Những kiến nghị, đề xuất 1 Về chính trị xã hộ

Một phần của tài liệu Về các kỳ thi Đình thế kỷ XVII - XVIII. (Trang 26 - 30)

3.3.1.1. Về chính trị - xã hội

3.3.1.1.1. Khôi phục thực quyền cho vua Lê

Ở thời Lê - Trịnh, mối quan hệ giữa Vua - Chúa là vấn đề tế nhị không ai dám đả động, ngay cả các quan nhất phẩm hay nhị phẩm, đứng đầu triều vua hay phủ chúa. Mãi đến năm 1731 mới có được một quan ngũ phẩm trong số 729 tiến sĩ là Tự khanh Bùi Sĩ Tiêm dám dâng khải chất vấn chúa Trịnh về sự kiện nhường ngôi năm Kỷ Dậu (1729) và ông đề nghị nhà Chúa “gắng tôn phò (nhà

vua) để tiêu tan biến dị”. Lời khải thẳng thắn của Bùi Sĩ Tiêm đã động chạm trực

tiếp đến chúa Trịnh làm Trịnh Giang nổi giận, cách chức ông đuổi về quê. Năm 1782, nhân khi Trịnh Sâm hạ lệnh cho phủ liêu nói thẳng những điều thiếu sót lầm lỗi, một tờ khải khác của Bồi tụng Bùi Huy Bích được dâng lên xin chúa hãy giữ đạo làm tôi nhưng lời lẽ và ý tứ kín đáo hơn.

Ngoài ra, cũng có những tờ khải khuyên can nhà chúa dẹp bớt những việc làm xa xỉ để khoan sức cho dân, phải cảnh tỉnh bọn xu nịnh và mở rộng đường

ngôn luận mới thu hút được hiền tài và ngõ hầu giải quyết được tình trạng suy thoái trầm trọng của đất nước…, như các tờ khải của Lê Phú Thứ.

3.3.1.1.2. Bộ máy quan lại

Là người trực tiếp tham gia vận hành guồng máy chính quyền đồng thời có học thức, các “quan - tiến sĩ” hơn ai hết là những người nhận thức rõ rệt nhất quan lại là một trong những nguyên nhân làm dân khổ cực, điêu đứng. Từ đó, họ đề xuất một số giải pháp nhằm triệt bỏ hoàn toàn tình trạng trên:

- Giảm bớt quan lại, viên chức thừa để giảm bớt sự phiền nhiễu cho dân. - Thanh trừ, trừng trị những viên qian tham ô, đục khoét dân.

- Phải điều tra kỹ các quan lại để biết người ngay, kẻ gian. 3.3.1.1.3. Pháp luật

Đến thế kỷ XVII - XVIII, pháp luật do giai cấp thống trị đặt ra lại bị chính những người trong giai cấp ấy vi phạm nghiêm trọng và trắng trợn. Ở điều thứ 8 trong tờ khải dâng chúa Trịnh, Bùi Sĩ Tiêm kiến nghị một vài giải pháp để pháp luật lấy lại được sự nghiêm minh vốn có của nó: Dựa vào sự công bằng, trong sạch trong xử kiện để chia quan lại làm ba bậc định thưởng, phạt; quy định thể lệ xử kiện phải theo thứ tự không được vượt bậc; nghiêm phạt những kẻ gửi gắm, đi kiện thay người khác, kẻ vu cáo, thêu dệt đơn kiện và người liên tục khiếu nại…

Đề nghị của Sĩ Tiêm không được chấp thuận và pháp luật vẫn mất dần hiệu lực để rồi đến năm 1764, một viên quan khác là Lê Quý Đôn đã dâng sớ lên chúa Trịnh “xin thiết định pháp chế”, chủ trương kết hợp đức trị và nặng về pháp trị để “nắm vững quốc gia”, “thúc ước nhân tâm và chế ngự thế biến”. Cũng giống như tờ khải của Bùi Sĩ Tiêm, tờ sớ của Lê Quý Đôn không được phê chuẩn để thi hành.

