Dân số là chủ thể quản lý xã hội nhưng cũng là đối tượng tác động trực tiếp đến tài nguyên, môi trường sống của xã hội. Muốn có những giải pháp cho vấn đề tài nguyên môi trường cần giải quyết vấn đề dân số. Những giải pháp về mối quan hệ này sẽ tạo ra các biện pháp “chữa trị” cho tài nguyên và môi trường đang bị tàn phá nghiêm trọng đặc biệt trong xu thế biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay. Phải nghiêm ngặt ứng dụng mối quan hệ dân số – tài nguyên môi trường trong sự hoạch định các chính sách về dân số cũng như các hoạt động có liên quan đến việc cải thiện các điều kiện về tài nguyên môi trường sống. Đó là nhiệm vụ của nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam – một nước nằm trong vùng ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu và sự tàn phá, hủy hoại về môi trường gắn liền với bùng nổ dân số.
Tình hình sử dụng tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường ở nước ta hiện nay đang đặt ra nhiều vấn đề bức xúc trong đó nổi bật là các vấn đề: nạn phá rừng; khai thác tài nguyên sinh học quá mức; tài nguyên đất xuống cấp; thiếu và ô nhiễm nước ngọt; ô nhiễm gia tăng; hậu quả chất độc hóa học của Mỹ trong chiến tranh để lại; dân số tăng nhanh cùng với nạn đói nghèo. Cụ thể các vấn đề đó là:
Nạn phá rừng: cũng như nhiều nước trên thế giới, rừng nước ta bị suy giảm một cách nhanh chóng. Nếu năm 1950 độ che phủ là 48 % tổng diện tích của cả nước thì đến năm 2001 giảm xuống còn 33,2 %. Nguyên nhân của tình trạng trên ngoài khai thác gỗ và các loại lâm sản còn do giải quyết nhu cầu lương thực cho số dân tăng quá nhanh đòi hỏi phải phá rừng để mở rộng diện tích đất canh tác. Diện tích rừng giảm sút, diện tích đất trống, đồi núi trọc tăng lên dẫn đến lũ lụt xảy ra nhiều hơn, ảnh hưởng đến các nguồn tài nguyên khác
như đất đai, nước ngọt, khoảng sản, nhiên liệu và nguy hiểm hơn là làm giảm đa dạng sinh học ở Việt Nam.
Ô nhiễm nguồn nước: hầu hết các xí nghiệp công nghiệp và các thành phố lớn đều được xây dựng trên bờ các con sông lớn và bờ biển, nước thải chưa được xử lý đổ trực tiếp ra các con sông, biển và tình trạng sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật một cách phổ biến tràn lan ở nông thôn đã khiến cho nguồn nước ở cả thành thị lẫn nông thôn đều bị ô nhiễm nghiêm trọng. Đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc đảm bảo và cung cấp nước sạch cho người dân trở thành một vấn đề bức xúc.
Sự tập trung và gia tăng số lượng dân cư lớn ở đô thị, tiến trình phát triển kinh tế dựa vào khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên, sự gia tăng của các khu công nghiệp ….khiến cho ô nhiễm môi trường tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh trở thành vấn đề khá nghiêm trọng. Theo dự đoán của Sở khoa học, công nghệ và môi trường Thành phố Hà Nội năm 2005 sẽ có hơn 850 nghìn tấn rác thải, và đến năm 2020 con số này sẽ lên tới 1 triệu 600 nghìn tấn. Trong khi đó việc thi hành Luật bảo vệ môi trường chưa thực sự nghiêm minh, ở một số cơ quan, ban, ngành vấn đề môi trường chưa được coi là ưu tiên.
Ý thức tự giác của người dân về bảo vệ và giữ gìn môi trường chưa thực sự trở thành thói quen. Nhiều người còn suy nghĩ giản đơn rằng vấn đề môi trường chưa cấp bách, trước mắt như vấn đề cơm áo gạo tiền hàng ngày; bảo vệ môi trường là vấn đề chung của cả nước, cả xã hội, là trách nhiệm của Đảng và nhà nước chứ không phải trách nhiệm của người dân…Chính sự thờ ơ, thái độ vô cảm của một bộ phận người dân đối với môi trường đã tiếp tay cho việc tàn phá môi trường.
Quan điểm phát triển bền vững chưa được thực hiện nhất quán. Đầu tư mới tập trung chủ yếu cho những công trình mang lại lợi ích trực tiếp, rất ít đầu tư cho tái tạo các nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Sự tăng trưởng kinh tế chủ yếu theo chiều rộng. Bên cạnh đó, sức ép dân số và việc làm tiếp tục gia tăng. Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, mô hình tiêu dùng của dân cư tiêu tốn nhiều vật liệu năng lượng, thải ra nhiều chất thải độc hại…Hiện tượng khai thác bừa bãi và sử dụng lãng phí, bất hợp lý tài nguyên thiên nhiên gây nên ô nhiễm và suy thoái môi trường.
