Nội dung và hình thức của nghệ thuật

Một phần của tài liệu PHẦN I MỘT SỐ TƯ TƯỞNG MỸ HỌC TRƯỚC MÁC (Trang 32 - 33)

V. NGHỆ THUẬT

b. Nội dung và hình thức của nghệ thuật

Nói tới nghệ thuật là phải nói tới sự thống nhất biện chứng giữa nội dung và hình thức trong tác phẩm nghệ thuật.

Nội dung nghệ thuật là hiện thực khách quan đã được mô tả trong tác phẩm nghệ thuật. Nội dung nghệ thuật không đồng nhất với đối tượng phản ánh, tức là cái có trước và tồn tại độc lập với tác phẩm nghệ thuật. Nội dung là hiện thực đã được phản ánh trong tác phẩm, nó là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan, đã được đánh giá thông qua lăng kính chủ quan của nghệ sĩ.

Đề tài là một trong những yếu tố cấu thành nội dung của nghệ thuật, đó là các hiện tượng của hiện thực được miêu tả trong tác phẩm nghệ thuật theo những khía cạnh nhất định. Có thể là thuộc về con người cùng với số phận của họ, quan hệ của họ với tự nhiên và xã hội, có thể là đề tài thuộc về văn hoá - lịch sử…

Tư tưởng của tác phẩm nghệ thuật được toát lên một cách khách quan từ bản thân tác phẩm nghệ thuật chứ không phải ý đồ hay tư tưởng chủ quan của tác giả, nó được hình thành bởi tình cảm, xúc cảm thẩm mỹ của người nghệ sĩ. Tư tưởng liên hệ khăng khít với đề tài, nó vạch rõ bản chất của đề tài nhưng không nhập làm một với đề tài. Một đề tài giống nhau được các nghệ sĩ phản ánh theo quan điểm tư tưởng khác nhau và phục vụ cho việc giải quyết những vấn đề tư tưởng khác nhau.

Hình tượng nghệ thuật là phương thức, phương tiện biểu hiện và tồn tại của nội dung. Hình thức bao gồm các khía cạnh cấu trúc, kết cấu, xây dựng thể loại của nghệ thuật, nó gắn với nội dung và đôi khi trở thành nội dung một cách trực tiếp. Hình thức cũng có thể là phương tiện vật chất được tổ chức theo một cách thức nhất định để thể hiện nội dung.

Bố cục là phương thức xây dựng tác phẩm nghệ thuật, là nguyên tắc liên hệ giữa các thành tố và bộ phận cùng kiểu và khác loại cho nhất trí với nhau và với chỉnh thể.

Cốt truyện là tổng hoà các sự kiện có liên hệ liền nhau theo thời gian và không gian, được miêu tả trong tác phẩm.

Trong các loại hình nghệ thuật không gian (kiến trúc, điêu khắc) thì yếu tố không gian chuyển hóa thành nội dung trực tiếp. Trong các loại hình nghệ thuật thời gian (văn chương,

âm nhạc), yếu tố không gian chuyển hóa thành nội dung gián tiếp. Ngược lại, thời gian nghệ thuật trở thành nội dung trực tiếp trong các nghệ thuật thiên về thời gian và thành nội dung gián tiếp trong các loại hình thiên về không gian.

Chất liệu nghệ thuật là cơ sở vật chất của tác phẩm nghệ thuật, nhờ nó mà ý đồ nghệ thuật đươc khách quan hóa, ta thường gặp các chất liệu như ngôn từ, vật liệu, đạo cụ nhà hát, sàn sân khấu, trường quay… Việc sử dụng chất liệu nghệ thuật phụ thuộc vào ý đồ, thiên hướng, phong cách của nghệ sĩ.

Ngôn ngữ nghệ thuật là hệ thống các phương tiện vật chất biểu hiện ở một loại hình nghệ thuật nhất định. Thí dụ, ngôn ngữ nghệ thuật của hội họa là màu sắc, bút pháp, bố cục, chiều sâu trên mặt phẳng…; ngôn ngữ nghệ thuật của thơ ca là ngữ điệu, âm điệu, vần luật, âm hưởng, ngữ âm…

Giữa nội dung và hình thức nghệ thuật có sự thông nhất biện chứng, biểu hiện ở chỗ: Nội dung là nội dung của hình thức, hình thức là hình thức của nội dung nhất định.

Nội dung nghệ thuật đóng vai trò chủ đạo, quyết định đối với hình thức nghệ thuật. Khi nội dung thay đổi thì hình thức cũng thay đổi theo.

Nội dung có xu hướng đổi mới thường xuyên, bởi nó gắn bó trực tiếp hơn đối với thực tại đang phát triển và trạng thái tinh thần của nghệ sĩ. Trong khi đó, hình thức kém năng động hơn, có xu hướng tụt lại sau nội dung, kìm hãm sự phát triển của nội dungg. Chính vì vậy hình thức có ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến nội dung.

Một phần của tài liệu PHẦN I MỘT SỐ TƯ TƯỞNG MỸ HỌC TRƯỚC MÁC (Trang 32 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(43 trang)