CHƯƠNG 1: I.KANT VỚI TÁC PHẨM “PHÊ PHÁN LÝ TÍNH THUẦN TÚY”
1.1.3. Tiền đề lý luận
Nằm trong lòng của thời Cận đại nước Đức với những điều kiện kinh tế - xã hội kém phát triển nhưng “triết học I.Kant đã xuất hiện với ánh sáng tân kỳ của một tư tưởng “tân tiến” [20, L – Dẫn luận, Thái Kim Lan]. Lịch sử tư tưởng chứng minh rằng, các học thuyết tư tưởng tiến bộ có thể nảy sinh trong lòng một nước có trình độ kinh tế lạc hậu hơn, nếu nó biết tiếp thu thành tựu mọi mặt của các nước tiến bộ khác. Ở Pháp vào thế kỷ XVIII, nền kinh tế kém phát triển hơn Anh, nhưng lại hình thành chủ nghĩa duy vật F.H.Honbach, C.A.Henvitiut, R.Điđrô…do dựa trên những thành tựu của chủ nghĩa duy vật Anh thế kỷ XVII và chủ nghĩa duy vật Hà Lan (Xpinoza). Nước Đức cũng nằm trong sự phát triển tư tưởng vượt thời đại ấy. Kinh nghiệm lịch sử của cuộc cách mạng Anh thế kỷ
22
XVII, cũng như của cách mạng Pháp thế kỷ XVIII đã có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của nước Đức cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX.
Triết học cổ điển Đức đã tiếp thu di sản tư tưởng phong phú của triết học nhân loại. Là một triết gia tiêu biểu của nền triết học cổ điển Đức, I.Kant đã không nằm ngoài sự ảnh hưởng mạnh mẽ của dòng chảy nhân loại.
Ông đã phát triển triết học của mình như là kết quả của quá trình tiếp thu và phê phán nhiều trào lưu triết học quá khứ và đương thời.
Một trong những bậc tiền bối ảnh hưởng mạnh mẽ đến tư tưởng của I.Kant, nhất là quan niệm về “Vật tự nó” mà I.Kant đã nêu lên trong tác phẩm
“Phê phán lý tính thuần túy” chúng ta phải kể đến Đavit Hium.
Đavit Hium (D.Hium ) (1711 – 1776) là một nhà triết học nổi tiếng người Anh, đại biểu điển hình của thuyết không thể biết (“bất khả tri luận”) và chủ nghĩa hoài nghi, một đại biểu của chủ nghĩa chủ quan điển hình – chủ nghĩa duy ngã. Ông đã phê phán mạnh mẽ các khoa học và ý thức thông thường thời đó, ông cho rằng khoa học tầm thường và ý thức thông thường của con người ngày càng có xu hướng đối lập với triết học.
D.Hium khẳng định sở dĩ có tình trạng như vậy là do từ trước tới giờ khoa học về con người, về nhận thức con người chưa được phát triển một cách đầy đủ. Vì thế, D.Hium coi nhiệm vụ của mình là đưa triết học thoát khỏi tình trạng trên bằng cách biến triết học thành học thuyết về con người. Ông tuyệt đối hóa và đề cao vai trò của cảm giác, coi đó là điểm xuất phát và dạng cơ bản của nhận thức. D.Hium tách rời giữa cảm giác của con người với thế giới bên ngoài, ông cho rằng nhận thức có nguồn gốc từ cảm giác của con người và không cần đến sự tác động của thế giới bên ngoài - sự vật là sự phức hợp của cảm giác. Từ đó, D.Hium cho rằng chúng ta không thể biết được gì về thế giới này cả, thậm chí
23
con người không thể biết được thế giới này thức hay ngủ nữa? Ông nghi ngờ về sự tồn tại của thế giới bên ngoài “Ông cho rằng: Giới tự nhiên đã đặt chúng ta ở một khoảng cách khá xa với các điều bí ẩn của nó, và nó chỉ thể hiện ra cho chúng ta những tri thức về một số đặc tính, vẻ bề ngoài” [Dẫn theo Nguyễn Hữu Vui, 346]. Và “Giới tự nhiên tựa như một người phụ nữ cực kỳ đỏng đảnh nó biểu hiện ra bên ngoài như thế nào thì chúng ta biết về nó chừng ấy, còn bản chất vô cùng vô tận của giới tự nhiên thì mãi mãi cách biệt với chúng ta”. Cảm giác là cảm giác, sự vật là sự vật. Sự vật thì tồn tại khách quan không phụ thuộc vào ý thức của con người, cảm giác là chủ quan phụ thuộc vào con người. Giới tự nhiên vô cùng vô tận và vô cùng bí ẩn, những gì mà con người biết về sự vật, biết về thế giới chỉ là bề ngoài, hiện tượng mà thôi. Còn bản chất sâu thẳm của giới tự nhiên vô cùng, vô tận thì nhận thức con người không thể đạt tới được.
Sở dĩ con người không nhận thức được thế giới bởi hai lý do:
Thứ nhất, con người nhận thức thế giới thông qua các giác quan, tức là đã mang tính chủ quan rồi.
Thứ hai, thế giới chúng ta vô cùng tận mà con người chúng ta là hữu hạn trong thế giới vô hạn. D.Hium thực sự hoài nghi nhận thức thế giới của con người, hoài nghi cả sự tồn tại của chân lý khách quan. Hoài nghi cả sự tồn tại của thế giới này.
