Chương 3 Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của Ngân hàng Nông
3.2.1. Tăng cường năng lực tài chính
Mặc dù hiện đang là NHTM có năng lực tài chính mạnh trong nước, nhưng nếu so với các nước trong khu vực thì Agribank vẫn còn khá yếu kém. Do đó, để nâng cao năng lực tài chính, Agribank nên thực hiện một số biện pháp như: Khẩn trương tăng vốn điều lệ và xử lý dứt điểm nợ tồn đọng, ngăn chặn nợ xấu gia tăng nhằm lành mạnh hóa tình hình tài chính, nâng cao khả năng cạnh tranh và chống rủi ro.
3.2.1.1.Tăng vốn điều lệ, vốn tự có.
Vốn là điều kiện cần mà bất kỳ ngân hàng nào cũng phải đưa lên hàng đầu trong việc tìm kiếm các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của riêng mình. Vì vậy, việc tăng vốn là việc mà Agribank phải làm trong giai đoạn hiện nay bằng một số giải pháp chính sau:
Tăng vốn từ lợi nhuận để lại. Đây là cách thức cơ bản để tăng vốn. Ưu điểm của biện pháp này là giúp Agribank không phụ thuộc vào thị trường vốn và không phải chịu chi phí cao do tìm kiếm nguồn lực tài trợ từ bên ngoài. Xác định một tỷ lệ hợp lý lợi nhuận ròng được sử dụng hằng năm để tăng vốn điều lệ trong giai đoạn sắp tới.
Tăng vốn bằng việc đánh giá lại giá trị tài sản cố định theo giá thị trường.
Do Agribank là ngân hàng được thành lập lâu đời nên tồn tại nhiều tài sản đã sử dụng hết khấu hao nhưng giá trị thực tế còn rất lớn, hơn nữa tài sản cố định của Agribank phần lớn là bất động sản như: trụ sở làm việc, quyền sử dụng đất. Phần giá trị tăng thêm của các loại tài sản này sau khi định giá lại sẽ góp phần đáng kể tăng cường vốn tự có của Agribank.
Tăng vốn bằng phát hành trái phiếu dài hạn. Đây là biện pháp hiệu quả để tăng cường năng lực tài chính của ngân hàng. Tuy nhiên, việc tăng vốn bằng phát hành trái phiếu dài hạn chỉ là giải pháp mang tính tình thế để đáp ứng yêu cầu tăng vốn trước mắt, còn về lâu dài sẽ trở thành gánh nặng nợ nần đồng thời chi phí vốn cao sẽ làm suy giảm mức lợi nhuận của ngân hàng.
Việc tăng vốn tự có là điều cần thiết, tuy nhiên nếu vốn tăng quá nhanh trong khi hoạt động ngân hàng chưa tương ứng, trình độ quản lý của ngân hàng không theo kịp hay đơn giản là chưa đáp ứng được theo chuẩn mực quốc tế thì số vốn tăng sẽ được sử dụng không hiệu quả. Vì vậy, ngoài việc lựa chọn giải pháp thích hợp để tăng vốn, điều quan trọng là Agribank còn phải xác định được mức tăng vốn tự có cần và đủ nhằm đảm bảo được sức mạnh tài chính và năng lực cạnh tranh của ngân hàng.
3.2.1.2.Tăng cường năng lực quản lý rủi ro.
Hiện nay quản lý rủi ro trong NHTM được chia thành nhiều lĩnh vực như: rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản, rủi ro nghiệp vụ, rủi ro tỷ giá, lãi suất… Trong số tất cả các loại rủi ro kể trên thì rủi ro tín dụng là loại rủi ro lớn nhất và phức tạp nhất, đang diễn ra ở mức đáng quan tâm, đặc biệt ở Agribank – một trong những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao trong hệ thống NHTM.
Các giải pháp hạn chế rủi ro tín dụng:
Nâng cao công tác kiểm soát, kiểm toán nội bộ. Công tác kiểm toán nội bộ là khâu hết sức quan trọng trong ngành ngân hàng vì nó có tác dụng ngăn ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời các rủi ro có thể xảy ra trong ngân hàng (rủi ro tín dụng, rủi ro thất thóat tài sản) một cách khách quan hay chủ quan (các hành vi trục lợi, cố ý làm trái, gian lận trong ngành ngân hàng). Công tác kiểm toán nội bộ hoạt động tốt sẽ gián tiếp giúp ngân hàng tăng lợi nhuận và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.
Thế nhưng, hiện tại công tác kiểm toán nội bộ tại mỗi chi nhánh của Agribank vẫn chưa phát huy được hết vai trò của mình và còn tồn tại những bất cập, những bất cập của bộ phận kiểm toán nội bộ xuất phát một phần là do cơ chế quản lý và điều hành của Agribank, cụ thể là:
- Dù là bộ phận mang tính chất độc lập nhưng cán bộ kiểm toán nội bộ lại tồn tại chính tại ngân hàng đó và dường như bị chi phối bởi Ban lãnh đạo của chi nhánh đó, vì vậy những hoạt động của họ không còn mang tính khách quan nữa.
