III. MÔ TẢ, PHÂN TÍCH TÂM LÝ NHÂN VẬT
3. KHẮC HỌA XUNG ĐỘT TÂM LÝ:
Miêu tả có chiều sâu tâm lý nhân vật phải đi kèm với việc tạo dựng xung đột, mâu thuẫn từ thế giới nội tâm nhân vật. Từ góc độ này ta có thể thấy rõ những bi kịch của nhân vật. Như đã nói, bi kịch lớn nhất của lão là: đa phần những việc lão làm đều có kết cục trái với ý định của lão, muốn thế này lại ra thế kia, lão muốn tạo ra Thiên đường thì rốt cục nó lại thành Địa ngục mà lão chính là kẻ đáng thương bị đày đọa trong đó: “Tất cả những gì lão Khổ mơ ước và tạo ra trở thành tai vạ cho đời lão”, “đến lượt ước mơ của lão quằn quại rên siết. Lão đã tự hạ huyệt chôn lão, không phải trong niềm tiếc thương, không phải theo cách “tống tiễn một cách vui vẻ, mà trong sự bình thản của thời cuộc”. Quả thật “tất cả những cố gắng của con người để hiểu quá khứ đều là những cố gắng đau đớn, nhọc lòng”. Chính lão cũng đã thừa nhận sự bất lực trong khi tìm mọi cách để trả lời cho những mất mát, đau khổ hằn in dấu vết lịch sử lên cuộc đời lão như những “đường cày” sau ngần ấy năm, phần lớn cuộc đời lão hết lòng phục vụ cách mạng, mong mang một “Thiên đường” đến cho đồng loại của lão. Lão đã từng là “kẻ chứng kiến lịch sử” và đã có lúc tham gia vào việc tạo dựng lịch sử. Đó là việc lão tạo dựng chính quyền cách mạng, “xóa sổ đám quan lại cũ, đày xuống làm loại cuối hạng, bắt cuốc đất, lật cỏ kiếm ăn...”, tham gia vào “cải cách ruộng đất...” Sau tất cả những cống hiến ấy, lão được hưởng thụ, đền đáp những cái gì? Là chiến sĩ cách mạng nhưng khi cải cách ruộng đất “thành ngay thằng Quốc dân đảng”, “ngót mười năm lặn lội thân cò hiến cho sự nghiệp đến cả giọt nước đái... để bị quy là chui vào tổ chức với dụng ý phá hoại ngầm”. Ngay đến hành động cuối cùng là viết đơn lão cũng không ngờ đấy lại là “màn mở đầu cho tấn đại bi kịch chót đời của lão”. Cái lá đơn mười bảy trang ấy với “lương tâm của người sắp nằm xuống” của lão bị coi là của kẻ “quyết tâm chết” đã làm lão khốn đốn.
Đặt nhân vật vào thời kỳ đấu tranh giai cấp, đi liền đó là các sự kiên -những “mốc” hành động mà lão Khổ tham gia. Tuy nhiên đó vẫn chỉ là “cái cớ” để lý giải, mổ xẻ tâm lý nhân vật. Nó giải thích vì sao lão phải chịu đựng một bi kịch tinh thần lớn đến thế. Lão Khổ là nhân chứng sống của lịch sử, lại cũng là “nạn nhân của lịch sử”. Tạ Duy Anh đã cùng một lúc lồng chiếu, khắc họa số phận con người với hai tư cách: người nông dân sống trong lời nguyền thâm thù giữa hai dòng họ và một tư cách khác là “kẻ quan sát lịch sử”. Đặc điểm nổi bật này trong cùng một nhân vật cho thấy sự kế thừa và cách tân của nhà văn trong việc xây dựng hình tượng văn học mới. Các xung đột nội tâm, đấu tranh nội tâm của nhân vật được sắp xếp xen kẽ làm bật lên cá tính mạnh mẽ của nhân vật. Đó là tâm trạng bi phẫn, bất mãn trước thời cuộc, đồng thời lại không hề cam chịu sự an bài của số phận mà quật mình chống trả mạnh mẽ cả cái được coi là “số kiếp tiền định” của mình. Bề ngoài lão có vẻ bất chấp, không mảy may quan tâm đến việc thiên hạ đang “rùm beng” lên với câu chuyện xung quanh lão, nhưng bên trong có sự đối lập hẳn “Lão dỏng tai nắm bắt mọi thông tin... Lão Khổ cố tỏ ra xem thường thời thế” nhưng thực ra lão “đang phải nuốt xuống sự cay đắng đến tận cùng”... Một mặt, lão vô cùng căm thù, khinh bỉ lũ người chuyên đi tàn phá và “hạng phúc trên sự lụi bại của người khác”; một mặt lão lại tự biện hộ và ăn năn về những lỗi lầm của mình: “Lão Khổ cúi xuống và thất sắc: lão đang dẫm lên toàn xương người” trên chính mảnh vườn của cha ông mà lão đã mang hiến cho hợp tác xã đẻ rồi sau bảy năm tranh chấp mới đòi lại được, và tự lão đã nhận ra: “Chính lão cũng từng là kẻ đi tàn phá”. Soi chiếu nhân vật dưới nhiều góc độ, nhiều nhân vật xung quanh, lão Khổ hiện lên trong tác phẩm không phải là một điển hình mà là một “nhân vật đời thường” - trong lão tồn tại cùng lúc cả cái tốt lẫn cái xấu, cái cao cả, thánh thiện lẫn cái đớn hèn, dục vọng; cả “rồng phượng lẫn rắn rết” cùng tồn tại. Cách tạo dựng nhân vật toàn diện và chân thực như thế, đặc biệt là khám phá cả phần tốt lẫn xấu từ trong ý nghĩ sâu kín của nhân vật là