3.3.1.1.4. Quân đội, an ninh - quốc phòng

Để chấn chỉnh lại quân đội, xây dựng binh lực phú cường, rất nhiều kế sách được trình lên cho vua Lê chúa Trịnh xem xét. Tuy nhiên, đề cập cụ thể đến tình hình quân đội và đề xuất nhiều biện pháp chi tiết hơn cả phải nói đến tờ khải của Bùi Sĩ Tiêm. Ông cho rằng cần cẩn thận về chính lệnh để tướng tá

nghiêm túc; giảm số người hầu hạ trong dinh quan, cấm gây phiền nhiễu tư gia về phú dịch; chấm dứt ngay tệ quân lính uống rượu, đánh bạc; cấm các nha ăn của đút lót, hoặc phạt tiền, đánh đập lính; …

Vào cuối thời Lê - Trịnh, vấn đề an ninh - quốc phòng ngày càng nổi cộm, trộm cướp hoành hành khắp các thôn xóm, quân triều đình nhiều lần đi tiễu trừ mà vẫn không dẹp yên. Trong Bài sách ngăn chặn trộm cướp, Ngô Thì Sĩ yêu cầu: “Nên xét nguồn gốc tại sao chúng đã đi đến chỗ làm càn và mở cho chúng

một con đường sống”, “làm thế nào để cho dân được phong túc, vui việc nông tang, làm thế nào để cho tài hóa lưu thông, không đến nỗi dân phải cùng quẫn”

nhưng cụ thể làm thế nào không thấy ông trình bày rõ.

Đối với người nước ngoài sinh sống ở Đàng Ngoài, nhất là người Trung Quốc, Bùi Sĩ Tiêm đề nghị: Quy định khu vực cư trú, buôn bán cho người nước ngoài; người ngoại quốc không có hộ tịch 3 đời ở địa phương thì không được không được lưu trú, địa phương nào dung túng thì xã trưởng bị xử trảm; các quan ở ba trấn Tuyên, Lạng, Cao cần phải tuần phòng nghiêm ngặt ở khu vực giáp giới với Thái Nguyên…

Ngô Thì Nhậm, trong Khải khu xử việc mỏ bạc Tống Tinh cho rằng không nhất thiết phải đuổi người Khách về chỉ sử dụng độc nhất người bản địa khai thác mỏ mà cần có sự phân biệt đám người Khách. Muốn khống chế bọn Khách ác ôn có thể dùng kế dùng người Khách đánh người Khách, gây chia rẽ làm cho trong nội bộ chúng sát hại lẫn nhau, sau đó quan bản trấn đưa quân đến phô trương thanh thế, chiêu tập những người đã quy thuận.

3.3.1.2. Về kinh tế

Việt Nam vốn là một nước nông nghiệp, vì vậy những đề nghị sửa đổi trong kinh tế chủ yếu và trước hết là về kinh tế nông nghiệp, bao gồm hai vấn đề: dân đinh và ruộng đất.

Để giải quyết thực trạng phiêu tán, lưu vong, chính sách chiêu dụ lưu dân khẩn hoang mở đồn điền được các nhà trí thức phong kiến chọn lựa như một giải pháp mang tính khả thi nhất. Lê Quý Đôn, Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm đều có sớ xin chúa Trịnh cho thi hành giải pháp này. Sau khi trình bày 5 điều lợi của việc

tổ chức đồn điền, Lê Quý Đôn chỉ rõ các bước tiến hành lập đồn điền như sau: 1. Sai quan; 2. Khám thực; 3. Chia đồn; 4. Phát ruộng; 5. Cấp vốn; 6. Phát nông cụ; 7. Định ngạch thuế.

