GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ
1. Nguyên nhân của tội " Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ ": phương tiện giao thông đường bộ ":
Trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm,việc tìm hiểu, xác định những nguyên nhân dẫn đến tội phạm có ý nghĩa rất quan trọng. Nó không chỉ giúp các cơ quan chức năng trong việc điều tra, xét xử tội phạm mà còn có ý nghĩa to lớn trong việc giúp các cơ quan thẩm quyền trong việc tìm ra được những giải pháp hợp lý, kịp thời để hạn chế, ngăn chặn tội phạm phát triển. Đối với tội " Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ " trên cả nước nói chung và trên địa bàn huyện Lệ Thủy nói riêng, qua quá trình tìm hiểu, nghiên cứu, có thể nêu lên được một số nguyên nhân chủ yếu sau đây:
Thứ nhất: Hòa với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của cả nước, Lệ
Thủy là địa phương đang trong quá trình chuyển mình phát triển. Dù có nhiều cố gắng trong công tác xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng cơ sở, nhưng thật sự cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động đảm bảo an toàn giao thông đường bộ vẫn còn nhiều khó khăn. Đường sá cầu cống chưa được nâng cấp đúng mức trong khi mật độ phương tiện tham gia giao thông đường bộ ngày càng tăng, tất yếu dẫn đến tình trạng trật tự an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn không được đảm bảo. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành luật của người tham gia giao thông đường bộ còn hạn chế. Người dân ít có điều kiện tiếp xúc hoặc ít được trang bị những kiến thức về luật an toàn giao thông đường, luật hình sự, luật dân sự…và những vấn đề khác liên quan đến lĩnh vực giao thông đường bộ . Trong khi đó, hoạt động tuyên truyền vận động người dân nghiêm chỉnh chấp hành luật an toàn giao thông đường bộ khi tham gia vào hoạt động giao thông dù được quan tâm nhưng vẫn chưa đồng bộ, nhiều nơi bị bỏ ngõ.
Thứ hai: Quá trình đấu tranh với những hành vi phạm tội cũng như những người vi phạm các quy định của pháp luật về điều khiển phương tiện giao thông
đường bộ của các cơ quan chức năng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Những năm qua, công tác quản lý Nhà nước về trật tự an toàn giao thông đường bộ được tăng cường, các văn bản pháp luật liên quan được ban hành và thực hiện. Nhưng trên thực tế, trong quá trình thực hiện lại thiếu những biện pháp duy trì, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các địa phương còn thiếu đồng bộ, có nơi, có lúc còn bị buông lỏng. Hiện tượng coi thường kỷ cương trật tự, vi phạm luật an toàn giao thông đường bộ trong xã hội còn mang tính phổ biến. Bên cạnh đó là những khó khăn về phương tiện kỹ thuật phục vụ cho công tác quản lý trật tự an toàn giao thông đường bộ và công tác điều tra xử lý tội phạm " Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ ". Ngoài ra còn có những khó khăn về thời hạn điều tra cũng như khó khăn về định giá tài sản thiệt hại. Công tác tổ chức thi sát hạch cấp giấy phép lái xe cũng gặp khó khăn, cả huyện chỉ có một điểm thi sát hạch trong khi nhu cầu sử dụng, điều khiển xe là rất lớn. Tính đến năm 2008 cả huyện đã có hơn 3000 xe được đăng ký tại cơ quan công an huyện.
Thứ ba: Một nguyên nhân nữa, đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng
tai nạn giao thông đường bộ và tội phạm " Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ " ngày càng tăng, đó là do ý thức chấp hành luật của người tham gia giao thông quá thấp.
Hành vi của con người trong xã hội bao giờ cũng thể hiện sự tương tác lẫn nhau giữa người đó với môi trường bên ngoài. Hành vi phạm tội là kết quả sự tác động lẫn nhau giữa nhân tố bên ngoài của hiện thực khách quan và trạng thái tâm lý bên trong con người. Đối với tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”, người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội với lỗi vô ý. Tuy nhiên, sự xâm phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ luôn gắn liền và chịu sự chi phối bởi các hoạt động có ý thức của người tham gia giao thông. Phần lớn trong các vụ tai nạn giao thông đường bộ, trước đó người điều khiển phương tiện vẫn luôn ý thức được tình trạng của mình khi tham gia giao thông, hoặc ý thức được hành vi của mình có nguy hiểm không, nhưng do chủ quan hoặc do thói quen tùy tiện nên người điều khiển phương tiện vẫn tiếp tục tham gia vào hoạt động giao thông đường bộ bất chấp hậu quả có thể xảy ra. Ý thức của người dân trong việc tự giác chấp hành luật giao thông là rất thấp. Theo thống kê cho thấy, gần 80% số vụ tai nạn giao thông đường bộ xảy ra là do sự chủ quan của người điều khiển phương tiện; 70% người điều khiển xe môtô không sử dụng phanh tay; 40% người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ không sử dụng đèn tín hiệu khi cho xe chuyển hướng (lỗi này tập trung chủ yếu ở các vùng nông thôn)…
Hiện nay mật độ xe lưu thông ngày càng lớn, số người tham gia điều khiển phương tiện giao thông đường bộ ngay càng tăng, trong đó số người chưa đủ điều
kiện điều khiển phương tiện tham gia vào hoạt đông giao thông đường bộ là không ít. Do nhu cầu đi lại và nhiều lý do khác mà người tham gia giao thông bất chấp những quy định của pháp luật, sử dụng và điều khiển phương tiện khi chưa có giấy phép lái xe theo quy định hoặc không có chút hiểu biết gì về luật an toàn giao thông đường bộ…Với tình trạng đó thì việc vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ và để xảy ra tai nạn là điều không thể tránh được.
