KỸ THUẬT ĐỘC THOẠI NỘI TÂM:

Một phần của tài liệu Một vài phương diện về kỹ thuật tự sự trong tiểu thuyết Lão Khổ (Trang 28 - 32)

III. MÔ TẢ, PHÂN TÍCH TÂM LÝ NHÂN VẬT

2. KỸ THUẬT ĐỘC THOẠI NỘI TÂM:

Trong tác phẩm cũng không ít lần tác giả miêu tả những hành động mạnh của nhân vật như: “nghiến răng trèo trẹo; uất sặc máu, con ngươi muốn bật khỏi mắt, cười sằng sặc...”, hoặc lối biểu hiện trực tiếp tâm trạng: “lão thấy tan nát gan ruột”, hay “thấy ruột bị cứa thành từng khúc”... Tuy nhiên, về điểm này thì không có gì đáng nói, bởi vì lối biểu hiện trực tiếp ấy ta đã bắt gặp nhiều thành quen thuộc ở các tác phẩm văn học trước đây, từ cổ chí kim. Điều đặc biệt đáng nói ở đây là ngòi bút miêu tả, phân tích tâm lý nhân vật một cách tinh tế và sâu sắc của tác giả. Chi phối toàn bộ tác phẩm là cách kể chuyện bằng một đường dây tâm lý phức tạp, biến hoá, phức điệu. Đó là việc đưa vào tác phẩm một loạt các “dòng tâm thức”, “dòng tâm tư” và đặc biệt là thủ pháp “đối thoại - độc thoại nội tâm” một cách đầy hiệu lực làm tăng tính chất đối thoại tự bên trong của nhân vật.

So với văn học truyền thống thì quả là văn học hiện đại từ thời kì 30 - 45 cho đến nay đã có bước tiến bộ, vượt hẳn lên mô thức tự sự truyền thống ở chỗ nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật đã được các nhà văn sử dụng rộng rãi và ngày càng tinh diệu, điêu luyện. Và nhất là từ đó các nhà văn lại luôn “vật vã” tạo nét riêng, nét mới cho bút pháp của mình. Ở đây, Tạ Duy Anh đã đi vào tận cùng bí ẩn sâu xa của tâm hồn, tiềm thức để khám phá các mặt khác nhau trong suy nghĩ và tình cảm của nhân vật. Kỹ thuật “độc thoại nội tâm” và “dòng ý thức” đã được sử dụng một cách triệt để. Ngoài việc miêu tả con người hành động, chủ đích của nhà văn là khám phá thế giới bên trong con người. Bên cạnh tổ chức các cuộc đối thoại, các thủ pháp như độc thoại (tái hiện dòng suy nghĩ bên trong nhân vật và các mâu thuẫn của nó), soi sáng nhân vật từ điểm nhìn của các nhân vật khác

(như đã trình bày ở phần I) là việc tạo dựng xung đột tâm lý một cách thường xuyên làm cho nhân vật tự ý thức về mình trong mối quan hệ với xung quanh, với hoàn cảnh đang sống, tự mình bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ trung thực nhất. Nội tâm nhân vật là do ngôi thứ ba kể lại, nhập vào nhân vật, lại có khi được soi sáng qua điểm nhìn của nhân vật khác. Chẳng hạn, chi tiết bà Khổ nghĩ về chồng mình: “Nhưng chỉ bà Khổ chứng kiến những lúc chồng ngồi như hóa đá bên chai rượu. Bà hiểu rằng chồng bà đang phải nuốt xuống sự cay đắng đến tận cùng”.

Lão Khổ là nhân vật có đời sống nội tâm phức tạp. Lão luôn bị ám ảnh bởi quá khứ và hoài nghi về tương lai. Nhà văn đã tỏ ra sắc sảo và am hiểu tâm lý nhân vật khi mô tả, phân tích những “cuộc chạy trốn hiện thực”, ngược về quá khứ của lão Khổ trước thực tại bất công, đau đớn và đầy phi lý. Đó là quá khứ về “chuyện tình của lão Khổ”, gắn liền với nó là các tầng bậc cảm xúc được mô tả chân thực: “Gã chân sào thấy nóng bừng mặt. Có một khối lửa ngủ im trong gã từ thời các bà mụ nặn gã, bị cô hàng xén cời vào, thổi cháy ngún trong lồng ngực. Gã thấy nghẹn tắc ở cổ. Toàn thân gã run bắn như lên cơn sốt, mồ hôi tháo ra ào ào. Ô, hóa ra gã đã ở cái tuổi có thể làm chồng...”. “ Tự dưng gã như người mắc bùa, mắc ngải, hồn vía phiêu bạt đi đâu mất. Gã thấy chóng mặt, gã thấy nao nao một cảm giác kì lạ, cứ đầy dần lên ở khoang bụng. Gã hà hít không khí, thấy nó thơm lừng, say ngây ngất. Hai kẻ cùng đường gặp nhau đều có nhu cầu muốn được che chở...”. Ngòi bút tinh tế của nhà văn đã tiếp tục khơi sâu tâm lý nhân vật: lão cảm thấy “người đàn bà trước mặt gã cứ to dần ra, ôm tỏa lấy gã... Gã thầm ước ngày nào đó chính người đàn bà kia sẽ ngồi khâu những cái tã xinh xinh cho một sinh linh bé nhỏ tách ra khỏi cơ thể cô ta, có chứa cả một phần máu thịt của gã...” Cái bản năng con người đã được đánh thức giữa “gã chân sào và cô hàng xén”. Tác giả đã mô tả tâm lý nhân vật chân thực sống động và tinh tế. Nhưng quá khứ ấy lại theo lão suốt đời với sự ám ảnh “như một tiền định của số kiếp lão. Hình như nó là điềm báo trước cuộc đời lão sẽ vất vả, tai ương đến lúc

chết.” Quá khứ chập chờn ẩn hiện gắn liền với các mảnh ký ức, mảnh tâm trạng hồi cố của nhân vật. Trong quá khứ mà nhân vật nhớ về, thấy có lúc lão “đang ở thiên đường”, đó là khi nhớ về cảm giác lão còn đang làm Chủ tịch xã Hoàng - lão còn là “ông thánh xã Hoàng”, hay thời điểm mà cả nhà Chánh Tổng bị lật đổ bằng một đám đông cách mạng dưới sự chỉ huy của lão: “Lão Khổ phút chốc thành điểm tựa, thành linh hồn của những kẻ không có một chút đề kháng nào. Họ tìm thấy ở lão bản lĩnh lạnh lùng của kẻ dẫn dắt. Lão Khổ nhận lấy ngay sứ mệnh ấy. Và bởi vì lão vốn đầy sức mạnh.” Đó là bằng chứng của việc nhân vật tự hiểu mình, tự nhận thức và tự bộc lộ mình. Rồi ngay cả cái suy nghĩ đầy tính chất “cá nhân tư thù” của lão ngay trong khi làm cách mạng cũng được mô tả chi tiết: “lão chợt nhớ đến mấy đứa em chết đói của lão. Lão nhớ tới những trận đòn thừa sống thiếu chết... Lão lần hồi nhớ lại từng sự kiện có liên quan đến lão và chi họ nhà lão bị Chánh Tổng dùng quyền thế chèn ép đày xuống làm vai dưới. Tàn phá cũng là làm cách mạng. Lão gầm lên: - Tất cả thuộc về bà con. Tiến lên!” Rồi cả đến những tâm trạng khi lão bị mang ra đấu tố một cách oan uổng: “Lão Khổ ngã ngửa người. Khi các ông trời con lệnh trói lão bằng dây thừng, dắt như dắt trâu trong tiếng gào thét “Đả đảo bọn Việt gian bán nước Quốc dân đảng Tạ Khổ và đồng bọn!”, lão vẫn chới với hy vọng có sự nhầm lẫn nào đó... Lão gật gù củng cố suy đoán ấy. Nếu vậy thì lão có hy sinh cũng cam lòng.” Sau đó là những dòng độc thoại nội tâm của nhân vật: “Lũ dã man! Giờ đây thì ông rõ mặt chúng mày rồi”, “Lão sẽ hy sinh thật oanh liệt. Tuy thế lão cũng liếc mắt sang hai dãy ghế: toàn người thân của lão...” Và khi bị tố cáo vu oan lão đã “nghiến răng trèo trẹo... lão uất sặc máu”, lão nhớ lại những gì lão đã làm cho họ. Ký ức lúc chập chờn, bảng lảng sương khói, lúc chói gắt dữ dội đi về xen ngang thì hiện tại. Sự xuất hiện đứt đoạn của các mảnh hồi cố, quá khứ lắp ghép là thường xuyên trong suốt diễn biến cốt truyện. Tính chất “không liền mảnh” này khác với mô típ truyền thống con người phân thành hai nửa nhưng vẫn hoàn chỉnh. Ở đây, tâm

trạng nhân vật bị phân thành nhiều mảnh khó lắp ghép. Nó có một cái gì đấy biểu hiện sự trúc trắc, liên tục vận động và thay đổi dữ dội của tính cách và đời người. Các biến cố của số phận Lão Khổ được gợi lên hầu hết đều qua việc ngược về dòng chảy quá khứ, tự tìm lại mình, kiểm điểm mình. Tác giả đã chỉ ra tận cùng, đáy sâu tâm lý nhân vật những toan tính, những nghĩ suy... “Thực ra thì lão Khổ chẳng bao giờ muốn nhớ lại những chuyện như thế. Phần vì lão coi thường ký ức như đã nói. Nhưng điều sâu xa hơn chính là ở chỗ cuộc đời lão đã từng cất cánh bay lên từ những biến cố dữ dội ấy. Lão coi nó như điều khó tránh của lịch sử, dù nó đẫm máu...” Ngòi bút tác giả có khả năng lý giải chiều sâu - những nguyên do sau cùng và bản chất nhất của nhân vật. Đồng thời tâm lý đứt đoạn và rối tung ấy, những độc thoại miên man bên trong được đưa ra cốt để bác bỏ thực tại của tồn tại và trình bày ý thức tha hóa con người như là tồn tại đích thực của thế giới. Độc thoại nội tâm và dòng tâm tư làm cái công việc quan trọng là diễn tả thực tại sâu sắc hơn. Nhờ thế tạo hiệu quả tâm lý đối với người đọc: đặt người đọc vào tình thế đồng thời với hiện tượng đang diễn ra, khả năng “hiện tại hóa quá khứ” vốn đã tiềm tàng trong tiểu thuyết lại càng được tăng cường.

Nhà văn đã chọn cho mình một chỗ đứng “bình đẳng” với nhân vật để cho nhân vật nói tiếng nói thật của mình. Thật khó mà phân biệt đâu là giọng tác giả, đâu là giọng nhân vật. Cuộc độc thoại nội tâm với ngôn ngữ được dùng là ngôn ngữ nửa trực tiếp nên đã mang tính chất như cuộc đối thoại đa giọng điệu: khi thì mỉa mai, giễu cợt, khi thì tự biện hộ, khi thì đanh thép... nhưng nổi bật lên vẫn là âm hưởng khắc khoải, thâm trầm của một tâm hồn con người bị nỗi đau tinh thần giằng xé. Ngòi bút của nhà văn còn tỏ ra rất tinh tế trong việc miêu tả và khắc họa tâm lý của một loạt các nhân vật khác trong truyện như: Hai Duy, Tư Vọc, mụ Quản, lão Phụng... tạo ra một hệ thống tâm lý đa tuyến nhiều chiều đan cài vào nhau.

Một phần của tài liệu Một vài phương diện về kỹ thuật tự sự trong tiểu thuyết Lão Khổ (Trang 28 - 32)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(46 trang)
w