XÂY DỰNG CSDL NỀN ĐỊA LÝ TỪ BẢN ĐỒ ĐỊA HÌNH BẰNG CÔNG NGHỆ ẢNH SỐ
3.2.6. Chuẩn hóa dữ liệu địa lý
a. Chuẩn hoá quan hệ hình học (Topology) của đối tượng địa lý
-Mỗi đối tượng địa lý được mô tả bằng các kiểu hình học nhất định (điểm, đường, vùng, ghi chú). Tuỳ theo loại đối tượng và qui định về mức độ thu nhận thông tin của loại CSDL nền địa lý 1: 10.000 mà đối tượng có thể ở dạng điểm hoặc vùng, đường hoặc vùng…. Kèm theo đó là các yêu cầu cần chuẩn hoá về quan hệ hình học (Topology) cho loại đối tượng đó.
- Sử dụng các phần mềm trong hệ thống Intergraph và các phần mềm xây dựng chuyên dụng để chuẩn hoá đối tượng địa lý theo yêu cầu về cấu trúc TOPOLOGY trong thể hiện hình học của đối tượng: dạng điểm, đường, vùng.
Ví dụ: Điểm chỉ có một đỉnh, khoảng cách tối thiểu giữa hai điểm trong cùng một lớp thông tin phải lớn hơn sai số cho phép; Đối với thể hiện hình học dạng đường: Đường phải có tối thiểu 2 đỉnh, các đỉnh trong một đối tượng phải cách nhau tối thiểu một khoảng cho phép...
- Chuẩn hoá quan hệ hình học giữa các kiểu đối tượng địa lý chỉ ra trong qui định CSDL nền địa lý 1:10.000. Ví dụ: Các đối tượng kiểu BinhDo không giao, không đè lên nhau, Các đối tượng kiểu DoanTimDuongBo chỉ được giao nhau tại vị trí bắt đầu hoặc kết thúc của mỗi đoạn ; không được tồn tại đối tượng kiểu CauGiaoThong, HamGiaoThong độc lập về vị trí không gian; Vị trí không gian của các đối tượng kiểu CauGiaoThong, HamGiaoThong phải trùng với các đối tượng kiểu DoanTimDuongBo ...
- Các đối tượng thuộc lớp phủ bề mặt được định nghĩa theo các phương pháp giải đoán từ các yếu tố nội dung bản đồ đã có như: Thực vật, thủy hệ, giao thông, ... Các đối tượng thuộc lớp phủ bề mặt phải đảm bảo quan hệ hình học (Topology). Khi xây các đối tượng này cần phủ kín phạm vi địa lý bằng các đối tượng thuộc lớp phủ bề mặt (thực phủ, mặt nước, bề mặt khu vực xây dựng, giao thông, thuỷ lợi, bề mặt khu vực dân cư, ...). bằng các đối tượng:
ranh giới thực vật, tường rào, đường giao thông, sông suối, kênh mương, ...
Kết quả của nội dung này phải đảm bảo sao cho giữa các vùng cận kề (hàng
xóm) không còn kẽ hở và không được chờm phủ lên nhau. Về thuộc tính phân loại: các vùng cận kề không được phân loại giống nhau và không có vùng nào không được phân loại.
b. Chuẩn hoá tương quan giữa các lớp đối tượng địa lý
-Việc chuẩn hoá tương quan giữa các lớp đối tượng (Feature class) được thực hiện đồng thời hoặc sau khi chuẩn hoá từng loại đối tượng (Feature type) tuỳ thuộc vào hiện trạng, tính chất và mật độ đối tượng địa lý trong từng khu vực.
-Chuẩn hoá tương quan hình học bao gồm giữa các đối tượng (Feture type) cùng loại và với các đối tượng khác loại.
-Một số lớp đối tượng như : mạng lưới giao thông, được tạo mới so với nội dung bản đồ địa hình bằng các công cụ nội suy đường tâm (centreline, tự động hoặc bán tự động) từ các đường mép của đối tượng vẽ theo tỷ lệ. Các đối tượng vẽ nửa theo tỷ lệ (1 nét) cần chuẩn lại thuộc tính theo phân loại của loại đối tượng “đoạn tim đường bộ”. Đối tượng mạng lưới đường bộ, mạng lưới đường sắt đều được chuẩn hoá theo quan hệ nút – cạnh – nút tạo ra từng đoạn đường tâm đối tượng mang những thuộc tính đồ hoạ tương ứng với kiểu đối tượng qui định.
