Đội ngũ tiến sĩ với phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính

Một phần của tài liệu Về các kỳ thi Đình thế kỷ XVII - XVIII. (Trang 32 - 39)

Trong khi đa phần các tiến sĩ ra làm quan nhanh chóng bị cuốn theo những thói hư tật xấu của cuộc sống vật chất hằng ngày thì vẫn có một số người luôn giữ mình ngay thẳng, trong sạch, sống kiệm ước, giản dị, không luồn cúi, không cầu cạnh để trở thành con người hoàn thiện, bậc chính nhân quân tử như quan niệm của Nho giáo. Đó là: Nguyễn Thực (tiến sĩ năm 1595), Dương Trí Trạch (tiến sĩ năm 1619), Nguyễn Đăng Cảo, Đồng Tồn Trạch (tiến sĩ năm 1646), Vũ Công Đạo (tiến sĩ năm 1659), Nguyễn Viết Thứ (tiến sĩ năm 1664), Nguyễn Công Vọng (tiến sĩ năm 1673), Nguyễn Quý Đức (tiến sĩ năm 1676), Nguyễn Hiệu (tiến sĩ năm 1700), Bùi Sĩ Tiêm, Nguyễn Công Thái (tiến sĩ năm 1715), Lê Hữu Kiều (tiến sĩ năm 1718), Vũ Công Trấn (tiến sĩ năm 1724), Nguyễn Đức Vĩ (tiến sĩ năm 1727), Nguyễn Bá Lân (tiến sĩ năm 1731)…

Tất cả các quan - tiến sĩ nổi tiếng liêm chính đều có chung một điểm là nắm giữ chức vụ đầu triều, đầu phủ (thượng thư, tham tụng). Ở địa vị tột đỉnh danh vọng, kẻ dưới trông lên bề trên nhìn xuống, họ phải sống mẫu mực để làm gương cho kẻ khác và không ngừng bồi dưỡng, rèn luyện tiết tháo của nhà Nho như những gì họ đã được giáo dục.

Tuy nhiên, một khi đã chen chân vào hàng ngũ quan lại, giữa cảnh rối ren sa đọa của chế độ phong kiến và với bao nhiêu đặc quyền đặc lợi có trong tay, đa số kẻ làm quan chỉ còn thấy lợi chứ không nhận ra nghĩa vụ “vị nước”, “vị

dân” nữa.

Bảng 3.4 đã phản ánh phần nào chân dung của các vị tiến sĩ sau khi gia nhập chốn quan trường: Người thì nhận hối lộ, ăn của đút, khảo xét, cất nhắc người không đúng sự thực, tuyển bổ quan chức bừa bãi; người thì làm bậy trong

khảo hạch học trò; có kẻ lại kết bè kết đảng, a dua bênh vực cho nhau, tiêu lạm tiền công quỹ, xử án oan khiến người ta phải mổ bụng; kẻ làm quan ở ngoài trấn thì cai trị hà khắc, đòi hỏi sách nhiễu dân.

* Tiểu kết

1. Từ trong 65 khoa thi đại tỷ, vượt qua kì thi cấp cao nhất - thi Đình - kết quả là triều đình Lê - Trịnh đã tuyển chọn được 727 tiến sỹ, bổ sung 712 người (98% số tiến sĩ ) vào bộ máy quan lại lúc bấy giờ.

712 tiến sĩ ấy có mặt trên mọi lĩnh vực và giữ nhiều trọng chức trong chính quyền Lê - Trịnh, các tiến sĩ đã có nhiều tác động, ảnh hưởng đến sự chuyển biến của cục diện chính trị - xã hội thế kỷ XVII - XVIII, đó đồng thời cũng là tác động gián tiếp của thi Đình đối với bối cảnh kinh tế - xã hội đương thời vì thi Đình chính là “lò” trực tiếp sản xuất ra các sản phẩm trí thức phong kiến - tiến sĩ và chốn quan trường chính là “thị trường” để kiểm nghiệm chất lượng của các sản phẩm ấy đạt hay không đạt.

