TRONG VIỆC XÂY DỰNG KẾ HOẠCH NĂM HỌC Ở CÁC TRƯỜNG
TIỂU HỌC HUYỆN ĐÔNG TRIỀU TỈNH QUẢNG NINH
3.1. Chỉ đạo nâng cao nhận thức, lý luận về công tác xây dựng kế hoạch năm học. năm học.
Kế hoạch năm học là "cương lĩnh" hoạt động của nhà trường, trong đó chứa đựng toàn bộ các mục tiêu, biện pháp thực hiện chủ yếu của nhà trường trong năm học đó. Vì vậy, hiệu trưởng đặc biệt chú ý, quan tâm đến công tác này, phải xem đây là công việc hàng đầu của mọi công việc. Không những thế phải làm cho mọi thành viên trong nhà trường phải nhận thức rằng: việc xây dựng kế hoạch năm học là công việc chung đặc biệt quan trọng của tập thể. Đó là bản định hướng, thiết kế các công việcphải làm, các chỉ tiêu phải đạt được, cách thức làm để đạt được các chỉ tiêu đó. Do đó, việc đồng tâm, đồng sức, tập trung trí tuệ để xây dựng một bản kế hoạch cụ thể, khoa học, sát thực tế nhà trường và có tính khả thi cao là rất cần thiết và ai cũng phải có trách nhiệm tham gia. Không được xem đó là công việc của riêng một ai, cấp dưới ngồi chờ giao việc. Phải chủ động bàn bạc, đưa ra các ý kiến đóng góp xây dựng, các giải pháp thực hiện để có kết quả tốt nhất. Có được như vậy, bản kế hoạch mới thực sự có tác dụng, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ năm học của nhà trường.
Quán triệt nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên trong nhà trường, đặc biệt là những người tham gia xây dựng kế hoạch năm học,quán triệt cả về công tác tổ chức thực hiện, chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch. Để làm được điều này người hiệu trưởng phải chủ động, linh hoạt, tuỳ thuộc vào điều kiện hoàn cảnh của trường mình để có biện pháp tổ chức xây dựng kế hoạch cho phù hợp.
Tổ chức các buổi trao đổi, thảo luận tập thể, rút kinh nghiệm sau một năm học, một học kỳ, một phong trào, một hoạt động nào đó. Chỉ ra nguyên nhân thành công và nguyên nhân không thành công. Trong đó đặc biệt chú ý đến việc xây dựng kế hoạch cho năm học, các hoạt động trong năm như thế nào, có phù hợp, sát thực tiễn hay không, có khả năng thực hiện hay không?...Từ đó mọi người sẽ nhận thức đúng tầm quan trọng của công tác xây dựng kế hoạch và xây dựng kế hoạch năm học.
Làm cho tập thể thấy dược rằng: Việc xây dựng kế hoạch là công việc, trách nhiệm của tập thể. Mọi người phải nhận thức được điều đó và tập trung trí
tuệ xây dựng bản kế hoạch năm học cho có chất lượng, có tính khả thi cao. Nếu làm không tốt sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động của một nhà trường.
Để làm dược điều đó, hiệu trưởng phải là người luôn biết lắng nghe các ý kiến đóng góp của đội ngũ giáo viên, nhân viên trong nhà trường, không áp đặt ý kiến chủ quan trong xây dựng kế hoạch năm học. Phải trân trọng những ý kiến đóng góp, sáng kiến của các thành viên của nhà trường trong quá trình xây dựng kế hoạch năm học, đặc biệt trong việc tìm ra các biện pháp thực hiện nhiệm vụ, chỉ tiêu đã đề ra.
Thường xuyên kiểm tra đôn đốc, nhắc nhở mọi người làm việc theo kế hoạch cá nhân, kế hoạch của nhà trường để xem mình đã tiến hành thực hiện nhiệm vụ tới đâu, có gì phải bổ sung, điều chỉnh? Biết công việc tiếp theo là gì, làm như thế nào và vào thời điểm nào?...Có như vậy mọi người mới thấy rõ thiết thực của bản kế hoạch, có thói quen làm việc theo kế hoạch và như vậy bản kế hoạch năm học mới thực sự cần thiết, không thể thiếu với mỗi cá nhân.
Bên cạnh việc nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý , đội ngũ giáo viên, nhân viên về công tác xây dựng kế hoạch thì việc bồi dữơng lý luận về công tác xây dựng kế họach năm học cũng là một việc rất cần thiết. Người hiệu trưởng nếu không nắm hoặc nắm không vững lý luận xây dựng kế hoạch thì việc xây dựng kế hoạch sẽ không đảm bảo yêu cầu, dễ vi phạm nguyên tắc khi soạn thảo.
Để khắc phục những hạn chế đó, người hiệu trưởng phải không ngừng nâng cao trình độ lý luận của mình bằng cách:
- Tham dự các lớp tập huấn, bồi dưỡng về công tác quản lý, luôn có ý thức tự học, tự bồi dưỡng như nghiên cứu tài liệu, sách báo, học hỏi kinh nghiệm đồng nghiệp, tham khảo các bản kế hoạch được đánh giá là đầy đủ cấu trúc, nội dung sát thực tế.
- Rút kinh nghiệm sau từng hoạt động, từng tháng, từng học kỳ, từng năm học để hoàn thiện bản kế hoạch cho các năm tiếp theo.
- Luôn tìm ra các hình thức, biện pháp tổ chức bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên trong nhà trường về lý luận xây dựng kế hoạch năm học. Tổ chức sinh
hoạt chuyên đề về xây dựng kế hoạch năm học, có thể mời chuyên gia trao đổi. Sau buổi sinh hoạt mọi người phải hiểu rõ được vị trí vai trò của xây dựng kế hoạch năm học, trách nhiệm cá nhân, tập thể; cấu trúc, quy trình các bước xây dựng...
Tóm lại, việc nâng cao nhận thức, lý luận về công tác xây dựng kế hoạch năm học là giải pháp đầu tiên đặc biệt quan trọng, khi đã có nhận thức đúng thì hành động mới đúng.