Ngô Thì Sĩ thì xin chúa Trịnh gấp rút thực hiện 5 việc: Việc thứ nhất: Uỷ cho viên quan coi việc chiêu tập điều tra sự thực xem khế ước mua bán ruộng là thật hay giả, tiền tô có nộp hay không. Việc thứ hai: Tra lại sổ “trai đường” cũ xem xã nào có ruộng cấp cho công thần sức cho họ người công thần đưa giấy má ra trình xem cấp lâu hay mới. Việc thứ ba: Khám đạc lại đất núi đồi, thung lũng gần đây bị bán, chiếm làm của tư để đánh thuế như lệ châu thổ. Việc thứ tư: Đối với dân nghèo lưu tán, nên theo phép chiêu tập trong năm Bảo Thái thứ 10. Việc thứ năm: Giao việc chiêu tập dân lưu tán hai trấn Thanh- Nghệ cho viên đầu trấn, ba năm một lần xét công, tuỳ số dân phục hồi sớm hay muộn mà định sự thăng giáng.

Ngô Thì Nhậm cũng có một số bản điều trần nhằm chấm dứt nạn dân lưu vong, trong đó có những ý kiến rất đáng lưu ý: Xứ nào có ruộng hoang thông báo cho những dân giàu có bỏ các dụng cụ và giúp tiền vốn sẽ được trao chức tước phẩm hàm; triệu tập dân đói, cấp lương ăn khiến họ cày cấy, được bao nhiêu một nửa quy về ngạch ruộng công còn một nửa quy về ngạch ruộng tư, sau ba năm thành điền mới thu thuế ...

Còn Tự khanh Bùi Sĩ Tiêm lại đưa ra những biện pháp khác nhằm đem lại ruộng đất cho mọi người dân. Theo ông, triều đình cần cho thi hành chính sách “trợ canh công điền” đối với ruộng công và “trợ canh tư điền” đối với ruộng tư, cấm ngặt việc mua bán công điền để trừ các tệ kiêm tinh; chọn xã trưởng tốt nói rõ điều lệ nghiêm cấm, định lệ thưởng phạt để tắt quấy nhiễu; giảm thuế tô, thuế điệu...

3.3.1.3. Về giáo dục

Chủ trương chung của các bậc trí thức đương thời là phải thay đổi chương trình khoa cử để đào tạo nhân tài, khôi phục văn thể đời Hồng Đức, học và thi phải nhằm vào những vấn đề thiết thực của xã hội, tránh tuyển chọn nhân tài bằng lối thi khuôn sáo câu nệ vào sách vở. Cụ thể:

Theo Bùi Sĩ Tiêm, cần “tôn sùng cái học chính thống, chấn hưng phong

thái nhà nho, khôi phục lối văn hồn hậu đời Hồng Đức, thay đổi thói viết chi ly thời trung cổ”. Cấm học các sách của hậu nho như Ngốc trai, Đề cương, Tứ đạo.

Đề văn sách nên giảm bớt điều mục, ra những đề thi có tính thiết thực.

Ngô Thì Sĩ thì đề nghị chọn viên quan có sức học rộng làm học quan; xét siêng lười nhanh chậm mà định cách thưởng phạt học quan, xét văn chương tinh hay tạp mà phân biệt sĩ tử.

Còn theo Ngô Thì Nhậm thì: Dạy học trò phải dạy cả văn chương lẫn đức hạnh, trong quá trình học nên biểu dương những người có đức hạnh tốt, truất bỏ kẻ kiêu bạc; nghiêm phép thi cử; chỉnh đốn trường học, cải chính về văn bài và phân biệt mũ áo…

Những đề xuất, kiến nghị của một số vị quan- tiến sĩ như đã trình bày, dù tiến bộ song chưa thể coi là những đề nghị mang tính cải cách. Đọc các tờ khải, tờ sớ, các bản điều trần, chúng ta dễ dàng nhận ra hầu hết biện pháp đưa ra nhằm sửa đổi các mối tệ đương thời đều không có gì mới mẻ mà thực ra là sự “phục cổ”, noi theo việc làm của những thời vua thịnh trị trước đây ở Việt Nam và

Trung Quốc, chỉ có tác dụng cứu vãn phần nào tình trạng nhiễu nhương bấy giờ.

Một phần của tài liệu Về các kỳ thi Đình thế kỷ XVII - XVIII. (Trang 26 - 30)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(39 trang)
w