4.1 Khái quát điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội quận Long Biên
4.1.1 Điều kiện tự nhiên
4.1.1.1 Vị trí địa lý
Quận Long Biên nằm ở cửa ngõ phía Đông Bắc của Thủ đô Hà Nội với vị trí như sau:
- Phía Bắc giáp huyện Đông Anh, huyện Gia Lâm - Phía Đông giáp huyện Gia Lâm
- Phía Nam giáp quận Hoàng Mai - Phía Tây giáp quận Hoàn Kiếm
Quận nằm giữa hai con sông lớn là sông Hồng và sông Đuống, đồng thời tập trung nhiều đầu mối giao thông quan trọng với nhiều tuyến giao thông lớn như đường sắt, đường quốc lộ, đường thuỷ nối liền các tỉnh phía Bắc và các tỉnh phía Đông Bắc. Những yếu tố trên là cơ sở quan trọng phát triển công nghiệp cảng sông hiện đại, đáp ứng yêu cầu của các cụm công nghiệp kỹ thuật cao trên địa bàn cũng như quá trình phát triển đô thị hoá, đồng thời tạo được sự giao lưu trong hoạt động kinh tế. Đây là điều kiện thuận lợi cho sự liên kết giữa quận với các tỉnh và thành phố lân cận, mở rộng thị trường, phát triển sản xuất kinh doanh. [18]
4.1.1.2 Địa hình
Quận Long Biên nằm trong phạm vi hai tuyến đê sông Hồng và đê sông Đuống với địa hình lòng máng cao ven theo đê hai sông. Địa hình Quận tương đối bằng phẳng, thấp dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam theo hướng chung của địa hình và theo hướng của dòng chảy của sông Hồng.
4.1.1.3 Khí hậu, thuỷ văn - Khí hậu
Nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, quận Long Biên mang sắc thái đặc trưng của khí hậu vùng nhiệt đới ẩm gió mùa. Chia làm hai mùa rõ rệt:
Mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, mùa khô kéo dài từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau.
Nền nhiệt độ trong khu vực đồng đều và cũng khá cao, tương đương với nhiệt độ chung của toàn thành phố. Nhiệt độ trung bình hàng năm đạt 23 - 240C. Biên độ nhiệt độ trong năm khoảng 12 - 130C, biên độ dao động nhiệt giữa ngày và đêm khoảng 6 - 70C. Độ ẩm trung bình hàng năm là 82%, ít thay đổi theo các tháng, thường chỉ dao động trong khoảng 78 - 87%. Lượng mưa trung bình năm khoảng 1600 - 1800 mm.
- Thuỷ văn
Quận Long Biên chịu ảnh hưởng chế độ thuỷ văn của sông Hồng và sông Đuống. Lưu lượng trung bình nhiều năm là 2710 m3/s, mực nước mùa lũ thường cao từ 9 - 12m (độ cao trung bình mặt đê là 14 - 14,5m).
4.1.1.4 Tài nguyên, khoáng sản
Quận Long Biên không có nhiều khoáng sản, quặng. Tuy nhiên, với hệ thống sông Hồng và sông Đuống có thể làm cơ sở cho phát triển công nghiệp khai thác cát, đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng trên địa bàn quận đặc biệt trong những năm quận đang phát triển xây dựng. Vì vậy, cần phải có quy hoạch và quản lý khai thác để tránh ảnh hưởng đến dòng chảy và sụt lở ở bờ sông. [18]
4.1.2 Điều kiện kinh tế - xã hội
4.1.2.1 Dân số và nguồn lao động - Dân số
Quận có mật độ dân số bình quân 2.903 người/km2, thấp hơn rất nhiều so với bình quân chung của toàn thành phố Hà Nội. Chính vì thế sức ép về nhà ở, việc làm và một số vấn đề xã hội khác trên địa bàn quận không thực sự là vấn đề búc xúc như một số quận khác của Thủ đô.
Tuy là quận nội đô nhưng do xuất phát điểm từ một huyện ngoại thành, nên dân cư làm nông nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ cao trong cộng đồng quận. Số hộ nông nghiệp còn 17,45%. Một số phường vẫn còn những nét của huyện ngoại
thành cũ, sống tập trung thành từng xóm, mang sắc thái của dân cư nông nghiệp. Thu nhập bình quân đầu người trên 800.000 đồng/người/tháng. Toàn quận không có hộ đói, tỷ hệ hộ nghèo còn rất thấp.