-Các đối tượng thuộc lớp phủ bề mặt được hình thành từ quan hệ các đoạn đối tượng hình tuyến thuộc nhiều lớp khác (ranh giới thực vật, mép đường, mép sông suối,…) theo cấu trúc Topology. Chuẩn hoá quan hệ theo kiểu nút – cạnh – nút bằng phần mềm chuyên dụng để hoàn thiện cấu trúc lớp thông tin cho các đối tượng dạng vùng khép kín để đảm bảo tiêu chuẩn dữ liệu, sau đó sử dụng mã để phân loại đối tượng.
-Trường hợp các đối tượng địa giới chạy dọc tâm đường khi nội suy đối tượng tim đường cho mạng lưới giao thông có thể copy tuyệt đối đoạn địa giới đã có.
-Những đối tượng dân cư, kinh tế xã hội trong nội dung bản đồ thường được biểu thị dưới dạng ghi chú vào vị trí tương đối của đối tượng. Khi chuẩn hóa thành đối tượng địa lý cần chuẩn lại cả về vị trí ghi chú (dạng text hoặc text node hoặc Cell phục vụ gán mã) cho chính xác tại tâm đối tượng hoặc lọt bên
trong đồ hình đối tượng. Cần kiểm tra tính tương quan về vị trí không gian với các đối tượng thuộc lớp phủ bề mặt, ví dụ điểm đại diện cho nơi có trường học phải thuộc về phần bề mặt nhân tạo, đối tượng có vị trí trạm bơm phải nằm trên đối tượng thủy văn ...
-Một số đối tượng nội dung bản đồ có thể sử dụng đồng thời cho 2 hoặc nhiều đối tượng địa lý như: mặt đê, đập và mặt đường giao thông đều được copy trùng khít từ gốc nhưng có thuộc tính khác nhau.
-Những đối tượng giao thông dạng điểm (bến đò, phà) với phần ranh giới nước mặt của sông, suối có liên quan cần được chuẩn hoá đúng tương quan.
c. Chuẩn hoá thuộc tính đối tượng
-Mỗi đối tượng địa lý sau khi được chuẩn hoá về hình học (điểm, đường, vùng…), được phân loại theo các mô tả trong định nghĩa đối tượng kèm theo các thông tin thuộc tính (bắt buộc hoặc tự chọn) trong Qui định CSDL nền địa lý. Mỗi loại đối tượng được qui định nhận các giá trị phân loại theo chủ đề hoặc các thuộc tính (thông tin định tính định lượng nếu có) thuộc một miền đã xác định sẵn, những đối tượng nhận giá trị ngoài miền xác định đều được coi bị sai.
-Sử dụng các giải pháp phần mềm chuyên dụng chạy trong môi trường Microstation để đảm bảo thông tin thuộc tính của đối tượng địa lý đồng nhất với thông tin bản đồ nguồn đầu vào. Mã hoá thông tin thuộc tính cho từng đối tượng đáp ứng yêu cầu gán thuộc tính đối tượng địa lý trong môi trường GIS bằng phương pháp bán tự động kết hợp với kiểm soát thông tin thuộc tính sau khi gán.
-Hoàn thiện CSDL nền địa lý được thực hiện sau khi dữ liệu địa lý gốc đã được kiểm tra, chỉnh sửa và hoàn thiện. Tạo lập một CSDL địa lý tương ứng với một khu vực địa lý cần làm dữ liệu, bao gồm các thông số mô tả về lưới chiếu, độ chính xác biểu thị đối tượng, miền giá trị (DOMAIN) ...
-Xây dựng các lớp thông tin kiểm soát tiêu chuẩn hình học của dữ liệu
(TOPOLOGY RULE) cho các lớp theo qui định, bằng các phần mềm GIS.
-Nhập dữ liệu vào các gói đã nêu ở trên và kiểm soát chất lượng dữ liệu đồ hoạ ghi nhận kết quả
-Kết nạp thông tin thuộc tính đã được tổng hợp từ dữ liệu địa lý gốc cho từng loại ĐTĐL, kiểm soát chất lượng thông tin thuộc tính, ghi nhận kết quả -Hoàn thiện báo cáo kiểm soát chất lượng dữ liệu địa lý cuối cùng.