- Nguyên tắc cán bộ kiểm toán nội bộ của hàng phải là những cán bộ giỏi về nghiệp vụ ngân hàng, am hiểu về quy định của pháp luật và những quy định của ngân
hàng. Thế nhưng trên thực tế, bộ phận kiểm toán nội bộ vẫn chưa thật sự đạt được những yêu cầu đó. Do vậy, để khắc phục những tồn tại trên, và góp phần hoàn thiện công tác kiểm toán nội bộ ngày càng trở thành trợ thủ đắc lực cho Hội đồng quản trị, ban lãnh đạo chúng ta cần phải:
+ Có những chế độ đãi ngộ khác nhau cho những người làm công tác kiểm toán nội bộ tại chi nhánh nhằm chiêu dụ những cá nhân đủ tiêu chuẩn làm việc và gắng bó lâu dài với Agribank.
+ Chuyển bộ phận kiểm toán nội bộ của chi nhánh về một cơ quan đầu não khác như chuyển về Văn phòng Đại diện của từng khu vực, hoạt động dưới sự giám sát của Văn phòng Miền.
+ Đối với từng lĩnh vực hoạt động của ngân hàng cần xây dựng bằng văn bản quy định các quy trình cụ thể, trong quy trình này khéo léo kết hợp những chốt chặn để nhân viên kiểm soát dễ dàng kiểm soát trong quá trình tác nghiệp.
Tuyển chọn, đào tạo và tái đào tạo, nâng cao tư cách, phẩm chất đạo đức của cán bộ tín dụng, cán bộ thẩm định.
Ở bộ phận thẩm định hay quyết định cho vay cần tuyển dụng và đào tạo những cán bộ có năng lực làm việc, có phẩm chất đạo đức tốt, không vì tư lợi bản thân mà làm ảnh hưởng đến cả tập thể Agribank. Trong thẩm định cho vay cần chú ý đến một số nội dung như: phỏng vấn khách hàng, thu thập và và kiểm tra thông tin, thẩm định dự án, phân tích các yếu tố phi tài chính (uy tín của doanh nghiệp, chất lượng bộ máy quản lý, tình hình tiêu thụ chủ yếu của khách hàng, đánh giá tài sản của khách hàng, đánh giá luồng tiền, đánh giá các khoản nợ, phân tích theo các tỷ lệ (thường áp dụng đối với doanh nghiệp), điều kiện kinh tế…
Nâng cao công tác giám sát sau khi vay. Theo quy trình tín dụng thì khâu kiểm tra sử dụng vốn vay có một v trí sống còn đối với chất lượng món vay và khả năng trả nợ của khách hàng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy cán bộ tín dụng của hệ thống NHTM Việt Nam nói chung và Agribank nói riêng chỉ chú ý đến khâu thẩm định dự án/ phương án vay, mà chưa chú trọng đến công tác kiểm tra trong và sau khi cho vay, nếu có cũng chỉ kiểm tra chiếu lệ, chưa đi sâu, bám sát nguồn vốn vay đơn vị sử dụng
như thế nào. Đa số chỉ kiểm tra tại văn phòng và chứng từ giấy tờ, chưa chịu khó đi kiểm tra thực tế tại các kho bãi, nhà máy, công trình của doanh nghiệp nên đã phát sinh nhiều rủi ro tín dụng. Do vậy, cần chú trọng kiểm tra và giám sát chặt các khoản vay để hướng dẫn, đôn đốc ngườ vay sử dụng tiền vay đúng mục đích, có hiệu quả, trả nợ đúng hạn, đồng thời có biện pháp xử lý kiên quyết và kịp thời nếu người vay có những biểu hiện vi phạm cam kết.
Tăng cường hợp tác với các NHTM và Trung tâm thông tin tín dụng (CIC), thành lâp phòng xử lý rủi ro. Hợp tác với các NHTM và Trung tâm thông tin tín dụng để biết tình hình quan hệ tín dụng của khách hàng trong quá khứ và hiện tại: mức dư nợ cao nhất, có nợ không đủ tiêu chuẩn hay không. Trên cơ sở các thông tin thu thập được, việc xử lý và lưu trữ các thông tin cũng cần thực hiện nhanh chóng, chính xác, an toàn và khoa học hơn, chính vì thế việc cải tiến và ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới và nâng cao chất lượng các phần mềm ứng dụng nhằm phục vụ tốt hơn cho việc thu thập, xử lý, lưu trữ và trao đổi thông tin cũng là một hình thức hỗ trợ để thực hiện quản lý hệ thống thông tin hiệu quả hơn.
Thành lập phòng xử lý rủi ro để xử lý những món nợ quá hạn, nợ khó đòi sau khi đã sử dụng các biện pháp xử lý tài sản để thu hồi nợ không thành.
Đối với rủi ro thanh khoản: xây dựng các chính sách chung về quản lý rủi ro thanh khoản, thiết lập quy trình cụ thể nhằm xác định đo lường, kiểm soát các rủi ro thanh khoản có thể xảy ra. Dự báo với độ chính xác cao luồng tiền vào ra liên quan đến cam kết ngoại bảng và nghĩa vụ tài sản nợ để chủ động ứng phó trong tình huống bất ngờ.