Trong lá của loài Bời lời vòng (L. verticillata), hàm lượng tinh dầu đạt 0,2% trọng lượng tươi với 54 hợp chất được xác định, chiếm 95,0% tổng lượng tinh dầu. Các thành phần chính của tinh dầu là α-pinen
(26,1%), linalool (23,4%) và β-pinen (11,7%). Kết quả nghiên cứu là những dẫn liệu đầu tiên về hóa học tinh dầu của loài này ở Việt Nam.
Tổng hợp kết quả nghiên cứu 17 mẫu của 10 loài thuộc chi Bời lời (Litsea), hàm lượng tinh dầu biến động từ 0,1-2,0% tùy vào từng loài và từng bộ phận khác nhau trong cùng một loài và ở các loài khác nhau. Tinh dầu các loài đều có màu vàng đến vàng nhạt, tất cả đều nhẹ hơn nước. Trong tinh dầu được đặc trưng bởi các hợp chất monoterpen và sesquiterpen.
Hợp chất Z-citral đặc trưng cho tinh dầu ở các bộ phận lá, cành, vỏ, rễ và quả của loài L. cubeba; sabinen đặc trưng cho tinh dầu trong lá loài L.
euosma, L. ferruginea; β-caryophyllen đặc trưng cho tinh dầu trong lá của
loài L. cambodiana và L. monopetala; limonen đặc trưng cho tinh dầu trong lá và cành loài L. eugenoides và trong lá loài L. helferi; (E)-β-ocimen và linalool đặc trưng cho tinh dầu trong lá, cành loài L. glutinosa; Cis methyl isoeugenol đặc trưng cho tinh dầu trong lá loài L. salmonea và α-pinen đặc trưng cho tinh dầu trong lá loài L. verticillata.
Như vậy, trong 2 chi được nghiên cứu là Quế (Cinnamomum) và Bời lời (Litsea) ở VQG Bạch Mã thì hàm lượng tinh dầu cao nhất tập trung ở Vỏ của loài Quế thanh (C. cassia), ở quả của loài Màng tang (L. cubeba),… Ngoài ra, còn có một số loài có tiềm năng khai thác và phát triển như Re chay (C. tamala), Quế ô dược (C. curvifolium), Quế rừng (C. iners),… Do vậy, tiềm năng khai thác và ứng dụng của 2 chi này là rất lớn. Khi so sánh kết quả nghiên cứu của một số loài như Re chay (C. tamala), Bời lời bao hoa đơn (L. monopetala), Quế rừng (C. iners),…với các công trình đã được công bố trong nước và thế giới thì trong một số loài được nghiên cứu thuộc các chemotyp khác nhau.