Từ thị trấn Tĩnh Gia (nằm trên Quốc lộ 1A) bạn có thể đi một giờ “xe ôm” hoặc xe đò ra tận xã đảo Nghi Sơn mà trên bản đồ địa lý Việt Nam ghi là cù lao Bãi Biện hay Biện Sơn. Hòn đảo này như một cánh tay khổng lồ chìa ra biển, ôm gọn trong lòng nó một vụng nước với độ sâu thích hợp làm nơi cho tàu thuyền ẩn náu mỗi khi bão gió. Nghi Sơn cách Sầm Sơn 40km đường biển, cùng nằm trên một vỹ độ nhưng khí hậu mùa hè trong lành mát mẻ hơn nhiều. Có thể bạn vừa trải qua một chặng đường xe cộ vất vả nhưng đến Nghi Sơn, đứng trên đỉnh đảo có độ cao trên 100 mét so với mặt nước biển, bạn sẽ thấy những giọt nước li ti như màn sương mỏng đang phả vào mơn man da thịt, gây ra cảm giác sảng khoái.
ở Nghi Sơn, bạn có thể lên núi Ngọc, thăm khu thành cổ như thành Đồn, thành Hươu, thành Ngọc. Trong khu thành cổ này, người ta đã phát hiện ra những mũi tên đồng, những mảnh gốm vỡ có tuổi thọ từ rất xưa. Dưới chân núi Ngọc, hãy còn giếng Ngọc, ghi dấu ấn một thiên bi tình sử thời Âu Lạc. Tương truyền khi An Dương Vương cùng con gái bị Triệu Đà đuổi đến đây, được thần Kim Quy hiện lên mách bảo, ông đã quay lại chém Mỵ Châu rồi rẽ nước đi ra biển. Trọng Thuỷ đến giếng Ngọc biết rõ sự tình, bèn nhảy xuống giếng tự tử. Máu Mỵ Châu hoà vào nước biển, trai biển nào ăn được biến thành ngọc trai. Ngọc trai mò được ở vùng biển này, chỉ có rửa nước giếng Ngọc mới trong sáng. Thành Ngọc vẫn còn lại vòm cổng và hai khẩu súng thần công đặt ở đây từ vương triều Nguyễn do một viên chánh lãnh binh và một toán lính tráng trông coi.
Ngoài ra, ở đây còn có đền thờ Trần Quý Phi (còn gọi đền Vua Bà hay đền Rắn). Trần Quý Phi là vợ Long Vương. Bà là nhân thần, bảo hộ, che chở cho ngư dân trên cù lao Bãi Biện vượt sống gió trùng khơi, mang về những khoang cá đầy, tạo dựng cuộc sống bình yên giữa mênh mang trời biển luôn luôn ẩn chứa những tai hoạ. Năm 1789, Nguyễn Huệ lấy Biện Sơn làm căn cứ hải quân hợp cùng các đạo quân trên bộ thần tốc kéo ra Thăng long. Lúc cất quân nhà Vua đã đến đền thờ Trần Quý Phi khẩn cầu mong được phù hộ. Đại thắng quân Thanh, nhà vua đã quay lại tạ thần. Hoàng đế Khải Định sắc phong bà làm Thượng đẳng thần tối linh. Ngày 22 tháng 4 âm lịch hàng năm, nhân dân trong vùng tổ chức lễ hội để tưởng nhớ công lao Trần Quý Phi.
Lần theo dấu vết những hiện vật đào được, người ta xác định từ thời Lý trên đảo Nghi Sơn đã có người đến sinh cơ lập nghiệp. Ngót một nghìn năm, người dân đảo muốn vào đất liền phải đi thuyền vài giờ. Năm 1937, một viên quan dòng dõi nhà Nguyễn là Tôn Thất Cơ bị vua Bảo Đại giáng chức
đày đến Nghi Sơn. Ông đã dạy dân cắt tóc ngắn, học chữ quốc ngữ, xây giếng nước ăn. Năm 1939, ông đã cùng dân mở đường mòn qua núi vào đất liền. Con đường ấy ngày nay đã được mở rộng thành đường ô tô. Ông Tôn Thất Cơ chết trên đảo trong sự thương tiếc, quý trọng của nhân dân. Đền thờ và mộ chí ông vẫn được chăm nom hương khói và bảo quản chu đáo.
Từ xa xưa, dân Nghi Sơn chỉ có độc nhất một nghề: đánh cá và chế biến hải sản. ở đây, ai sinh nhiều con trai là có phúc. Con trai 12, 13 tuổi có thể theo cha ra biển làm “chân sào” quăng chài kéo lưới. Vài ba bố con có thể sắm một bộ đồ nghề đi làm với nhau. Người không có con trai, tuổi già vẫn phải “đi ghép” với thuyền khác. Tay nghề có giỏi, anh vẫn là “chân sào” chịu sự chỉ huy của một “ông chủ”. Đàn ông ra biển đánh vật với sóng nước, đàn bà phải sinh nghề từ con cá để có việc làm ăn. Người chế biến hải sản, người khâu vá chài lưới. Cá khô, cá nướng, mắm chượp, nước mắm … của xã đảo Nghi Sơn theo đường biển trẩy đi Hà Nội, Hải Phòng …
Buổi đầu, nhiều thuyền buôn nước ngoài đã cập đảo Nghi Sơn như một chặng dừng chân. Chẳng bao lâu, đảo đã thành thương cảng.
Nghi Sơn chẳng khác nào "đảo sao” với nghìn con mắt nhấp nháy mỗi khi đêm về. Là du khách, chắc bạn sẽ thích thú khi ngồi trên sạp thuyền neo trong vụng đảo hứng gió biển uống rượu “quốc lủi” lai rai với mực khô, cá khô nướng trên bếp than hồng. ở đây còn có các loại đặc sản như: tôm hùm, hải sâm, ngọc trai, các loại ngao, sò, ốc biển, san hô… Nếu bạn muốn, một người dân chài thực thụ nào đó có thể bắt lên mấy con cá còn tươi sống nguyên thái mỏng ướp gia vị tạo ra món “gỏi” chấm với một loại “chẻo” cặp rau thơm mà uống rượu thì thật tuyệt: Miếng đầu tiên bạn có thể ngại, nhưng khi đã quen, bạn có thể ăn hết cả kg cá. Cá sống mà ăn vào chỉ thấy có vị ngòn ngọt man mát. Nếu bạn đến đảo đúng tuần trăng, buổi tối ngắm trăng lên, chẳng thể quên được cảnh đẹp huyền ảo thiên nhiên ban cho con người.
Từ Nghi Sơn kéo sang Hải Thượng là những bãi cát chạy dài, mịn màng như dải lụa, sánh ngang những bãi tắm nổi tiếng ở Đồ Sơn, Sầm Sơn, Bãi Cháy… Vô số những hòn đá to nhỏ được nước biển cọ rửa, phẳng lì như mặt ghế, chào mời du khách nghỉ ngơi sau khi ngụp lặn thoả thích cùng sóng biển.