2. Mục tiêu của Nho giáo là đào tạo ra kẻ sĩ có đầy đủ các phẩm chất đạo đức: trung quân ái quốc, nhân, lễ, tín, dũng, cần, kiệm, liêm, chính và có tài “kinh bang tế thế”, giúp dân no ấm, giúp nước giàu mạnh.

Trên thực tế, một số ít các tiến sĩ đã mang những lý thuyết Nho giáo thực hành trong cuộc đời làm quan của mình dù đổi lại họ phải đón nhận nhiều thua thiệt, ấm ức. Những Trần Danh Án, Trần Công Xán, Ngô Nho, Huy Trạc tận trung với vua Lê, một Lý Trận Quán nguyện chết vì chúa; những Bùi Sĩ Tiêm, Bùi Huy Bích, Nguyễn Bá Lân khuyên chúa phải giữ lấy đạo làm tôi trước vua. Có người làm quan đến chức thượng thư, tham tụng như Nguyễn Đăng Cảo, Nguyễn Viết Thứ, Nguyễn Quốc Trinh, Nguyễn Công Thái… vẫn giữ lòng mình ngay thẳng, thanh bạch, trong triều dám nói thẳng, không kiêng nể, sợ hãi. Có người như Bùi Sĩ Tiêm, Ngô Thì Nhậm, Ngô Thì Sĩ, Lê Trọng Thứ, Lê Quý Đôn… thông cảm với nỗi khổ của nhân dân, bất bình với sự nhiễu nhương của thời cuộc mỗi ngày một nghiêm trọng ở thế kỷ XVIII đã liên tiếp dâng khải phản ánh tình tệ ở các bộ, các xứ và đề xuất những suy nghĩ, những chính sách nhằm giảm nhẹ đến một mức nào đó sự bóc lột, áp bức đối với nhân dân nhưng hầu hết không được thi hành.

Học giỏi, đỗ cao, bước lên bậc thang danh vọng, số đông các tiến sĩ - những người trí thức trong xã hội phong kiến, đã tiếp thu sâu sắc giáo lý của Tứ thư, Ngũ kinh dần dần đi vào cuộc sống vị kỷ.

Đối với vua chúa, đạo đức của họ là trung thành mù quáng. Song chữ “trung” cho đến lúc này đã không còn mang đầy đủ ý nghĩa như trước. Họ trung thành vì quyền lợi của họ gắn bó chặt chẽ với tập đoàn thống trị Lê - Trịnh và chỉ trung khi có quyền lợi. Vì vậy ở thế kỷ XVII - XVIII, thay vì trung với vua, kẻ sĩ lại trung với chúa bởi chúa mới là người có thực quyền, bổng lộc từ chúa mà ra. Rồi đến lúc chúa gặp nạn thì xung quanh không còn được mấy người tận trung theo phò tá. Đứng vào hàng ngũ quan lại, các tiến sĩ bắt đầu đi vào con đường cậy cục, cầu cạnh, xu nịnh bề trên, tham ô, hoạch họe, vơ vét dân lành. Phẩm chất, cốt cách kẻ sĩ của họ dần bị biến chất, mục ruỗng.

Tính chất hình thức của học tập và thi cử thời Lê - Trịnh đã đẻ ra nhiều quan lại bất tài vô tướng, cai trị yếu kém khiến cho cuộc sống dân nghèo lao đao, khốn khó và đàn áp trừng phạt nếu ai có ý định phản kháng, chống đối.

Đối với việc quốc gia, họ thường tỏ ra bất lực, cứ bám lấy câu chữ thánh hiền mà ít có suy nghĩ sáng tạo. Trước bao nhiêu tệ nạn trong xã hội, đa số các quan - tiến sĩ cũng giống đám quan lại đương thời đều thực hiện phương châm “mũ ni che tai”, phận ai nấy lo, mạnh ai nấy làm.

3. So với các thời trước và sau Lê - Trịnh, con số 727 tiến sĩ là một con số khá lớn, vậy mà triều Lê - Trịnh vẫn không thể hưng thịnh, trái lại ngày càng tụt dốc. Đó là do “hiền tài” ở thời kỳ này mạnh về số lượng những yếu về chất lượng. Hầu hết các sản phẩm của Đình thí nói riêng và cả nền giáo dục thi cử phong kiến nói chung đều bị “lỗi” không phát huy được tác dụng. Các tiến sĩ khi ra làm quan đa số hành xử theo thời thế mà không theo học thuyết Nho giáo. Vậy cũng có nghĩa kì thi Đình đã không đem lại hiệu quả, không thực hiện được vai trò là kì thi cấp nhất chọn lọc ra những nhân tài cho đất nước.