bằng chứng cho cách nhìn hiện thực, cách tiếp cận độc đáo, mới mẻ của Tạ Duy Anh về quá khứ, về lịch sử. Qua một số phận, một bi kịch của một con người đời thường ấy, nhà văn có thể phản ánh những phi lý, bất công của hiện thực mà ngay cả các cuộc cách mạng cũng không tránh khỏi. Đây là bản chất của hiện thực.
3.2. Các yếu tố tâm linh:
Có một điểm độc đáo nữa ở nghệ thuật xây dựng tâm lý nhân vật của tác phẩm, đó là việc soi chiếu nhân vật từ góc độ “tâm linh”. Ngoài lô gíc tâm lý thông thường, nhà văn còn đặc biệt chú ý đến cái vô thức, tiềm thức nằm ở tận sâu, ở phần còn khuất lấp trong nội tâm nhân vật. Đó là những cuộc đối thoại tâm tưởng giữa người sống và người chết (giữa lão Khổ và Vũ Xuân, giữa lão Khổ và một loạt các nhân vật ở phiên tòa xét xử trong giấc mơ của lão...). Thủ pháp miêu tả tâm lý nhân vật thực hiện theo sự tuôn chảy một cách hỗn độn, miên man, vừa chồng chất vừa tiếp nối của “dòng ý thức” với những giấc mơ quái đản, những ký ức đau xót, nặng nề, những triết lý tư duy, những huyễn tưởng. “Dòng ý thức” đó thể hiện tâm trạng nặng nề của một kiếp người nhọc nhằn, trong cuộc sống tù đọng, âm u. Có những dòng tâm linh chỉ có thể lý giải là thuộc về vô thức nhân vật, bản năng con người. Nếu như trước kia, ở những thời điểm nhân vật ở đỉnh cao của danh vọng, tắm mình trong huy hoàng, niềm tin và lí tưởng là chỗ dựa cho nó, thì giờ đây, đối mặt với thực tại tàn khốc, vô nghĩa lý đến không thể lý giải nổi, chỗ dựa tinh thần cho nhân vật là tâm linh. Một loạt các câu văn đậm chất triết lý, suy ngẫm về số kiếp, về cõi đời được tác giả trao cho nhân vật suy nghĩ và phát ngôn: “Cuộc đời cho lão đủ cả: hạnh phúc, niềm tự đắc của kẻ mạnh, kinh nghiệm thích ứng với mọi cảnh ngộ và cả sự đa nghi”, “Số kiếp là cái cóc gì”, “Một kiếp người hóa ra chẳng được bao năm...” Có rất nhiều cảm xúc, suy nghĩ mà đó là lần đầu tiên xuất hiện trong con người thực dụng của lão: lão thấy mình “mù lòa trong niềm tin thánh thiện”, “lão đang tự thú sự bất lực của lão”. Sự trở về của nhân vật Tạ Bông và sự gặp gỡ của nhân vật này với lão cho thấy
cái tính cố chấp cố hữu của con người “nông dân” trong lão: “lão cảm thấy lão lại nắm chắc phần thắng. Ông ta sẽ không thoát khỏi sự bủa vây của lịch sử...”, nhưng rốt cuộc thì “lần đầu tiên trong đời lão Khổ cảm thấy sự thất bại ê chề”. Chỉ trong một đoạn văn ngắn bao gồm cả việc đọc lá thư cũ và nói chuyện với Tạ Bông, lão Khổ đã được tác giả miêu tả, phân tích và gọi tên trạng thái tâm lý một cách khá đầy đủ, tinh tế và chính xác. Chi tiết tâm linh đậm nét nhất có lẽ là ở Hình phạt khủng khiếp (chương truyện thứ 16) với giấc mơ quái dị của lão về phiên tòa cuối cùng do lão tự ảo tưởng, ở đó nhân vật tự phán xét mình, tự nhận tội và kiểm điểm một cách trung thực. Tội của lão là mù quáng bắt nhân dân ăn thịt nhau vì “một cái bánh vẽ”, mà không hiểu việc lão làm do “tâm địa không đến nỗi nào” do vậy “hình phạt” với lão là bắt về trần gian sống tiếp, để lão nhận ra là còn rất “nặng nợ với phàm tục”. Các yếu tố “tâm linh” như một phương tiện hữu hiệu giúp tác giả thâm nhập vào sâu trong tâm hồn nhân vật để dựng lên những bức tranh nội tâm và góc khuất thuộc về nội tâm nhân vật - cái phần u uẩn không dễ nắm bắt. Những biểu tượng ấy có khả năng khái quát những điều “vô thường” nơi cõi nhân gian đầy tục lụy, làm sáng tỏ những khoảnh khắc, những phút giây “bừng ngộ” của nhận thức mà lý tính tỉnh táo không lý giải được.