Bên cạnh việc người dân không nắm vững luật, hoặc chưa có những kiến thức luật cần thiết khi tham gia giao thông thì một tình trạng khá phổ biến hiện nay là có nhiều người điều khiển phương tiện khi tham gia vào các hoạt động giao thông đường bộ dù đã biết các quy định của luật giao thông đường bộ nhưng vẫn bất chấp, không chấp hành và xem việc không chấp hành đó là thói quen của họ. Một vài ví dụ về những hành vi cố tình không chấp hành luật an toàn giao thông đường bộ thường gặp nhất là: Ai cũng biết, khi đi qua những giao lộ có đèn tín hiệu, nếu đèn đỏ bật lên hướng bên mình thì phải dừng lại. Tuy nhiên, có rất nhiều người trong trường hợp đó nếu quan sát thấy không có xe hoặc không có công an thì vẫn cho xe chạy. Hoặc có nhiều người lấy việc chạy xe lạng lách đánh võng, gây hoảng sợ cho những người đi đường khác là thú vui cho bản thân…Nhiều người khi tham gia hoạt động giao thông đường bộ xem việc chấp hành luật giao thông đường bộ chỉ là để đối phó với công an chứ không phải là trách nhiệm mà bản thân phải thực hiện để tự bảo vệ mình và những người xung quanh. Có thể nhận thấy một cách dễ dàng là ý thức chấp hành luật an toàn giao thông đường bộ của những người điều khiển phương tiện tham gia vào hoạt động giao thông đường bộ là còn rất thấp, và đó cũng chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tội phạm “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.
Thứ tư: Ngoài những nguyên nhân khách quan và chủ quan được nêu ở trên thì
có một nguyên nhân nữa dẫn đến tình trạng tội phạm “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” gia tăng, đó là những hạn chế trong các quy định của pháp luật về an toàn giao thông đường bộ, nhiều điều khoản trong các văn bản pháp luật hiện nay của nước ta đã thể hiện sự kém hiệu quả và lỗi thời.
Những quy định của pháp luật trong việc xử lý đối với người vi phạm luật an toàn giao thông đường bộ hoặc người phạm tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung trong xã hội.
Ví dụ: Khoản 5 Điều 13 Nghị định 152/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng12 năm 2005 của Chính phủ về quy định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông
đường bộ đối với người điều khiển phương tiện xe môtô, xe gắn máy, xe máy điện và các loại xe tương tự xe môtô như sau:
“Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển xe vi phạm một trong các hành vi sau:
a/ Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông, hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông.
b/ …. ’’
Rõ ràng hành vi vi phạm trên chứa đựng tính nguy hiểm cao, xâm hại đến trật tự an toàn giao thông đường bộ, nhưng mức phạt quy định như vậy lại quá thấp.
Hay tại Điều 202 Bộ luật Hình sự 1999 về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” cũng không quy định rõ từng hành vi cụ thể để áp dụng một khung hình phạt cụ thể mà lại quy định khung hình phạt quá rộng. Thực tế cho thấy, các vụ án liên quan đến an toàn giao thông đường bộ thường được xử phạt ở khung hình phạt thấp hoặc dưới khung hình phạt do áp dụng quá nhiều tình tiết giảm nhẹ khung hình phạt. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho người điều khiển phương tiện giao thông không nâng cao ý thức chấp hành luật an toàn giao thông đường bộ, thậm chí là xem thường các quy định của pháp luật về vấn đề đảm bảo an toàn giao thông đường bộ.
Tước giấy phép lái xe được xem là chế tài cần thiết đối với những tài xế gây tai nạn giao thông đường bộ nhưng chưa đến mức phải xử phạt hình sự. Tuy nhiên, chế tài này vẫn còn nhiều kẽ hở. Hiện nay, theo quy định, sở GTCC chỉ có quyền tước giấy phép lái xe của tài xế gây tai nạn khi phía cơ quan chưc năng thụ lý điều tra có văn bản yêu cầu. Tùy theo từng mức độ, các đơn vị đó sẽ yêu cầu tước giấy phép lái xe từ ba tháng đến vĩnh viễn. Tuy nhiên, người bị tước giấy phép lái xe ở địa phương này có thể đến địa phương khác để học và thi lại. Hoặc tài xế bị tước bằng lái do bị bấm ba lỗ thì được phép làm hồ sơ xin thi lại sau một năm.
Từ những phân tích trên cho thấy, pháp luật quy định chế tài đối với người vi phạm quy định của luật an toàn giao thông đường bộ hoặc hình phạt đối với người phạm tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” như trên là quá nhẹ, thiếu tính răn đe, phòng ngừa chung trong xã hội và không phù hợp với tình hình hiện nay.