Dịch thuật ngữ tiếng Anh chuyên ngành ngân hàng sang tiếng Việt là một việc làm quan trọng, cần có sự chính xác cao, đòi hỏi người dịch không chỉ phải có kiến thức sâu về ngữ pháp, ngữ nghĩa mà còn phải nắm vững về kiến thức chuyên môn về chuyên ngành ngân hàng. Hơn nữa, thuật ngữ tiếng Anh và tiếng Việt chuyên
ngành ngân hàng tuy có những điểm tương đồng, nhưng chúng lại thuộc hai hệ thuật ngữ của hai loại hình ngôn ngữ khác nhau. Do đó khi chuyển dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt cần có sự thống nhất, khoa học và phù hợp với đặc trưng tình hình kinh tế của mỗi nước.
Dựa trên cơ sở những miêu tả và phân tích đặc điểm cấu tạo và đặc điểm ngữ nghĩa của các thuật ngữ tiếng Anh, tiếng Việt chuyên ngành ngân hàng ở chương hai và chương ba, chúng tôi đề xuất một số kỹ thuật dịch các thuật ngữ tiếng Anh chuyên ngành ngân hàng sang tiếng Việt chuyên ngành ngân hàng như sau:
3.5.1.1. Dịch giữ nguyên tự dạng (vay mượn)
Larson cho rằng “khi có sự khác biệt lớn giữa hai ngôn ngữ thì cần sử dụng từ vay mượn. Đôi khi việc sử dụng từ vay mượn không những hay hơn mà còn chuyển tải được nghĩa đúng hơn là tìm từ mới trong ngôn ngữ đích mà nghĩa không chính xác hoặc chồng chéo” [76]. Do vậy, việc chuyển dịch các thuật ngữ tiếng Anh chuyên ngành ngân hàng sang tiếng Việt (ngôn ngữ đích) theo cách vay mượn nguyên dạng mang tính quốc tế cao. Thông thường khi chuyển dịch Anh – Việt, chúng ta thấy tên các tổ chức quốc tế hay được dịch theo cách vay mượn nguyên dạng.
Ví dụ:
- EFTPOS (electronic funds transfer at point of sale): là hệ thống thanh toán tiền điện tử (dùng cho thẻ thanh toán)
- Điều kiện D/A (documents against acceptance):là điều kiện người nhập khẩu chấp nhận trả tiền vào hối phiếu có kỳ hạn, hay còn gọi là điều kiện trả theo chấp thuận.
- Điều kiện D/P (document against payment): là điều kiện người nhập khẩu phải tiến hành trả tiền rồi mới nhận được chứng từ hàng hóa, hay còn gọi là điều kiện trả ngay.
3.5.1.2. Dịch sát nghĩa
Dịch sát nghĩa (word by word) các thuật ngữ Anh – Việt chuyên ngành ngân hàng thường phản ánh cả hình thức lẫn nội dung ở ngôn ngữ đích. Tuy nhiên, thực tế chỉ có thể đạt đúng một phần.
Ví dụ:
- Crossed cheque: séc gạch chéo (về hình thức chúng ta nhận thấy trên tờ séc này có hai đường gạch chéo song song)
- Travellers’ cheque: séc du lịch (về nội dung thì séc này thường dùng cho những ai đi du lịch nước ngoài)
Những người chủ trương phải dịch sát nghĩa cũng nhận ra rằng không thể đạt được sự hoàn toàn tương đương trong dịch thuật, mà chấp nhận cách xử lý sao cho văn bản ở ngôn ngữ đích (tiếng Việt) đạt được mục đích mà người học, người đọc (người Việt) mong đợi. Theo quan điểm này thì người dịch không chỉ là người trung gian mà còn là đồng tác giả của văn bản thuộc ngôn ngữ đích.
3.5.1.3. Dịch thoát nghĩa
Dịch thoát nghĩa là cách dịch không dựa vào nghĩa của các thành tố cấu thành thuật ngữ, mà dựa vào nghĩa theo nghiệp vụ chuyên ngành hoặc tìm thuật ngữ tương đương ở ngôn ngữ đích. Muốn dịch thoát nghĩa các thuật ngữ tiếng Anh chuyên ngành ngân hàng sang tiếng Việt, người dịch phải hiểu các nghiệp vụ về chuyên ngành ngân hàng, các thuật ngữ tiếng Việt tương đương được sử dụng trong ngân hàng.
Ví dụ:
Be in the red: thấu chi (rút vượt quá số dư có trong tài khoản) Outstanding balance: dư nợ chưa trả
Open market: thị trường mở Bill of exchange: hối phiếu 3.5.1.4. Dịch có cải biên
Phương thức dịch cải biên trong dịch thuật tức là có chuyển hình thức cấu tạo từ, có thay đổi về cấu tạo ngữ pháp của thuật ngữ theo các hình thức sau:
Thuật ngữ tiếng Anh Thuật ngữ tiếng Việt
Từ đơn Từ ghép
Từ phái sinh Từ ghép / ngữ
Từ ghép Cụm từ hay ngữ
- Các thuật ngữ là từ đơn của tiếng Anh khi chuyển dịch sang tiếng Việt thành từ ghép hoặc cụm từ như: Act (đạo luật), currency (tiền tệ), range (lĩnh vực), mark (tiêu chuẩn), market (thị trường)…
- Các thuật ngữ là từ phái sinh của tiếng Anh khi chuyển dịch sang tiếng Việt thành từ ghép hay cụm như: consumer (người tiêu dùng), discounter (công ty chiết khấu), specimen (chữ ký mẫu), owner (người chủ), serial number (số sê – ri)…
- Các thuật ngữ là từ ghép của tiếng Anh khi chuyển dịch sang tiếng Việt thành cụm từ như: bankable bill (hối phiếu có thể dùng làm thế chấp), monthly statement (bản sao kê hàng tháng), fourth market (thị trường kinh doanh chứng khoán giữa các tổ chức tài chính), stock market (thị trường chứng khoán)…
Trong bốn cách dịch thuật ngữ mà chúng tôi đề xuất, chúng ta nhận thấy cách dịch sát nghĩa, dịch giữ nguyên tự dạng (vay mượn), và dịch có cải biên là các cách dịch hướng về ngôn ngữ nguồn, còn cách dịch thoát là hướng đến ngôn ngữ đích.
Và cả bốn cách chuyển dịch này đều đạt các tiêu chuẩn của dịch thuật ngữ về tính chính xác, tính hệ thống và tính quốc tế của ngôn ngữ đích (tiếng Việt).
3.5.2. Một số vấn đề về giảng dạy tiếng Anh chuyên ngành ngân hàng
Hiện nay, hầu hết tất cả các trường đại học đều đưa môn tiếng Anh (tiếng Anh phổ thông và tiếng Anh chuyên ngành) vào chương trình học chính khóa. Hơn nữa, để đáp ứng nhu cầu cần thiết cho người học, nhiều trường và trung tâm mở các lớp đào tạo tiếng Anh chuyên ngành như: tiếng Anh chuyên ngành du lịch, tiếng Anh chuyên ngành kế toán – tài chính... Tiếng Anh ngân hàng là một trong những chuyên ngành đang được quan tâm kể từ khi nền kinh tế Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế.
Từ những kết quả khảo sát về tiếng Anh ngân hàng (có so sánh với tiếng Việt), kết hợp với quá trình làm công tác giảng dạy tại Học viện Ngân hàng – Phân viện Phú Yên – nơi đào tạo ra các nhân viên ngân hàng tương lai, chúng tôi mạnh dạn đưa ra một số đề xuất trong quá trình giảng dạy tiếng Anh ngân hàng như sau:
- Đa số các sinh viên, học viên khi học tiếng Anh chuyên ngành ngân hàng đều vấp phải một số trở ngại nhất định, bởi vì nghĩa của tiếng Anh ngân hàng hoàn toàn khỏc với nghĩa của tiếng Anh phổ thụng. Để người học tiếng Anh hiểu được rừ ràng nghĩa của một thuật ngữ và sử dụng đúng trong hoạt động giao tiếp tại ngân hàng, người dạy không chỉ có kiến thức về tiếng Anh mà còn phải am hiểu về nghiệp vụ ngân hàng nữa.
Ví dụ: khi giảng giải, phân tích thuật ngữ “credit balance” (dư có), “debit balance” (dư nợ). Trước hết người dạy nên đưa nghĩa (nghĩa từ điển) của thuật ngữ, sau đó hướng dẫn người học hiểu nghĩa sử dụng (nghĩa ngữ dụng) của các thuật ngữ này. Đối với thuật ngữ “credit balance” (dư có), “debit balance” (dư nợ) có cách sử dụng trong ngành ngân hàng hoàn toàn khác với ngành kế toán – tài chính.