Xuất phát từ những thực trạng trên, Đảng và nhà nước ta luôn nhấn mạnh phát triển bền vững đi đôi với bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu vừa là nguyên tắc trong quá trình phát triển, đặc biệt tới Đại hội Đảng IX Đảng ta đã nêu thành một quan điểm phát triển hàng đầu: “Phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững,
tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường”.
Do vậy, để thực hiện thành công công cuộc phát triển bền vững đất nước, cần đảm bảo hài hòa phát triển kinh tế xã hội bền vững đi đôi với bảo vệ môi trường với các mục tiêu: tập trung xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống của người dân; tăng trưởng kinh tế bền vững, thực hiện công nghiệp hóa hiện đại hóa theo các định hướng cơ bản sau:
Trong lĩnh vực kinh tế: phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường. Lựa chọn chiến lược phát triển kinh tế hiệu quả cao, ít tốn năng lượng, thay đổi mô hình sản xuất và tiêu dùng theo hướng hòa hợp với môi trường; thực hiện quá trình “công nghiệp hóa sạch”. Chuyển hướng phát triển tiết kiệm hoặc cần ít tài nguyên hơn với các quy trình công nghệ bảo vệ môi trường thiên nhiên, đầu tư theo chiều sâu, sử dụng có hiệu quả, khai thác kết hợp với tái tạo, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường. Tránh lối phát triển theo kiểu “chụp giật”, chạy theo tăng trưởng bằng mọi giá, chỉ chú trọng lợi ích trước mắt mà không tính đến yếu tố phát triển bền vững.
Trong lĩnh vực xã hội: bảo vệ môi trường phải gắn với công tác dân số, xóa đói giảm nghèo, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Ở Việt Nam, dân số nước ta hiện nay vào khoảng 85 triệu ng mật độ dân số cao, có tới 70 % dân số sống dựa vào việc khai thác tài nguyên thiên nhiên nên gia tăng dân số trở lại trong mấy năm vừa qua dã tạo ra sức ép rất lớn đối với sự phát triển kinh tế xã hội trong đó có mục tiêu phát triển bền vững. Do vậy, cần có chiến lược ổn định dân số, thực hiện kiểm soát việc gia tăng dân số bằng cách điều chỉnh, hạn chế dân số ở mức vừa phải, hợp lý, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế xã hội. Bởi lẽ dân số ở mức phù hợp sẽ là nguồn lực quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, kích thích sự phát triển bền vững.
Mặc dù trong thời gian qua, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước đang phát triển có tốc độ giảm nghèo nhanh nhất thế giới (từ trên mức 70% vào giữa thập kỷ 80 của thế kỷ 20 xuống còn khoảng 24,3% trong những năm gần đây), có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao trong khu vực nhưng đời sống của một bộ phận người dân, nhất là các vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng, miền trong cả nước vẫn còn lớn. Với quan điểm con người là trung tâm của phát triển bền vững, cần tiếp tục tập trung thực hiện xóa đói giảm nghèo công bằng xã hội, đáp ứng nhu cầu cơ bản của cuộc sống, nâng cao mức sống và chất lượng sống của mỗi người và của cộng động, phát triển con người một cách bền vững trên cơ sở nâng cao
năng lực thể chất, trí tuệ, tinh thần, nhân cách. Tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và nghĩa vụ, tự giáo dục của người dân về ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường coi đó như bảo vệ chính cuộc sống của họ. Tổ chức vận động nhân dân tham gia các phong trào từ đó thay đổi hành vi, nếp nghĩ trong ứng xử với các vấn đề bảo vệ tài nguyên thiên nhiên môi trường. Quản lý chặt chẽ xu thế đô thị hóa, tránh hình thành một cách tự phát các siêu đô thị, làm nảy sinh các vấn đề môi trường, xã hội phức tạp.
Trong lĩnh vực môi trường: chống tình trạng thoái hóa đất, bảo vệ môi trường nước; khai thác và sử dụng hợp lý khoảng sản; bảo vệ môi trường biển… Ban hành các chế tài buộc các doanh nghiệp quy mô lớn và vừa phải thiết lập các hệ thống tự quản, giảm sát về môi trường. Ngoài ra cần xem xét để đưa vào giá thành các chi phí cần thiết cho tài nguyên và môi trường, thực hiện nguyên tắc người gây ô nhiễm và sử dụng tài nguyên phải thanh toán chi phí cơ hội cho người sử dụng tương lai. Mặt khác, chúng ta cần tăng cường đẩy mạnh sự hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường, mở rộng và xử lý thông tin về môi trường.