Như vậy, trong quan niệm của mình, D.Hium luôn cho rằng quá trình nhận thức của con người không phải là nhận thức thế giới, mà nhận thức chính là nhận thức những cảm xúc, ấn tượng (impressions). Các ấn tượng, cảm giác chính là “nguồn gốc tuyệt đối” của nhận thức – hay sự
24
vật chính là sự phức hợp của cảm giác. Còn ý niệm là sản phẩm của giai đoạn nhận thức cao hơn, nhưng kém sinh động hơn so với các ấn tượng mà nhận thức cảm tính đem lại. Chúng là sự sao chép lại các ấn tượng trong phạm vi ý thức. Như thế, tất cả các ý niệm đều được mô phỏng lại từ các ấn tượng.
Theo D.Hium thì cảm xúc và ý niệm được quy thành các dạng kinh nghiệm khác nhau, và duy nhất chúng tồn tại thực. Một mặt, ông cho rằng một trong những nguyên lý tồn tại bẩm sinh trong con người là nguyên lý kết hợp (association), nhưng mặt khác bản chất của nguyên lý này thì không thể nhận thức được. Cơ chế sinh học để tạo nên sự liên tưởng đó đầy bí ẩn. Và theo D.Hium thì có ba dạng liên tưởng ý niệm:
Thứ nhất: dạng liên tưởng theo sự giống nhau. Chẳng hạn như, khi một người thân của chúng ta đi vắng thì lúc nhìn chân dung người ấy, chúng ta lập tức liên tưởng tới anh ta.
Thứ hai, là sự liên tưởng kế cận nhau trong không gian và thời gian.
Chẳng hạn, chúng ta thường hay liên tưởng tới những cái bên cạnh mình, hoặc hay tiếp xúc với mình hơn những vật khác.
Thứ ba, là sự liên tưởng nhân quả. Chẳng hạn, khi nhìn thấy bố thì chúng ta liên tưởng thấy con hoặc ngược lại. Đây chính là dạng liên tưởng thông dụng nhất.
D.Hium không thừa nhận sự tồn tại khách quan của các sự vật, hiện tượng trong thế giới. Ông đã quá nhấn mạnh mối quan hệ hữu cơ giữa quá trình nhận thức với thể trạng tâm sinh lý của con người, hầu như quy toàn bộ các vấn đề triết học (thậm chí cả các khoa học khác) thành những vấn đề tâm sinh lý. Điều đó đã đẩy ông đến với chủ nghĩa duy ngã.
25
Từ lập trường bất khả tri nghi ngờ cả sự tồn tại của thế giới bên ngoài, D.Hium đã phê phán mạnh mẽ các quan niệm duy vật coi vật chất như là thực thể của mọi vật. Bởi vì, theo ông bản thân vật chất, thực thể… không phải là một cái gì khác ngoài tổng thể các ý niệm đơn giản liên hợp với nhau bởi sự tưởng tượng và được gọi bằng một cái tên cụ thể, thông qua cái tên đó chúng ta có thể lưu lại trong trí nhớ của mình khi nào cần đến chúng ta có thể gọi tên, và có thể gọi tên trong trí nhớ của người khác.
Mặc dù, thực thể không tồn tại khách quan độc lập với chủ thể, với ý thức của con người nhưng lại tồn tại trong hư cấu của con người, từ đó giúp con người nhận thức được các mối liên hệ nhân quả giữa các sự vật, hiện tượng trong chuỗi thời gian. Tuy nhiên, D.Hium lại phủ nhận toàn bộ các mối quan hệ nhân quả trong thế giới khách quan, ông coi mọi mối liên hệ nhân quả chỉ là sự cưỡng bức tinh thần chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác, từ ý niệm, cảm xúc này đến ý niệm cảm xúc khác. Mọi khoa học đều cần phải được diễn giải bằng cá thuật ngữ tâm lý, bởi vì chúng chỉ là sự mô tả các cảm xúc và trạng thái tâm lý con người.
Đúng như nhận định ở trên, D.Hium là một đại biểu điển hình nhất của chủ nghĩa chủ quan tuyệt đối, ông không thừa nhận sự tồn tại khách quan của các sự vật hiện tượng, sự vật hiện tượng trong thế giới này chỉ là sự phức hợp của cảm giác của con người mà thôi. Ông nghi ngờ tất cả những cái mà loài người đã đạt được từ trước tới giờ. “Hium luôn luôn nhấn mạnh phải giữ gìn tính hoài nghi luận của mình trong mọi trường hợp của cuộc sống” [Dẫn theo Nguyễn Hữu Vui, 348].
Dưới sự ảnh hưởng mạnh mẽ của triết học D.Hium, I.Kant đã xây dựng nên hệ thống triết học của mình, ông cho rằng nhiệm vụ hàng đầu của mình là phải xác định bản chất của con người, toàn bộ các vấn đề triết học phải được
26
hướng vào giải quyết những vấn đề của cuộc sống và hoạt động thực tiễn của con người. Triết học cần đem lại cho con người một cơ sở, nền tảng thế giới quan mới, vạch ra những nguyên tắc cơ bản của cuộc sống của con người vì những lý tưởng nhân đạo. Như vậy, những tư tưởng của D.Hium đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến tư tưởng triết học của I.Kant sau này.