- Do đặc trưng hoạt động của các ngân hàng ở Việt Nam có những điểm chưa hoàn toàn giống với các ngân hàng nước ngoài, do đó trong quá trình giao tiếp tại các ngân hàng ở Việt Nam, một số thuật ngữ tiếng Anh chưa được sử dụng. Ví dụ như tên một số thẻ thanh toán như: “charge card”, “single card” … đã trình bày ở chương hai. Hiểu được nghĩa của thuật ngữ và sử dụng đúng là vấn đề khó đối với người học tiếng Anh ngân hàng, do vậy theo quan điểm của chúng tôi, người dạy tiếng Anh ngân hàng lúc này nên phân tích, miêu tả và đưa ra những thuật ngữ tiếng Việt tương đương. Việc làm này giúp cho người học cảm thấy đơn giản hơn, dễ hiểu hơn trong quá trình học.
- Khó khăn khác cho người học tiếng Anh chuyên ngành ngân hàng là các câu trong văn bản thường ở dạng bị động. Đây là điểm ngữ pháp tương đối khó đối với người học tiếng Anh phổ thông, nay bước vào lĩnh vực chuyên ngành phải gặp lại với các dạng khó hơn. Điều này thường làm cho người học lúng túng và mắc nhiều
sai sót trong khi học. Để khắc phục tình trạng này, người dạy nên giảng lại kiến thức phổ thông về câu bị động, nhưng trong các ví dụ nên đưa câu có liên quan đến các tình huống hoạt động ngân hàng vào giải thích. Đây là bước đầu giúp người học làm quen dần với các thuật ngữ chuyên ngành ngân hàng, rồi dựa trên cơ sở đó người dạy đưa những dạng câu ngành khó hơn vào giảng giải, phân tích và miêu tả.
Ví dụ: This cheque was signed by Mary yesterday.
These exchange rates are usually displayed on a board in each branch.
Plastic money is the name given to all kinds of plastic card which are used in place of cash.
3.6. Tiểu kết
Tóm lại, trong chương ba của luận văn, chúng tôi tiến hành miêu tả, phân tích đặc điểm cấu tạo và ngữ nghĩa các trường từ vựng – ngữ nghĩa thuật ngữ tiếng Việt chuyên ngành ngân hàng. Sau đó tiến hành so sánh, đối chiếu hệ thuật ngữ tiếng Anh và tiếng Việt chuyên ngành ngân hàng để tìm ra những nét tương đồng và những nét khác biệt của thuật ngữ thuộc hai loại hình ngôn ngữ khác nhau này.
Việc chuyển dịch thuật ngữ chuyên ngành nói chung và hệ thuật ngữ ngành ngân hàng nói riêng là vấn đề cấp thiết nhằm đáp ứng nhu cầu phát triễn ngày càng cao của khoa học công nghệ và thời kỳ hội nhập quốc tế. Trên đây chúng tôi đã trình bày bốn đề xuất về cách chuyển dịch Anh – Việt các thuật ngữ chuyên ngành ngân hàng. Mỗi cách dịch đều có điểm thích hợp nhất định, phù hợp với tiêu chuẩn của hệ thuật ngữ. Tuy nhiên cũng có một số điểm chưa hoàn toàn thật sự phù hợp với đặc trưng của ngân hàng thương mại ở Việt Nam, nhưng mục đích cuối cùng của chúng tôi đặt ra là làm sao cho người học, người đọc tiếng Anh chuyên ngành ngân hàng hiểu được nghĩa của các thuật ngữ Anh – Việt khi sử dụng trong ngân hàng, trong giao tiếp hằng ngày. Việc làm này giúp các học viên ngành ngân hàng, các nhà làm kinh tế sử dụng đúng ngôn từ trong giao tiếp cũng như trong các văn bản hợp đồng kinh tế với nước ngoài.
Các học viên, sinh viên cho dù đã học xong tiếng Anh phổ thông nhưng vẫn như “người xa lạ” khi bước vào lĩnh vực chuyên ngành ngân hàng. Chúng tôi đã đưa ra ba đề xuất cho người dạy và người học, nhằm định hướng cho các học viên, sinh viên tự đề ra phương pháp học sao cho phù hợp với khả năng của mình để đạt kết quả tốt hơn.
Vấn đề xây dựng từ điển và chuẩn hóa thuật ngữ tiếng Việt chuyên ngành ngân hàng là vấn đề quan trọng, có tính khoa học. Vì vậy, cần có sự kết hợp của các nhà chuyên gia ngành ngân hàng, các nhà ngôn ngữ học trong công tác thẩm định về nghĩa của các thuật ngữ.