Chương 4 BÀN LUẬN
4.2.1. Mức tiêu thụ LTTP
Gạo, ngũ cốc:
Trung bình sinh viên năm thứ nhất trường Đại học Y Hà Nội năm 2010 tiêu thụ 376,7g/người/ngày. Nếu so sánh với kết quả tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc năm 2000 thì kết quả này tương đương so với lượng gạo của toàn dân (397,3g/người/ngày) và thành thị (337,3g/người/ngày) [6] cũng như lượng gạo tiêu thụ ở huyện Đông Anh năm 2005 của Phạm Thị Thanh Nhàn tiến hành nghiên cứu trên 6 xã của huyện (340,8g) [27], kết quả này thấp hơn so với mức tiêu thụ gạo của người dân 3 vùng sinh thái huyện Ba Vì do Nguyễn Thị Út Liên tiến hành điều tra năm 2006 là 434,7g/người/ngày [19] và so với nghiên cứu gần đây nhất là cuộc điều tra thực trạng dinh dưỡng của
người dân Việt Nam năm 2010 do Lê Thị Hợp tiến hành, cho thấy lượng gạo tiêu thụ của sinh viên nằm trong mức tiêu thụ của nhân dân ta (373g/người/ngày) [24]. Tuy nhiên mức tiêu thụ này lại không đều ở 2 giới, trong khi nhóm nam tiêu thụ lượng gạo trung bình là 454,1g/người/ngày thì lượng gạo tiêu thụ ở nhóm nữ chỉ đạt 302,7g/người/ngày (p<0,01), điều này có thể do nhóm sinh viên nữ thường quan tâm đến vấn đề vóc dáng nên đã hạn chế lượng thực phẩm tiêu thụ trong ngày trong đó có gạo.
Các loại khoai củ:
Là nhóm thực phẩm quan trọng trong khẩu phần ăn của dân ta so với năm 1985, tiêu thụ bình quân theo đầu người rất cao (68,2g), cùng với thời gian và sự phát triển của đất nước, khẩu phần ăn của người dân cũng thay đổi theo, mức tiêu thụ gạo, ngũ cốc và các loại khoai củ đang từ chỗ là thực phẩm chủ yếu trong khẩu phần ăn bắt đầu giảm xuống và thay thế vào là các nhóm thực phẩm khác giàu giá trị dinh dưỡng tăng lên. Đến năm 1990 mức tiêu thụ khoai là 37,6g/người/ngày và gần đây nhất theo tổng điều tra dinh dưỡng năm 2000 mức tiêu thụ loại thực phẩm này chỉ còn 8,9g/người/ngày [6]. So sánh với tổng điều tra dinh dưỡng 2000, bình quân mức tiêu thụ khoai củ của sinh viên năm thứ nhất trường đại học Y Hà Nội là 20,8g/người/ngày, nhóm nữ tiêu thụ nhiều hơn nam (nam: 20,2g; nữ: 21,3g) nhưng chưa thấy sự khác biệt có ý nghĩa thống kê (p>0,05). Kết quả này vẫn còn tương đối cao.
Đậu, đỗ và lạc vừng:
Theo tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc 1985 đến năm 2000, mức tiêu thụ trung bình của nhóm này là 7,9g/người/ngày không có sự thay đổi mấy trong khẩu phần người dân nói chung [6]. Trong khi đó mức tiêu thụ bình quân sinh viên năm thứ nhất trường đại học Y Hà Nội là 59,6g/người/ngày; cao hơn rất nhiều so với mức tiêu thụ toàn quốc năm 2000 cũng như nghiên cứu ở Đồng Nai năm 2003 do Phạm Quốc Hùng [27] và gần đây là nghiên
cứu ở Đông Anh do Nguyễn Thị Út Liên nghiên cứu 2006 (chỉ 3,8g). Mức tiêu thụ này ở nhóm sinh viên nam (53,4g/người/ngày) thấp hơn mức tiêu thụ của sinh viên nữ (65,5g/người/ngày) với p<0,05 nhưng với mức tiêu thụ cao như vậy trong khẩu phần là rất có lợi cho sức khỏe vì trong nhóm thực phẩm này có chứa lượng protein thực vật rất cao (đậu tương chứa 36,8% theo Norton và al 1978 [23] và 34% theo bảng thành phần thực phẩm Việt Nam [7]), đậu phụ còn là nguồn thực phẩm làm giảm cholesterol trong máu, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã khuyến nghị nên dùng tối thiểu 25g protein từ đậu tương để làm giảm các nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị nên sử dụng 30g đậu đỗ các loại để dự phòng bệnh mạch vành và một số bệnh ung thư [14].
