
Tuy nhiên, về số lượng cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về du lịch của Sở chưa được đầy đủ. Nhìn chung, bộ máy quản lý nhà nước về du lịch của tỉnh có sự sắp xếp, thay đổi, việc phân công cán bộ, công chức ngày càng phù hợp hơn với yêu cầu thực tế. Cán bộ, công chức cần đảm bảo số lượng đầy đủ chất lượng cao về trình độ chuyên
môn và ngoại ngữ để góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch của tỉnh.
2.3.4. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch:
Theo số liệu khảo sát của Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch, cuối năm 2019, Bà Rịa - Vũng Tàu có khoảng 21.000 lao động trực tiếp và gián tiếp làm việc trong lĩnh vực du lịch. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 kéo dài khiến nhiều cơ sở dịch vụ khó khăn kéo theo việc làm cho lao động bị ảnh hưởng. Tính đến tháng 10/2020 có 93 doanh nghiệp du lịch thông báo tạm ngưng kinh doanh. Lao động trực tiếp trong các bộ phận buồng, bếp, nhà hàng, hướng dẫn viên bị cắt giảm. Theo thống kê của Sở Du lịch, có 3.119 lao động trong ngành bị mất việc làm trong thời gian giãn cách xã hội.
Hiện nay, Covid-19 đã được kiểm soát tốt trong cộng đồng. Bà Rịa - Vũng Tàu cũng tổ chức kích cầu du lịch lần 2 vào đầu tháng 10. Thế nhưng, dịch bệnh kéo dài khiến nhiều lao động trong ngành du lịch sau khi tạm nghỉ phòng dịch đã chủ động chuyển nghề, tìm công việc mới. Do vậy, nhiều khách sạn, cơ sở lưu trú mở cửa trở lại gặp khó vì nhiều nhân viên cũ chuyển nghề hoặc đã tìm được công việc mới. Bên cạnh đó, trải qua 2 lần tạm nghỉ việc, giảm lương do Covid-19, nhiều lao động có tay nghề lo ngại việc làm trong ngành du lịch thiếu tính ổn định vì dịch bệnh vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát, nên không mặn mà quay lại gắn bó với nghề. Tuy vậy, các doanh nghiệp vẫn phải chấp nhận tuyển dụng cho đủ vị trí và chủ động tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ, phong cách phục vụ theo đặc thù riêng của doanh nghiệp.
Không chỉ doanh nghiệp chủ động, chuẩn bị lực lượng lao động sẵn sàng cho việc đón khách thời gian tới, Sở Du lịch cũng tích cực đồng hành trong công tác đào tạo nâng chất lượng cho lao động trong ngành. So với tất cả các tỉnh, thành phát triển du lịch trên cả nước, tốc độ phục hồi sau Covid-19 của Bà Rịa - Vũng Tàu được đánh giá nhanh nhất.
Cụ thể, báo cáo từ khối doanh nghiệp du lịch, công suất phòng cuối tuần đạt trên 80%.
Các khách sạn, khu du lịch ven biển kín phòng vào thứ Sáu, thứ Bảy. Đáng chú ý, sau một thời gian chủ yếu đón khách lẻ, khách gia đình, nhiều khu du lịch, khách sạn đã có những đoàn khách lớn là các công ty, xí nghiệp đưa người lao động, đối tác về Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức hội thảo, hội nghị kết hợp du lịch.
Xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là nâng tính chuyên nghiệp cho ngành, từ đầu tháng 10 đến nay, Sở Du lịch đã mở các lớp học ngắn hạn bồi dưỡng văn hóa giao tiếp ứng xử trong du lịch, hướng dẫn viên du lịch tại điểm, tập huấn kiến thức du lịch sinh thái cộng đồng và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quảng bá du lịch trên không gian số. Từ nay đến cuối năm, Sở tiếp tục mở thêm 2 lớp gồm: Nâng cao trình độ quản lý cho đội ngũ lãnh đạo các doanh nghiệp du lịch và bồi dưỡng nghiệp vụ cho cấp cứu thủy nạn. Hiện nay, du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu được định hướng phát triển theo hướng chất lượng cao. Trong đó, nguồn nhân lực là yếu tố then chốt, quyết định sự thành công trên con đường phát triển. Do vậy, không chỉ đào tạo ngắn hạn, Sở Du lịch đã xây dựng Đề án “Phát triển nguồn nhân lực du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” với các mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh có 38.000 lao động trong ngành du lịch; năm 2030 là 46.000 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo chuyên ngành du lịch đạt từ 80-100%.
2.3.5. Tổ chức quản lý và xúc tiến du lịch:
Sở Du lịch tỉnh đã có sự phối hợp các ngành và địa phương thường xuyên nắm bắt tình hình hoạt động du lịch tại các khu, điểm và kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc. Các cơ sở kinh danh du lịch báo cáo định kỳ và đột xuất cho Sở Du lịch về tình hình hoạt động, tình hình an ninh trật tự, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phong trào ứng xử văn minh, thu hút khách du lịch, tiếp nhận và giải quyết kịp thời yêu cầu của khách du lịch.
Tuy nhiên, so với tiềm năng và lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý, ngành kinh tế du lịch vẫn đang phát triển chưa tương xứng, mà nguyên nhân chủ yếu là do vai trò của kinh tế du lịch chưa được các cấp chính quyền nhận thức đầy đủ, hạ tầng kỹ thuật đầu tư trực tiếp phục vụ cho du lịch chưa đồng bộ, chính sách về đất đai và đầu tư chưa ổn định. Năm 2020, dịch Covid 19 đã gây ảnh hưởng lớn cho các khu du lịch ven biển.
Điều này phần nào làm chậm lại tốc độ tăng trưởng của ngành Du lịch. Trong bối cảnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu khóa VII theo chỉ đạo của Bộ Chính trị đã kịp thời đưa ra nhiều giải pháp đồng bộ, thể hiện quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh; nhằm duy trì và đẩy nhanh đà tăng trưởng của ngành kinh tế du lịch, xác