- Nguồn lao động
Theo số liệu thống kê của phòng Lao động Thương binh và Xã hội quận Long Biên tháng 6 năm 2007 quy mô nguồn lao động quận là trên 93.000 lao động. Đây là lao động trực tiếp, là động lực cho tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn quận.
Số lượng người chưa có việc làm trên địa bàn quận năm 2007 là gần 19.000 người. Phần lớn ở tình trạng thất nghiệp tạm thời. Trong tổng số lao động của quận, một bộ phận lớn là lao động phổ thông, chiếm tỷ lệ 74%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2007 là 26%. Trong số lao động qua đào tạo,cơ cấu về trình độ lao động theo tỷ lệ: 1 đại học - 0,78 trung học - 1,67 công nhân kỹ thuật.
4.1.2.2 Thực trạng hệ thống cơ sở hạ tầng
Quận có đầy đủ hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật như giao thông, cấp thoát nước, đáp ứng được những yêu cầu phát triển của các ngành, các lĩnh vực, đặc biệt cho sự phát triển của các khu công nghiệp, khu thương mại, dịch vụ. Bên cạnh việc đầu tư xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp nhỏ Phúc Lợi, Sài Đồng, quận sẽ tập trung đầu tư xây dựng và hoàn thiện một số chợ, trung tâm thương mại, giải trí, tuyến phố văn minh đô thị và mở rộng các dự án rau an toàn. Trên địa bàn quận có 3 tuyến đường giao thông quan trọng đi qua: Đường quốc lộ số 1A, 1B và quốc lộ 5. Đây là ba tuyến đường huyết mạch đi qua các tỉnh phía Bắc và nối liền tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Lạng Sơn. Hệ thống giao thông của quận có hơn 323 km đường giao thông trong đó đường nhựa và đường bê tông có tổng chiều dài 243 km. Hệ thống điện có 97 trạm biến áp với 66 km đường dây cao thế, 324 km đường dây hạ thế, 100% hộ đã sử dụng điện lưới quốc gia. Hệ thống cấp thoát nước với trên 100 km đường ống cấp nước, 88 km đường ống dẫn truyền tải với
trên 50% số hộ dùng nước sạch, bình quân 106 lít/ngày đêm.
Về giáo dục: Quận có 6 trường trung học phổ thông, bổ túc văn hoá, trung tâm giáo dục thường xuyên; 15 trường phổ thông cơ sở; 16 trường tiểu học; 32 trường mẫu giáo. Trong những năm qua, quận đã duy trì và nâng cao chất lượng dạy và học ở các cấp học, bậc học. Mạng lưới giáo dục từ mẫu giáo đến phổ thông trung học về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu và quy mô học sinh trên địa bàn quận.
Về y tế: Quận có 1 trung tâm y tế, 1 bệnh viện, 14 trạm y tế. Cơ sở vật chất ở bệnh viện, trung tâm y tế và các trạm y tế phường nhìn chung là đạt tiêu chuẩn quy định.
Thể dục thể thao: Trên địa bàn quận đã có sân vận động, 20 sân tennis, 8 bãi bóng và sân tập thể thao. Phong trào thể dục thể thao trên địa bàn quận được phát triển rộng rãi, thu hút mọi đối tượng tham gia.
Về lĩnh vực văn hoá thông tin, vui chơi giải trí: Quận có 72 di tích lịch sử văn hoá, hiện tại đã có di tích trở thành trở thành một điểm trong tua du lịch sông Hồng. Với 50 nhà văn hoá cơ sở, 1 công viên vườn hoa đủ đáp ứng cho nhu cầu sinh hoạt văn hoá, vui chơi giải trí trên địa bàn quận.
Đất quốc phòng an ninh chiếm một tỷ lệ tương đối trong cơ cấu sử dụng đất của quận gồm khu sân bay Gia Lâm, khu trại pháo quân đội..v..v..
4.1.2.3 Thực trạng phát triển kinh tế
Quận Long Biên tính đến nay có trên 200 cơ quan đơn vị của Trung ương, thành phố đóng trên địa bàn quận, hơn 700 doanh nghiệp tư nhân và hợp tác xã. Số hộ làm nông nghiệp hiện nay chỉ còn 17,45%. Quận có 3 khu đô thị cũ là: Ngọc Lâm, Đức Giang và Sài Đồng; ngoài ra còn có các khu đô thị mới: Việt Hưng, Thượng Thanh, Thạch Cầu.
Cơ cấu các ngành kinh tế trên địa bàn: Giá trị tổng sản lượng các ngành kinh tế đạt trên 6.012 tỷ đồng. Cơ cấu từng ngành kinh tế được thể hiện tại hình 4.1.