CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
2.4. Đánh giá hoạt động quản lý nhà nước về du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, giai đoạn 2016 – 2020
đoạn 2016 – 2020:
2.4.1. Những kết quả đạt được:
Trên cơ sở Quy hoạch tổng thể phát triển ngành du lịch của toàn Việt Nam nói chung và của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng, trong những năm gần đây, bước đầu ngành du lịch của tỉnh đã hình thành được hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, các khu, điểm du lịch. Có thể khẳng định, thời gian qua mặc dù gặp nhiều khó khăn song công tác quản lý nhà nước về du lịch ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có bước chuyển biến rất tích cực, góp phần quan trọng thúc đẩy hoạt động du lịch phát triển. Cụ thể là:
Thứ nhất, công tác quy hoạch và kế hoạch phát triển du lịch được tỉnh rất quan tâm, ban hành nhiều Nghị quyết, kế hoạch với nội dung, phương pháp và tổ chức thực hiện có nhiều điểm mới, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn xây dựng chiến lược và kế hoạch kinh doanh của mình sát hợp với thị trường và phù hợp với định hướng
phát triển chung của địa phương, đặc biệt là phục hồi du lịch sau đại dịch Covid -19. Mặt khác, công tác phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất - kỹ thuật du lịch được tỉnh quan tâm đã tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm hơn, nhờ đó đã khắc phục được một phần hiện tượng đầu tư dàn trải, gây lãng phí.
Thứ hai, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về du lịch từ tỉnh đến cơ sở có sự sự sắp xếp, thay đổi, việc phân công cán bộ, công chức cơ bản ngày càng phù hợp hơn với yêu cầu thực tế. Công tác ban hành văn bản, tổ chức triển khai chính sách, pháp luật của Nhà nước về hoạt động du lịch được chú trọng thực hiện. Điều đó đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động du lịch, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn tỉnh.
Thứ ba, công tác tổ chức quản lý và xúc tiến du lịch giúp cơ quan quản lý nhà nước về du lịch nắm bắt tình hình hoạt động của tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch về tình hình an ninh trật tự, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phong trào ứng xử văn minh, thu hút khách du lịch, tiếp nhận và giải quyết kịp thời yêu cầu của khách du lịch
Thứ tư, công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch được tăng cường, đã tạo điều kiện nâng cao kiến thức về văn hóa, lịch sử, ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp, hướng dẫn du lịch... cho lực lượng lao động ngành du lịch của tỉnh.
Thứ năm, công tác kiểm tra, thanh tra đối với hoạt động du lịch được thực hiện, góp phần nâng cao nhận thức cho tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, khách du lịch, ổn định thị trường, đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh du lịch, giữ gìn kỷ cương pháp luật trong hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh.
2.4.2. Những hạn chế và nguyên nhân:
2.4.2.1. Những hạn chế:
Bên cạnh những thành tựu tích cực đạt được, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động du lịch ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong thời gian qua cũng bộc lộ những hạn chế:
Một là, công tác tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật của nhà nước cho cộng đồng dân cư địa phương về vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội, mặc dù được chính quyền tỉnh thực hiện khá tích cực, song hiệu quả còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch trong bối cảnh hiện nay. Việc cụ thể hóa và ban hành cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền để quản lý, điều hành hoạt động du lịch từng lúc còn chậm, nội dung chưa sát hợp với điều kiện, tiềm năng phát triển du lịch ở tỉnh và chưa thật sự tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh du lịch. Thủ tục hành chính đối với kinh doanh nói chung và hoạt động du lịch nói riêng mặc dù được cải thiện nhưng nhìn chung còn phức tạp, gây phiền hà cho các nhà đầu tư.
Hai là, quy hoạch tổng thể đã có sự điều chỉnh tuy nhiên vẫn có tình trạng chồng chéo, bất cập, thiếu thống nhất với quy hoạch ngành kinh tế khác dẫn đến việc triển khai thực hiện quy hoạch gặp khó khăn. Các huyện, thị xã, địa phương trong tỉnh có lợi thế tiềm năng về phát triển du lịch chưa tích cực tham mưu quy hoạch chi tiết phát triển khu, điểm du lịch. Việc quy hoạch phát triển kinh tế của tỉnh có nguy cơ tác động tiêu cực đến môi trường và hủy hoại tài nguyên du lịch.