KẾT LUẬN

1. Ngay từ thời Lý, năm 1052, đã xuất hiện kì Điện thí do nhà nước tổ chức và nhà vua trực tiếp ngự ra hiên đặt câu hỏi thi cho các sĩ tử trong cả nước về tụ tập ở sân điện. Dần dần trải qua các triều Trần, Hồ, Lê sơ, thi Đình không còn tồn tại như một khoa thi riêng rẽ mà trở thành cấp thi tối cao trong hệ thống ba cấp thi: Hương - Hội - Đình thuộc khoa thi tiến sĩ. Đặc biệt dưới thời Lê sơ, thi Đình đã hoàn chỉnh về quy chế, phép thi, bộ phận coi thi, chấm thi và đầy đủ, long trọng về mặt ân điển. Nhờ vậy, thi Đình đã làm tròn chức năng là cấp thi cuối cùng và cao nhất kiểm định lần cuối chất lượng của sĩ tử trước khi đưa họ gia nhập vào bộ máy quan trường.

Đến thế kỷ XVII - XVIII, những thay đổi của thời cuộc đã đặt thi Đình vào một trường thử thách mới.

2. Sự thắng thế của chúa Trịnh đã mở ra một cục diện chưa từng có trong lịch sử Việt Nam: Chúa nắm thực quyền, Vua giữ hư vị. Thể chế vua Lê - chúa Trịnh với sự yếu thế của vua Lê và sự áp chế, lộng hành của chúa Trịnh chi phối mọi hoạt động, cách cư xử, động thái của các quan lại. Mặt khác, tương ứng với thể chế đó là hai hệ thống quan lại tồn tại song song tạo nên một cơ cấu chính quyền cồng kềnh, đồ sộ.

Sự hưng khởi của nền kinh tế hàng hóa ở thế kỷ XVII - XVIII làm phát triển tính tư hữu cá nhân, hình thành tính tự tư tự lợi. Hệ thống tư tưởng, đạo đức xã hội theo tinh thần Nho giáo chịu sự tác động của kinh tế hàng hóa làm thay đổi một số chuẩn mực, quy tắc mà có thời tưởng chừng như bền chặt không gì lay chuyển được.

Những nhân tố mới xuất hiện trong trường chính trị, kinh tế - xã hội thế kỷ XVII - XVIII đã tác động liên tục đến kì thi Đình làm nảy sinh một số vấn đề đòi hỏi thi Đình phải đáp ứng để có thể tiếp tục giữ vai trò một kì thi ở cấp cao nhất trong khoa thi tiến sĩ. Đó là:

- Thi Đình phải được tiến hành nghiêm túc, cẩn mật, kiểm tra, giám sát chặt chẽ nhằm ngăn chặn mọi mưu gian để những người đỗ kì thi Đình đều là người có thực lực.

- Thi Đình phải được tổ chức thường xuyên nhằm cung ứng đầy đủ, kịp thời cho bộ máy quan liêu ngày càng phình to.

- Thi Đình phải chọn ra được những kẻ sĩ có lòng trung thành với vua Lê, tận tâm tận lực phò tá nhà vua phục dựng lại quyền lực thực sự, đưa chúa về đúng cương vị của kẻ bề tôi.

- Thi Đình phải chọn ra được những người tài giỏi, có đạo đức để thanh lọc đội ngũ quan lại, là chỗ dựa vững chắc cho triều đình, bảo vệ cuộc sống ấm no cho dân, phát triển đất nước.

3. Trong bối cảnh của thế kỷ XVII - XVIII, các vua Lê, chúa Trịnh đã tổ chức thường xuyên, liên tục các kì thi Đình nói riêng và các khoa thi tiến sĩ nói chung. Thông thường thi Đình sau thi Hội khoảng 1, 2 tháng, ai đỗ thi Hội thì vào tham dự thi Đình. So với thời Lê sơ, số lượng người lấy đỗ thời Lê - Trịnh ít hơn, do vậy các sĩ tử phải tranh đua quyết liệt với nhau.

