Chương III: Một số giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của công ty
II) Một số giải pháp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng thủ công mỹ nghệ: . 27
2. Về phía nhà nước
Ngoài sự nỗ lực chủ quan của công ty, nhà nước cũng cần có những biện pháp hỗ trợ nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ.
2.1 Cung cấp các thông tin về môi trường kinh doanh nhằm hỗ trợ cho việc xuất khẩu :
Nhà nước cần hỗ trợ trong việc xây dựng các mạng lưới thu thập thông tin ở nước ngoài, các tham tán thương mại tại các thị trường, tổ chức hệ thống cộng tác viên để cung cấp các thông tin nhanh chóng, kịp thời.
Đồng thời, nhà nước luôn phải cập nhật thường xuyên các thông tin liên quan đến ngành nghề để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nắm bắt kịp thời các thông tin để có những bước đi phù hợp.
Theo đánh giá của các chuyên gia thì tiềm năng xuất khẩu mặt hàng thủ công mỹ nghệ của ta vẫn chưa xứng với tiềm năng về nguyên liệu và lực lượng lao động mà nguyên nhân chủ yếu là do khả năng tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế, thiếu thông tin hỗ trợ thị trường. Các doanh nghiệp của ta
do chưa am hiểu về văn hoá, thị hiếu của khách hàng nên không nắm bắt được giá cả, nhu cầu, xu hướng phát triển của thị trường, dẫn đến việc xuất khẩu các mặt hàng “lệch pha” so với nhu cầu và “chậm tiến” so với đối thủ cạnh tranh. Vì vậy để thúc đẩy xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, nhà nước cần hỗ trợ trong việc thành lập Hiệp hội các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu, các Trung tâm thông tin,… để cung cấp thông tin về ngành hàng một cách thường xuyên, cập nhật nhằm giúp cho các doanh nghiệp có định hướng xuất khẩu phù hợp, hiệu quả.
2.2 Có biện pháp hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp xuất khẩu:
Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh xuất nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đều có quy mô vừa và nhỏ, nên có hiệu quả sản xuất không cao, khả năng cạnh tranh kém. Vì vậy để mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả xuất khẩu trên thị trường thế giới, nhà nước cần có sự hỗ trợ các doanh nghiệp về vốn hoặc công nghệ thông qua hệ thông ngân hàng hay qua các biện pháp thuận lợi khác.
Nhà nước cần thành lập Quỹ hỗ trợ xuất khẩu, Quỹ bảo lãnh tín dụng để bảo lãnh chi các doanh nghiệp có khả năng phát triển nhưng không có đủ tài sản để thế chấp vay vốn. Hiện nay, khi nước ta đã gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO thì việc trợ cấp trực tiếp cho các doanh nghiệp là không thể vì vậy cho các doanh nghiệp vay vốn với lãi suất thấp, giải quyết được khó khăn về vốn đầu tư ban đầu, đổi mới trang thiết bị sẽ là bước đi phù hợp.
2.3 Một số biện pháp khác:
2.3.1 Quy hoạch các làng nghề thủ công mỹ nghệ:
Vốn gắn bó mật thiết với nông nghiệp, sự phát triển của hàng thủ công mỹ nghệ tạo điều kiện thu hút nông dân và lao động nông nghiệp chuyển qua. Việc phát triển quy hoạch các làng nghề thủ công tạo điều kiện cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, góp phần phát triển đời sống người dân ở khu vực này, đồng thời cũng góp phần giảm sự phân biệt giữa thành thị và nông thôn.
Phát triển làng nghề thủ công nghiệp cho phép huy động và tận dụng tiềm lực sẵn có ở vùng nông thôn và các vùng lân cận, với sự tăng trưởng số lao động thủ công nghiệp bình quân từ 8-10% năm chứng tỏ làng nghề thủ công là nơi thu hút lao động tại chỗ và các vùng lân cận. Như vậy, với vai trò phát triển kinh tế xã hội, phát triển làng nghề thủ công là nhiệm vụ quan trọng và rất đáng quan tâm trong việc phát triển kinh tế đất nước.
2.3.2 Cải cách, hoàn thiện các thủ tục hành chính, thủ tục xuất khẩu và chính sách thuế:
Hiện nay, các thủ tục hành chính, thủ tục xuất khẩu và chính sách thuế ở nước ta tuy đã được cải cách nhưng vẫn còn nhiều thủ tục rườm rà, gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Nhiều doanh nghiệp lười đăng ký bản quyền là do thủ tục đăng ký còn rườm rà, rắc rối, có nhiều chồng chéo, mang tính chất hành chính. Quản lý thì quá lỏng lẻo so với các nước trong khu vực và trên thế giới, thời gian hoàn thành thì quá lâu khiến nhiều doanh nghiệp nản mà bỏ cuộc. Ngoài ra các thủ tục về xuất khẩu cũng còn nhiều rắc rối, chính sách thuế chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu nói chung và các doanh nghiệp xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ nói riêng. Vì vậy mà Chính Phủ cần có những cải cách kịp thời về các thủ tục hành chính nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho cá doanh nghiệp thúc đẩy phát triển xuất khẩu mặt hàng này.
2.3.3 Đẩy mạnh phát triển du lịch nhằm nâng cao kim ngạch xuất khẩu tại chỗ:
Đẩy mạnh phát triển du lịch trong nước cũng là một biện pháp hữu hiệu để tăng cường thúc đẩy xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ. Khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam ngoài việc thăm quan các danh lam thắng cảnh nổi tiếng còn rất thích đến các làng nghề thủ công xem các nghệ nhân tài ba tạo ra những sản phẩm độc đáo mang tính thẩm mỹ cao và qua đó họ mua sản phẩm trực tiếp làm đồ lưu niệm. Vì vậy mà đây cũng là một hình thức xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ có hiệu quả.
Hiện nay ở nước ta loại hình du lịch này đang rất hấp dẫn du khách cả trong và ngoài nước, nhưng ta chưa thực sự đầu tư thoả đáng và đúng cách nên chưa khai thác hết tiềm năng này. Do đó nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ thích hợp để tạo điều kiện cho loại hình du lịch này phát triển góp phần thúc đẩy phát triển xuất khẩu mặt hàng thủ công mỹ nghệ.