Nghệ thuật với các hình thái ý thức xã hội khác

Một phần của tài liệu PHẦN I MỘT SỐ TƯ TƯỞNG MỸ HỌC TRƯỚC MÁC (Trang 30 - 31)

V. NGHỆ THUẬT

c. Nghệ thuật với các hình thái ý thức xã hội khác

Là một bộ phận của ý thức xã hội, nghệ thuật không thể phát triển một cách cô lập khỏi các lĩnh vực hoạt động tinh thần khác của con người.

Nghệ thuật và triết học:

Đây là hai dạng hoạt động tinh thần có vị trí, vai trò, chức năng khác nhau, nhưng có mối quan hệ mật thiết với nhau. Nghệ thuật và triết học cùng nảy sinh từ thần thoại, dần dà chúng tách biệt ra và thành những dạng thức riêng biệt. Triết học là một cách nhận thức về thế giới và bản thân con người thông qua hệ thống các khái niệm, phạm trù quy luật của triết học, nghệ thuật có thể coi là một phương thức nắm bắt chân lý thông qua các hình tượng nghệ thuật.

Triết học và nghệ thuật đều là thể hiện quan hệ chủ thể với khách thể. Nhưng triết học thường cố gắng tách bạch cái khách quan khỏi cái chủ quan, đưa ra những quy luật khách quan chung nhất của hiện thực mà hoạt động sáng tạo của con người phải lệ thuộc nó, trong khi đó nghệ thuật phản ánh và đánh giá đồng thời, nó trình bày sự liên hệ của con người với thế giới thông qua lăng kính cá nhân, trạng thái tâm lý, hệ thế giới quan, nhân sinh quan, đạo đức, thẩm mỹ và lý tưởng của bản thân nghệ sĩ.

Triết học và nghệ thuật luôn luôn hỗ trợ lẫn nhau; triết học đưa ra bức tranh khái quát, toàn cảnh về thế giới cùng với các quy luật vận động chung nhất của nó, do vậy cung cấp cho nghệ sĩ một thế giới quan nhất định. Đến lượt mình, bằng các phát hiện có tính cụ thể sinh động, nghệ thuật cung cấp cho triết học những dự kiện mà từ đó triết học có thể tạo dựng được bức tranh chỉnh thể hơn, vì sự nhạy cảm và sinh động của nó trong quá trình phản ánh cuộc sống.

Nghệ thuật và khoa học:

Chúng cùng phản ánh hiện thực khách quan, nhưng khoa học là hình thức hoạt động lý luận cao nhất đồng thời cũng là kết quả của hình thức đó. Cơ sở mục đích và tiêu chí của khoa học được diễn ra trong hệ thống các khái niệm, phạm trù, định lý, định luật, giả thuyết dự đoán khám phá hướng tới tri thức. Nghệ thuật mang dấu ấn cá nhân , mang lại khoái cảm thẩm mỹ. Tuy nhiên sự thành công của sáng tạo nghệ thuật chỉ có thể dựa trên sự phản ánh đúng đắn, cụ thể thế giới hiện thực với cảm quan thực sự khoa học.

Trong khi đó nghệ thuật không chỉ đưa lại tư liệu đồ sộ về nhận thức cuộc sống, (tri thức về tự nhiên xã hội lịch sử được nghệ thuật phản ánh) mà còn gợi mở kích thích trí tưởng tượng phong phú sáng tạo đối với khoa học.

Riêng khoa học kỹ thuật đem đến cho nghệ thuật những phương tiện thể hiện mỗi ngày một phong phú.

Nghệ thuật và chính trị:

Chính trị hiểu theo nghĩa chung nhất là quan hệ giữa các tập đoàn xã hội, các giai cấp, các nhà nước. Người nghệ sĩ sống và sáng tác bao giờ cũng phải đứng trong một tập đoàn, một giai cấp, một quốc gia nào đó mà có thể cá nhân nghệ sĩ ấy không ý thức được một cách rõ ràng. Mặt khác, nghệ thuật có sức mạnh tiềm tàng trong việc tác động đến tinh thần, quan điểm chính trị của con người thông qua chức năng giáo dục. Vì vậy, mặc dù nghệ thuật và chínht trị là hai lĩnh vực tinh thần khác nhau của đời sống xã hội nhưng nó có sự tác động lẫn nhau một cách tích cực.

Nghệ thuật và đạo đức:

Con người và những mối quan hệ mang tính người vao giờ cũng là trung tâm phản ánh của nghệ thuật, trong mối quan hệ giữa những thành viên xã hội với nhau thì những quy tắc,

chuẩn mực đạo đức giữ vai trò kiểm soát. Vì vậy, những vấn đề đạo đức thường xuyên có mặt trong các tác phẩm nghệ thuật. Nghệ thuật giáo dục những nguyên tắc đạo đức vạch trần tội ác, chỉ ra những biểu hiện xấu xa của sự ích kỷ, thấp hèn bằng các phương tiện riêng của mình.

Những nguyên tắc đạo đức mà người nghệ sĩ thấm đượm sẽ giúp anh ta đi sâu, mổ xẻ tâm lý hành vi nhân vật của mình được sâu sắc hơn. Người thưởng thức nghệ thuật có phẩm chất đạo đức cao quý không thể khoái trá, đồng cảm với những hành vi thấp hèn của nhân vật. Với đạo đức tốt, người ta sáng tạo và sử dụng những tác phẩm có nội dung tốt. Có nội dung tốt tác phẩm nghệ thuật sẽ nhân lên những công chúng có đạo đức tốt. Sự thống nhất và mối liên hệ hữu cơ này có cơ sở từ sự thống nhất của cái chân, thiện, mỹ.

Nghệ thuật và tôn giáo:

Tôn giáo và nghệ thuật phản ánh một tồn tại xã hội nhất định. Nhưng nghệ thuật phản ánh cái thẩm mỹ từ cuộc sống hiện thực qua hình tượng nghệ thuật. Ngược lại, tôn giáo lại phản ánh hiện thực một cách hư ảo hoang đường

Nghệ thuật cổ vũ cuộc đấu tranh cho tự do, cho hạnh phúc trần gian đích thực. Còn tôn giáo khuyên nhủ sự nhẫn nhục, chịu đựng để hứa hẹn hạnh phúc ở thế giới khác.

Ở hai lĩnh vực tinh thần khác nhau, nhưng giữa nghệ thuật và tôn giáo có sự chi phối, ảnh hưởng lẫn nhau. Tôn giáo có thể dùng nghệ thuật làm hình thức biểu hiện. Ngược lại cũng có những tác phẩm nghệ thuật chứa đựng những tư tưởng và màu sắc tôn giáo.

Một phần của tài liệu PHẦN I MỘT SỐ TƯ TƯỞNG MỸ HỌC TRƯỚC MÁC (Trang 30 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(43 trang)