2.5.1. Tình hình nghiên cứu trên thế giới
Hoạt tính kháng nấm gây bệnh
Nghiên cứu tại Institute of Bioagricultural Sciences, Academia Sinica, Đài Bắc (Đài Loan) ghi nhận dịch chiết từ lá và hạt chùm ngây bằng ethanol có các hoạt tính diệt được nấm gây bệnh loại Trichophyton rubrum, Trichophytonmentagrophyte, Epidermophyton floccosum và Microsporum canis [35].
Rễ chùm ngây có hoạt tính kháng khuẩn và chứa nhiều các hợp chất kháng khuẩn. Yếu tố kháng vi sinh vật là pterygospermin, có hoạt tính kháng khuẩn và kháng nấm mạnh. Phức hợp tương tự, liên quan đến hoạt tính kháng khuẩn và kháng nấm cũng được tìm thấy ở hoa. Dịch chiết rễ cũng có hoạt tính chống vi sinh vật do sự có mặt của hợp chất 4- α-L-rhamnosyloxybenzyl isothiocyanat.
Aglycon của deoxy-niazimicin [N-benzyl, S-ethyl thioformat] phân lập từ phân đoạn cloroform của dịch chiết ethanol vỏ rễ cũng liên quan đến hoạt tính kháng khuẩn và kháng nấm.
Tác dụng của quả chùm ngây trên cholesterol và lipid trong máu.
Nghiên cứu tại Đại học Baroda, Kalabhavan, Gujarat (Ấn Độ) về hoạt tính trên các thông số lipid của quả chùm ngây, thử trên thỏ, ghi nhận: Thỏ cho ăn chùm ngây (200mg/kg mỗi ngày) hay uống lovastatin (6mg/kg/ngày) trộn trong một hỗn hợp thực phẩm có tính tạo cholesterol cao, thử nghiệm kéo dài 120 ngày. Kết quả cho thấy chùm ngây có tác dụng làm hạ cholesterol, phospholipid, triglycerid, VLDL (very low density lipoprotein), LDL (low density lipoprotein) hạ tỷ số cholesterol/phospholipid trong máu so với Thỏ trong nhóm đối chứng.
Dịch chiết thô lá chùm ngây có hoạt tính làm giảm đáng kể cholesterol trong huyết thanh của chuột thí nghiệm có chế độ ăn giàu chất béo. Được cho là do sự có mặt của thành phần hóa học β-sitosterol. Quả chùm ngây làm giảm bớt cholesterol, phospholipid, triglycerid, LDL, VLDL, làm giảm các chỉ số lipid gây xơ vữa động mạch, giảm lipid trong gan, tim, động mạch chủ của thỏ bị tăng cholesterol huyết và làm gia tăng sự bài tiết cholesterol qua phân.
Các hoạt tính chống co thắt và bảo vệ gan
Những nghiên cứu về tính dược lý của lá chùm ngây đã được tiến hành rộng rãi. Hoạt tính chống co thắt của dịch chiết cồn lá chùm ngây là do sự có mặt của hợp chất 4-[α-[L-rhamnosyloxy] benzyl]-o-metyl thiocarbamat. Dịch chiết methanol lá chùm ngây thể hiện hoạt tính chống viêm loét và bảo vệ gan trên chuột. Dịch chiết nước của lá cũng có hoạt tính chống viêm loét cho thấy rằng những phức hợp chống viêm loét là phổ biến trong loài cây này. Dịch chiết nước và dịch chiết cồn hoa chùm ngây cũng có hoạt tính bảo vệ gan đáng kể, có thể là do sự có mặt của quercetin, một loại flavonoid phổ biến với hoạt tính bảo vệ gan.
Khả năng ngừa thai của rễ chùm ngây
Nghiên cứu tại Đại học Jiwaji, Gwalior (Ấn Độ) về các hoạt tính kháng
estrogen, ngừa thai của nước chiết từ rễ chùm ngây ghi nhận chuột đã bị cắt buồng trứng, cho uống nước chiết, có sự gia tăng trọng lượng của tử cung. Tác dụng ngừa thai của rễ chùm ngây được cho là do nhiều yếu tố phối hợp [13].
2.5.2. Tại Việt Nam
Trong những năm gần đây, tại Việt Nam bắt đầu có những nghiên cứu tập trung vào đối tượng chùm ngây. Trong số đó, một số công trình nghiên cứu nổi bật đã được công bố:
Trung tâm Sâm và Dược liệu Tp. Hồ Chí Minh (2010) đã khảo sát được trong lá chùm ngây có những nhóm hợp chất là: chất béo, tinh dầu, carotenoid, triterpenoid, coumarin, flavonoid, tannin, acid hữu cơ. Ngoài ra, công trình này cũng đã định lượng được flavonoid toàn phần có trong lá cây chùm ngây mọc tại Tp. Hồ Chí Minh và Đồng Nai, giữa lá non và lá già. Từ đó, rút ra được mối tương quan giữa hàm lượng flavonoid trong lá với nơi cây mọc, cụ thể là hàm lượng flavonoid sẽ gia tăng khi cường độ chiếu sáng vào cây (cường độ tia UV) tăng và hàm lượng flavonoid trong cây non sẽ cao hơn trong cây già.
Một nghiên cứu khác của trung tâm phát triển Khoa Học và Công Nghệ Trẻ Tp. HCM, 2010, cũng đánh giá được thành phần hóa học của chùm ngây sẽ khác nhau tùy theo từng bộ phận trên cây và tùy theo nơi mọc của cây [13].
PHẦN 3: ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP