Gợi ý hướng nghiên cứu tiếp theo

Một phần của tài liệu Vai trò của sinh viên trong quản trị đại học (nghiên cứu trường hợp tại Trường CĐSP Gia Lai) (Trang 30)

7. Giới hạn nghiên cứu của đề tài

4.3.Gợi ý hướng nghiên cứu tiếp theo

4.3.1. Hạn chế của nghiên cứu

Nghiên cứu tập trung vào đề tài vai trò của sinh viên trong các hoạt động QTĐH tại trường CĐSP Gia Lai theo giới hạn nghiên cứu. Trong khi đó, thực tế là các trường ĐH-CĐ tại Việt Nam chưa hoàn toàn tự chủ, đề tài nghiên cứu lại tiếp cận vấn đề theo quan điểm trường ĐH là các tổ chức dân chủ, và là nơi cung ứng các dịch vụ đào tạo để áp dụng vào nghiên cứu là không tránh khỏi sự thiếu nhất quán trong nhiều phương diện có liên quan đến vấn đề vai trò của sinh viên trong quản trị đại học.

Về phương pháp nghiên cứu, đề tài sử dụng kết hợp phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng để thu thập, xử lý và phân tích thông tin. Tuy nhiên, vấn đề nghiên cứu là còn khá mới mẻ không chỉ đối với sinh viên mà còn đối với các nhà lãnh đạo, quản lý, giảng viên trong trường CĐSP Gia Lai. Cùng với việc thông tin thu thập được thực hiện bằng phương pháp thu thập dữ liệu tại một thời điểm hiện tại về những vấn đề đã xảy ra nên tính đại diện của thông tin chưa cao. Hơn nữa, nghiên cứu được thực hiện trong điều kiện các nguồn tài liệu tham khảo còn rất hạn chế, việc tìm kiếm, khám phá, đo lường và đánh giá để làm sáng tỏ vấn đề sinh viên tham gia vào QTĐH còn hết sức khó khăn.

Vì điều kiện nghiên cứu, tác giả chỉ chọn mẫu nghiên cứu điển hình tại Trường CĐSP Gia Lai là một trường có mô hình tổ chức quản lý cơ bản vẫn theo cơ cấu quản lý truyền thống các trường ĐH-CĐ ở Việt Nam. Trường vẫn chịu sự quản lý chung về chuyên môn và hành chính của Bộ GD&ĐT, đồng thời chịu sự quản lý trực tiếp của UBND tỉnh. Vì vậy, trường CĐSP Gia Lai gần như không có cơ hội thực hiện các hoạt động quản trị và có rất ít quyền tự chủ. Trong hoạt động QTĐH trong nhà trường, thường không có tiền lệ tốt cũng như cơ hội để tập hợp được tiếng nói của các bên liên quan về quyền và thẩm quyền quản trị trong trường CĐSP Gia Lai, bao gồm sinh viên. Do vậy, thực hiện nghiên cứu đánh giá về vai trò của sinh viên trong QTĐH còn chịu sự chi phối bởi các yếu tố chủ quan của nhà nghiên cứu.

4.3.2. Gợi ý các hướng nghiên cứu tiếp theo

Với những hạn chế của nghiên cứu được đề cập ở trên, cùng với việc đề tài mới chỉ dừng lại ở việc khảo sát, đánh giá mức độ tham gia của sinh viên trong các hoạt động QTĐH tại trường CĐSP Gia Lai theo giới hạn nghiên cứu của đề tài, để bước đầu xem xét vai trò của sinh viên trong QTĐH. Nghiên cứu cũng đi tìm hiểu một số các khó khăn, trở ngại có ảnh hưởng đến sự tham gia của sinh viên vào công tác QTĐH trong phạm vi trường CĐSP Gia Lai. Nghiên cứu chưa có điều kiện đi sâu nghiên cứu ở các khía cạnh khác của vấn đề như: Thực hiện nghiên cứu vai trò của sinh viên trong QTĐH với một mẫu nghiên cứu điển hình hơn; Nghiên cứu lý do đầy đủ để xem xét, chấp nhận sinh viên vừa là cộng sự vừa là khách hàng của các tổ chức trường ĐH; Những ảnh hưởng của việc sinh viên tham gia vào các hoạt động QTĐH đến hiệu quả QTĐH; Nghiên cứu mô hình QTĐH hiệu quả nhằm phát huy sự đóng góp của các bên liên quan, trong đó bao gồm sự đóng góp của sinh viên; v.v…

Qua phân tích, nhận định để nêu ra những hạn chế của nghiên cứu và đó cũng đồng thời là hướng mở cho các nghiên cứu tiếp theo, nghiên cứu sâu hơn, mở rộng hơn các đối tượng và phạm vi nghiên cứu.

Một phần của tài liệu Vai trò của sinh viên trong quản trị đại học (nghiên cứu trường hợp tại Trường CĐSP Gia Lai) (Trang 30)