Rau và các loại quả chín:
Mức tiêu thụ rau bình quân sinh viên năm thứ nhất trường Đại học Y Hà Nội là 218,7g/người/ngày, không có sự khác biệt ở nhóm sinh viên nam và sinh viên nữ (nam: 227,2 ± 158,0g; nữ: 210,5 ± 164,6g, với p>0,05). Mức tiêu thụ này cao hơn tổng lượng rau (rau ăn thân, lá, hoa và ăn củ, quả ) của toàn quốc năm 2000 (147,02g; 31,59g) [6] và năm 2010 (190g/người/ngày) [24]. So với khuyến nghị của WHO (trên 400g/người/ngày) [8], cũng như “10 lời khuyên dinh dưỡng cho người Việt Nam giai đoạn 2001 – 2005’’ [26] khuyến khích nên ăn trên 300g rau/người/ngày, như vậy mức tiêu thụ rau của sinh viên là chưa đủ. Lý do làm giảm tiêu thụ rau xanh của sinh viên ở đây có thể là: đối với khối sinh viên ở nội trú, ăn uống được thực hiện phần lớn tại các quán cơm trong khu vực của trường, chất lượng vệ sinh chế biến thực phẩm nói chung và đặc biệt với rau là rất kém, thêm vào nữa là lỗi lo các hóa chất bảo vệ thực vật đã làm cho không chỉ nhóm sinh viên ở nội trú mà toàn bộ sinh viên, đặc biệt là nhóm sinh viên nữ tiêu thụ rau ít đi.
Mức tiêu thụ của nhóm quả chín trung bình của sinh viên là 55,1 ± 133,8 g/người/ngày (nam: 50; nữ: 52,2g; p>0,05) thấp hơn so với mức tiêu thụ toàn dân
năm 2000 (62,36g), nghiên cứu của Thanh Nhàn năm 2005 (79g) [26] và nghiên cứu của Lê Thị Hợp năm 2010 (60g/người/ngày) [24].
Như vậy mức tiêu thụ quả chín của sinh viên hiện nay còn thấp, điều này hạn chế phần nào nguồn lương thực thực phẩm cung cấp các vitamin và chất khoáng trong khẩu phần của sinh viên.
Lượng dầu mỡ và đường ngọt:
Tiêu thụ bình quân sinh viên là 32,6g/người/ngày cao gấp >4 lần mức tiêu thụ của toàn dân và vùng thành thị năm 2000 (6,77 và 8,57g) [6] cũng như điều tra năm 2010 (8,3g) [24]. Điều này chứng tỏ các món ăn trong khẩu phần của sinh viên được chế biến chủ yếu bằng xào và rán.
Đường ngọt, bánh kẹo trong khẩu phần ăn của sinh viên được tiêu thụ ít nhất, bình quân đầu người tiêu thụ 4,9g/người/ngày,nữ tiêu thụ nhiều hơn nam (nữ 6,1 ± 18,0 g/người/ngày; nam 3,7 ± 13,6 g/người/ngày, với p<0,05), so với mức tiêu thụ năm 2000 của toàn dân (7,8g) và vùng thành thị (9,23g) mức tiêu thụ này là rất thấp, có thể là do sinh viên năm thứ nhất ít có thói quen ăn quà vặt.
Lượng thực phẩm có nguồn gốc động vật như các loại thịt, cá, trứng, sữa:
Lượng thịt được tiêu thụ trung bình là 95,2g/người/ngày, nhóm sinh viên nam tiêu thụ 114g/người/ngày cao hơn nhóm nữ: 76,8g/người/ngày (p<0,001). Kết quả này so với mức tiêu thụ của toàn quốc (51,03g) năm 2000 [6], năm 2010 là 84g/người/ngày [24] là cao hơn. Tuy nhiên lượng cá và hải sản tiêu thụ của sinh viên lại thấp, trung bình là 39,9g thấp hơn so với mức tiêu thụ của toàn quốc (45,59g) 2000 và năm 2010 (59,8g). Thực phẩm trứng và sữa cũng được tiêu thụ khá cao trong khẩu phần (23,5 g và 32g) cao hơn hẳn mức tiêu thụ trứng/sữa của toàn quốc năm 2000 là 10,28g, tương đương với mức tiêu thụ của thành thị năm 2000 là 25,5g và của người dân năm 2010 (32,3g).