Thi Đình là một kì thi độc lập và hoàn toàn tách khỏi thi Hội, có thời gian thi, địa điểm thi riêng, có đầy đủ các bộ phận coi thi, chấm thi, bảo vệ. Học tập các thời trước, nhất là thời Lê sơ, thi Đình thời Lê - Trịnh vẫn giữ nguyên phép thi (thi một bài văn sách), bộ phận quan coi thi, chấm thi (gồm vua, đề điệu, giám thí, tri cống cử, độc quyển) nhưng đại để, trên hầu hết các mặt ít nhiều đều có sự thay đổi khác trước do tác động của trường kinh tế - xã hội mà nó đang hiện tồn. Ảnh hưởng của chế độ chính trị - xã hội đến cách ứng xử của con người, đến giáo dục làm nảy sinh nhiều dạng tiêu cực trong thi Hương, thi Hội đã lây lan đến tận kì thi Đình.

So với các triều đại trước, ân điển của triều đình Lê - Trịnh giành cho những người đỗ tiến sĩ có phần cao hơn, trọng hậu hơn, thậm chí hơn cả thời Lê sơ - vốn được coi là đã đủ đầy về mặt ân điển. Mục đích của vua Lê - chúa Trịnh cũng là nhằm thể hiện ân đức của triều đình, sự coi trọng của nhà nước đối với nhân tài của đất nước, mặt khác có ý dùng chính sách đãi ngộ hậu hĩnh để thu hút người tài khắp nơi trên đất nước về phục vụ cho triều đình, cho đất nước. Tổng cộng chính quyền Lê - Trịnh đã tổ chức 65 kì thi Đình nói riêng và 65

khoa thi tiến sĩ nói chung, “tinh tuyển” được 727 tiến sĩ, trong đó có 712 người gia nhập vào bộ máy quan trường.

4. Thực tế, toàn bộ trường chính trị, kinh tế - xã hội thế kỷ XVII - XVIII đã mâu thuẫn với hệ tư tưởng Nho giáo: Vận mệnh của ngôi Vua do Chúa nắm giữ, nông dân nổi dậy như ong, đạo thống không được tôn trọng, kỷ cương phép tắc luân thường đảo lộn… Để ổn định trật tự xã hội thì con đường hiệu quả nhất đối với nhà Nho là ra làm quan.

Trong những tiến sĩ ra làm quan thời Lê - Trịnh thỉnh thoảng vẫn xuất hiện các bậc trung thần, tiết nghĩa; các bậc hiền lương, liêm khiết, chính trực; các bậc hiền tài luôn ôm ấp hoài bão trị nước an dân, ổn định xã hội, chấn hưng đất nước. Song chính tình trạng vua giữ hư vị, chúa giữ thực quyền đã làm cho các quan - tiến sĩ lúng túng, thụ động không biết nên hành xử ra sao. Quyền cao chức trọng nhưng chẳng mấy ai thực hành được đạo “trung quân”. Dường như tất cả đều quan niệm thông qua việc thờ chúa để thờ vua và xem điều bất thường có một không hai trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam ấy là điều bình thường, hiển nhiên.

Chẳng lo lắng đến sự đổi thay của thế đạo chỉ lo sống theo thời thế, đa phần các tiến sĩ một khi đã bước chân vào hàng ngũ quan lại đã không còn biết rèn giũa, trau dồi phẩm hạnh, tư cách của kẻ sĩ làm quan. Quan lại là trụ cột của triều đình, một khi hệ thống cột đỡ bị hư hỏng, mục nát thì chính quyền đó sẽ nhanh chóng bị sụp đổ và thực tế là chính quyền Lê - Trịnh đã bị chôn vùi trong cơn bão táp của phong trào nông dân khởi nghĩa Tây Sơn.

Một phần của tài liệu Về các kỳ thi Đình thế kỷ XVII - XVIII. (Trang 32 - 39)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(39 trang)
w