Con người vốn dĩ ít ai nhận ra được những sai lầm, những bi kich của chính mình, cũng có nghĩa là ít khi tự mình phủ nhận mình. Nét tính cách này thường hiếm thấy trong tự sự truyền thống, nó chỉ trở nên phổ biến từ đầu thế kỉ XX với các tác phẩm của Nam Cao - nhà văn hiện thực tâm lý, ở Thạch Lam, ở tiểu thuyết Tự Lực văn đoàn. Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách “đặc” về miêu tả nội tâm nhưng thế giới nội tâm ở đây vẫn chưa thoát khỏi qui phạm của văn học truyền thống. “Chẳng hạn khi trao đổi tâm tình cho nhau, Đạm Thủy và Tố Tâm vẫn phải dùng tới những bài thơ Đường luật hoặc những lá thư đầy tính biền ngẫu” [10, 61]. Tự Lực văn đoàn cũng có nhiều thành tựu trong mô tả tâm lý song còn gượng ép, tiết tấu chậm và còn đầy sự áp đặt của bàn tay tác giả, tâm lý nhân
vật chưa có sự lô gíc của những quá trình vận động, mới chỉ dừng lại ở việc thể hiện tinh tế thế giới cảm giác con người. Chính Nhất Linh đã nói: “sẽ cố viết cho đúng tâm lý hơn, cho nhân vật linh hoạt hơn...” [10, 68]
Ở truyện ngắn Bức tranh của Nguyễn Minh Châu, ta bắt gặp loại nhân vật mới mẻ và hiện đại này. Ở đó, việc khắc họa một khuôn mặt được chiếu rọi qua ánh sáng của vô số đèn và rất nhiều các góc độ là thế giới tâm linh đầy bí mật, nơi mà những cảm xúc, suy nghĩ mờ tối nhất, sâu kín nhất tự bộc lộ. Có thể nói, Nguyễn Minh Châu là người đi đầu cho lối viết, lối xây dựng kiểu loại nhân vật mới của văn học đương đại nhất là từ sau những năm 80 của thế kỷ trước. Trở lại với Lão Khổ, ta thấy thế giới tâm linh đa sắc màu của nhân vật đã được khám phá qua ngòi bút Tạ Duy Anh. Đó là những đoạn tưởng tượng, suy tưởng đầy màu sắc huyền ảo trong tâm tư nhân vật:
“Lão bỗng thấy đất dưới chân lão sụt lở. Lão tụt dần xuống, tụt dần xuống cho đến khi lão biến thành chính cây roi đường. Lão đi khắp thế gian và mời mọc bọn trẻ con bọn chim chóc nhưng không ai đoái hoài đến.
- Chúng tôi không thể ăn máu, thịt người. - Hãy nhìn lại xem. Quả ngọt tôi sinh ra mà.
- Các người ăn xác nhau để tồn tại. Sao ngươi không thử cúi nhìn xuống chân ngươi xem...
Lão Khổ cúi nhìn và thất sắc: lão đang dẫm lên toàn xương người...”