Ba là, công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho hoạt động du lịch còn nhiều hạn chế, tình trạng chất lượng nguồn nhân lực thấp, thiếu đội ngũ lao động tay nghề cao, chất lượng phục vụ chưa đồng đều và thiếu tính chuyên nghiệp. Đối với nhân lực thực hiện chức năng quản lý nhà nước về du lịch trình độ ngoại ngữ còn yếu. Đối với nhân lực thực hiện chức năng kinh doanh du lịch đây là nguồn nhân lực chiếm số lượng lớn và cơ bản chưa được qua đào tạo.
Bốn là, công tác kiểm tra, thanh tra hoạt động du lịch và xử lý vi phạm trong lĩnh vực du lịch mặc dù được chính quyền tỉnh quan tâm chỉ đạo, nhưng nhìn chung còn nhiều bất cập, thực hiện chưa thường xuyên, hiệu quả mang lại không cao, công tác hậu kiểm thường chỉ ở mức độ đôn đốc, nhắc nhở, từng lúc, từng nơi chưa dứt khoát, còn buông lỏng, bỏ ngỏ, chưa có sự phối kết hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước về du lịch với các cơ quan liên quan trong việc hỗ trợ, giải quyết khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư.
2.4.2.2. Nguyên nhân của những hạn chế:
Qua nghiên cứu tình hình quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn tỉnh cho thấy nguyên nhân của những hạn chế nêu trên là do một số nguyên nhân về khách quan và chủ quan bao gồm:
- Thứ nhất, về nguyên nhân khách quan: Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có số lao động được đào tạo chuyên ngành về du lịch còn khá ít, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và ngoại ngữ chưa đáp ứng yêu cầu phát triển chung của ngành, nhất là đang trong xu thế hội nhập, lao động phổ thông chiếm tỷ lệ cao, tác phong làm việc của người lao động chưa thật sự chuyên nghiệp, còn mang tính thời vụ, gây khó khăn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư kinh doanh du lịch.
- Thứ hai, nguyên nhân chủ quan + Cơ chế, chính sách, pháp luật chung liên quan đến phát triển kinh tế nói chung và phát triển du lịch nói riêng chậm sửa đổi, chưa đồng bộ, thiếu nhất quán và thiếu thông thoáng. Ví dụ như việc ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Du lịch còn chậm, chưa kịp thời, gây khó khăn cho hoạt động quản lý nhà nước về du lịch ở các địa phương; Các chính sách thu hút đầu tư chưa thực sự hấp dẫn,...
+ Đội ngũ cán bộ, công chức phụ trách du lịch ở Sở Du lịch và các huyện, thị còn nhiều bất cập, được tỉnh quan tâm việc quy hoạch đào tạo, sử dụng tuy nhiên chưa được thường xuyên, các chính sách tiền lương, chính sách đãi ngộ cán bộ, chính sách thu hút nhân tài chậm được ban hành hoặc chưa được chú trọng thực hiện. Lực lượng cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về du lịch còn thiếu về số lượng và yếu về trình độ chuyên môn, ngoại ngữ nên khó khăn trong công tác quản lý, thống kê, hướng dẫn,...
công tác du lịch tại các cơ sở trong tỉnh gặp nhiều khó khăn.
+ Công tác tổ chức tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật du lịch cán bộ, công chức làm công tác quản lý du lịch, cho cộng đồng dân cư, doanh nghiệp, khách du lịch được thực hiện song hiệu quả còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch trong bối cảnh hiện nay. Việc cụ thể hóa và ban hành các cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền để quản lý, điều hành hoạt động du lịch những nhiều khi còn chậm, nội dung chưa sát với điều kiện, tiềm năng phát triển du lịch ở tỉnh. Nội dung, phương pháp tuyên truyền, phổ biến giáo dục chính sách, pháp luật du lịch cho cộng đồng dân cư còn nghèo nàn, đơn điệu.
+ Nội lực đầu tư từ nguồn vốn Trung ương, của tỉnh và doanh nghiệp dành cho đầu tư và hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất - kỹ thuật du lịch còn thấp, trong khi đó việc phân bổ vẫn còn thiếu tập trung, dẫn đến tình trạng đầu tư phân tán, nhỏ lẻ, các dự án đầu tư bị chậm tiến độ.