B. NỘI DUNG
3.2. Không gian nghệ thuật
Không gian trong cổ tích Campuchia là không gian mơ hồ, phiếm chỉ nó không giống với không gian truyền thuyết là cụ thể, xác định bằng địa danh. Ví như: ngày xưa, đã lâu lắm rồi, có một ông vua Campuchia tên là Prômatốt trị vì một vương quốc đông dân, ngày xưa, có hai vợ chồng nông dân sống ở làng nọ. Ngày xưa, ở một làng nọ, có một anh chàng tên là
Cung. Ở xứ nọ, ở xứ kia, chàng ở một chiếc lều bên sông tất cả đều được nhắc đến như một ý niệm về không gian chứ không được miêu tả cụ thể.
Chăn dắt đàn gia súc, bắt cá nuôi bà, làm người hầu là những hành động của nhân vật gợi cho ta một ý niệm về một làng quê, một không gian hiện thực đời thường, không gian trần thế đã làm cho người nghe cảm thấy truyện cổ tích gần gũi với mình và mang hơi ấm nhân sinh. Dù cho đó chỉ là không gian rất đỗi bình thường, thậm chí là nghèo nàn với biết bao cảnh nghèo khổ nhưng đầy tình thương yêu giữa con người với con người.
Bên cạnh không gian hiện thực, không gian gần gũi thì trong truyện cổ tích còn có không gian thần kỳ, hư ảo. Ở đó nhân vật thần kỳ vận động, phát triển. Nó phi thường, kỳ diệu mà không gian hiện thực không thể có. Nếu không gian hiện thực còn hạn chế hành động của nhân vật thì không gian thần kỳ cho phép nhân vật tha hồ tung hoành hành động, không gian không cản trở. Ví như Chàng Cơm Cháy có thể nói chuyện được với loài rắn, và có thể chiến đấu để giành lại vương quốc trong không gian chiến trận. Hay trong truyện Tấm Cám thì cô Tấm có thể trò chuyện được với con bống, với bụt, có thể sống trong khung cửi. Tác phẩm Tạu Kham của Lào thì Chăn Tha có thể trò chuyện với Rùa Vàng là hóa thân của mẹ, mẹ Chăn Tha còn hóa thân vào cây bồ đề. Rồi Chăn Tha bị mụ dì ghẻ sát hại đã nhập vào quả Mạc Tum. Dù đây là một không gian chật hẹp nhưng nó lại rất thần kì giúp con người thoát khỏi sự truy sát của các thế lực đen tối và độc ác.
Trong truyện cổ Campuchia không có không gian tâm lí, nhân vật trong truyện cổ tích đi về giữa hai không gian là không gian trần thuật và không gian thần kì. Đó là thực và mộng, giữa cái thực tại đau thương với cái ước mơ, khát vọng lí tưởng của nhân dân. Trong tác phẩm Riêm Kê vì lòng ghen ghét, tranh giành địa vị cho con trai, KaiKeSi đã buộc nhà vua phải thực hiện lời hứa để đứa con trai của bà lên nối ngôi va bắt Ra Ma đi đày mười bốn năm, vì lòng hiếu thảo Ra Ma chấp nhận, chàng coi việc ra đi là bổn phận. Sita dù biết là khổ cực với biết bao nguy hiểm nơi rừng thiêng nước độc, bằng tình yêu nàng quyết theo Ra Ma vào rừng sống. Ra Ma cùng em là Lask ra đi từ sáng sớm, họ sống một cuộc sống thanh đạm của các nhà tu hành trong rừng, Sita đẹp nên có nhiều con quỷ bày mưu để
cướp nàng nhưng đều thất bại, chúng báo cho quỷ là Rab. Với sự giúp đỡ của Marika, Marika đánh lừa Ra Ma và Lask còn quỷ Rab đóng giả là một nhà sư đi hành khất, với lòng thành kính nhà sư thì Sita đã không nghi ngờ gì. Mời nhà sư ngồi, bên cạnh mình và lấy nước cho nhà sư uống. Với lòng chung thủy nàng quyết cự tuyệt quỷ Rab. Rab điên lên vì sắc đẹp, túm ngay lấy tóc Sita bằng tay trái và nhấc bổng lên bay về xứ Lan Ka. Đây là không gian thực mà các nhân vật đã trải qua với những khó khăn trong rừng sâu. Nhưng đến khi Ra Ma hành động, chiến đấu với quỷ Rab mấy ngày đêm không phân thắng bại, Ra Ma phóng cái lao của thần Inđra ban cho vào giữa ngực Rab, Rab ngã xuống tắt thở, cuộc chiến đấu kết thúc, cứu được nàng Sita thì đây không còn là không gian đời thường mà là không gian thần kì khi cả Ra Ma và Rab đều có một sức mạnh mà con người đời thường không thể có. Hay đoạn kết thúc của thiên truyện dù rất yêu Ra Ma nhưng vì tự trọng Sita đã cầu xin trái đất mở ra để đón nàng đến xứ sở của thần Naga. Đó cũng đồng thời là ước mơ của nhân dân Campuchia, khi nỗi đau khổ lên tới đỉnh điểm và họ cần một sự giải thoát, để làm được điều đó thì yếu tố thần kì không thể thiếu để giúp họ thực hiện ước nguyện đó.