Ở Lão Khổ, không có chỗ cho những ước mơ, lão tin lão có “sứ mệnh phải hy sinh trước” để “thế giới đi đến đại đồng”, lão khinh bỉ thế giới mơ mộng thần tiên của Hai Duy - con trai lão, “lão gom thành đống, cả nhật ký lẫn hình vẽ những nàng tiên của con mình, dùng chân di nát. Lão không biết rằng lão đang xéo đạp lên trái tim của con trai lão”... Lão thừa nhận: “đã gục ngã bởi không sao nắm bắt được một điểm bám víu trong thế giới của con trai lão. Trong thế giới ấy, lão hiện hình là một con quỉ dữ.” Vậy mà chính lão lại luôn bám vào một niềm tin
hết sức mơ hồ về những gì xảy ra trong quá khứ: “Rồi cuộc sống đã hun đúc cho lão một thứ niềm tin chỉ có thể sánh với niềm tin tôn giáo. Tước mất của lão niềm tin ấy lão sẽ chết. Ngay cả giờ đây lão đang là nạn nhân của tấn bi hài mới, thì niềm tin thần thánh ấy vẫn dư sức để lão không mảy may nghi ngờ tính chất vớ vẩn, đong đưa của cuộc đời. Lão Khổ cảm thấy lão vừa được tiếp thêm sức mạnh”... Chi tiết lão nhớ lại lá thư của con trai lão trước ngày bỏ đi là bằng chứng cho những giằng xé, xung đột nội tâm của lão. Lời lẽ của lá thư thực ra là một cách ẩn giấu những nhận thức lại mình của lão được tác giả đặt điểm nhìn ở nhân vật khác, cụ thể ở đây là Hai Duy. Theo đó thì lão Khổ vừa là “cai ngục vừa là tù nhân số một” trong nhà tù “làng Đồng quỷ ám”, lão tự “xiềng xích và thấy thích thú bởi tiếng kêu xủng xẻng. Tràn ngập trong đó là lòng hận thù, thói hợm hĩnh về quá khứ, những ảo tưởng điên rồ về tương lai”, đó là một cộng đồng “không biết mơ mộng”. Đằng sau những lời lẽ đó là sự bất lực của Lão Khổ trước những câu hỏi dồn dập của con trai lão: “Giữa tình yêu và lòng hận thù nên chọn cái nào?” Những ảo tưởng, phông vẽ về một thiên đường của lão - cái niềm tin tội nghiệp của lão bị những câu hỏi ấy “châm cho một mồi lửa” vì lão không thể trả lời được, “Sự trì níu vết thương quá khứ còn lê thê hết đời lão”. Sự mâu thuẫn, giằng xé mãnh liệt trong nội tâm nhân vật như đã nói, còn được thể hiện một cách đầy biểu cảm qua sự mô tả về khuôn mặt “nhàu nát đến thảm hại”, qua những giọt nước mắt và cái dáng ngồi “như hóa đá” mà nhà văn đã nhiều lần phác họa. Rõ ràng để khám phá thế giới bên trong đầy bí ẩn và có chiều sâu khôn cùng của nhân vật, tác giả đã phải sử dụng kết hợp nhiều phương thức, trong đó ngoài những thứ lý giải được, bằng việc ngược về quá khứ, còn phải viện đến việc khía sâu vào thế giới vô thức của nhân vật. Bởi vì suy cho cùng, con người có mấy ai tự hiểu sâu sắc được hết mọi góc cạnh tâm hồn mình? Ngay cả việc tác giả đặt nhân vật chênh vênh, mấp mé bên bờ “thiện - ác” cũng không nằm ngoài việc khắc sâu cái “vô thức” trong tâm linh nhân vật này. Có như thế, toàn bộ những
nét vẽ nội tâm nhân vật mới chân thực như nó vốn có. Tạo dựng nhân vật với đầy mâu thuẫn, nghịch lý, thường xuyên biến động, luôn luôn có những bước ngoặt, những biến chuyển không lường hết được trong những cuộc đâu tranh nội tâm, nhờ đó mà tính chủ thể luôn được tăng cường.
Thử đặt một cái nhìn xuyên suốt tác phẩm, sẽ thấy một âm hưởng vang lên từ nỗi đau âm ỉ của nhân vật. Có cảm giác như Lão Khổ lạc lõng giữa cõi đời này: “Lão thấy cô đơn đến khủng khiếp... Lão cô đơn vì lão cảm thấy mệt mỏi đến tận cùng trong cuộc loại trừ nhau. Cuối cùng thì ý nghĩa cuộc sống là gì? Bởi vì lão không chịu tìm cho ra điều ấy nên cuộc đời lão mới long đong, bèo bọt và vô nghĩa”... “Lão lang thang cô độc ngay giữa đồng loại”... “Chỉ thấy toàn ma dữ, bóng tối, chết chóc... thì cuộc sống còn là cái gì!” Nếu đem so sánh với các nhân vật nông dân trong văn học trước đó và ngay cả tác phẩm cùng thời sẽ thấy được nét mới mẻ, độc đáo, khám phá riêng của Tạ Duy Anh. Lão Khổ hiện lên như một hiện tượng dị biệt so với các hình tượng nông dân trước đó, mà nếu không quan sát ở tầng sâu nội tâm thì không thể nào nhận thấy được. Đó là tầm triết luận sâu