GIAI ĐOẠN 2009-2010
Từ phân tích thực trạng của những năm trước, dự kiến và khả năng thực hiện cho 2 năm còn lại trong giai đoạn 2006 – 2010, nhóm xin đưa ra những nhóm giải pháp nhằm giúp cho kế hoạch ngân sách của nước ta trong giai đọan này được thực hiện một cách hợp lý, ổn định và phù hợp hơn với sự phát triển của nền kinh tế.
1. Giải pháp từ Chính phủ:
1.1. Đối với các khoản thu
Để cân đối ngân sách, trong thời gian tới Chính phủ nên tăng thuế nhập khẩu xăng dầu với mức thuế hợp lý để nâng cao và ổn định nguồn thu. Chính phủ nên thực hiện phát hành trái phiếu vay từ người dân và các doanh nghiệp để bù đắp và đảm bảo nguồn chi cho đầu tư phát triển trong năm tới. Kế hoạch vay vốn từ trong dân trong năm tới không được vượt quá chỉ tiêu 36000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ và số vốn thu từ nguồn này sẽ dành phục vụ cho các công trình, dự án về giáo dục, y tế ở vùng khó khăn. Các dự án, công trình kéo dài, không hiệu quả cũng phải được loại bỏ để dành vốn ưu tiên cho các dự án, công trình cấp thiết khác.
Chính phủ cần sớm có kế hoạch tạo nguồn thu mới, cơ cấu lại nguồn thu ngân sách cho bền vững và công bằng, hợp lý hơn để bù lại những nguồn thu bấp bênh, không ổn định.
Nguồn thu từ thuế chiếm một tỷ trọng cũng rất cao trong tổng thu ngân sách Nhà nước, chính vì vậy Chính phủ cần có những chính sách hợp lý để tăng thu ngân sách từ thu thuế như: giảm tối đa thuế nợ đọng, chống thất thu thuế, giảm dần hiện tượng trốn thuế, đặc biệt là trong vấn đề thuế thu nhập cao. Thuế thu nhập là một nguồn thu lớn, mà hiện tại chúng ta vẫn còn bỏ phí, thất thoát. Cần phải đưa ra được
giải pháp hợp lý trong việc xác định được thu nhập đối với những người có thu nhập cao, để từ đó hạn chế được tiêu cực trong vấn đề thu và nộp thuế. Do vậy cần hoàn chỉnh luật thuế thu nhập dành cho những người có thu nhập cao, đồng thời kết hợp với các doanh nghiệp để việc áp dụng luật đi vào cuộc sống.
Chính phủ và các cơ quan chức năng cũng cần phải nghiên cứu để loại bỏ những khoản phi, lệ phí không còn phù hợp, đồng thời tránh đặt ra những khoản thu không hợp lý, trái với pháp luật...
1.2. Đối với các nguồn chi
Bên cạnh việc tăng nguồn thu, thì để cân đối ngân sách Chính phủ cần tìm các biện pháp để nhằm đảm bảo cho việc chi tiêu quốc gia phù hợp hơn, cụ thể:
Chi thường xuyên là khoản chi chiếm tỷ trọng cao trong nguồn chi ngân sách của nước ta. Vì vậy, để giảm chi ngân sách trước hết chúng ta phải thực hiện cắt giảm các khoản chi thường xuyên mà hơn hết là phải thay đổi cách thức trả lương trong cả khu vực hành chính sự nghiệp có thu và không có thu. Đối với khu vực hành chính có thu thì nên thực hiện tự chủ về tài chính, nhằm làm tăng tính chủ động và linh hoạt trong quá trình hoạt động của các tổ chức này. Đối với khu vực hành chính sự nghiệp không có thu thì Chính phủ cần phải thực hiện khoán chi để tránh tình trạng sử dụng không hợp lý, gây lãng phí tiền của Nhà nước.
Đối với chi đầu tư xây dựng cơ bản, Chính phủ cũng cần cắt giảm một số dự án, công trình không đủ thủ tục, tạm đình hoãn những công trình chưa khởi công và chưa thật sự cấp bách. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần phải khắc phục thêm bệnh "hoành tráng", gây tốn kém; hạn chế tăng thêm về số lượng các trường đại học, cao đẳng, các viện nghiên cứu chưa thực sự cần thiết.
Đối với chi đầu tư phát triển, giảm bớt những khoản để lại cho đầu tư và phần hỗ trợ cho một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty lớn… nhằm tránh đầu tư dàn trải, gây lãng phí. Cần xem xét lại chính sách chi hỗ trợ cho tập đoàn Dầu khí trong năm tới, để hạn chế lãng phí. Nên để cho các tập đoàn, các công ty này tự chủ về mặt tài chính, tự tìm các nguồn vay dể đối phó với tình hình khó khăn chung. Nên tập trung chú trọng vào chi phát triển ở những tỉnh vùng cao còn gặp nhiều khó khăn do tình hình đói nghèo, thiên tai, dịch bệnh, cơ sở hạ tang còn yếu kém… Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động đầu tư phát triển cho các lĩnh vực, đặc biệt là trong công tác khám chữa bệnh, y tế, giáo dục.
Tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để tăng khả năng giải ngân vốn đầu tư XDCB, quan tâm hơn đến nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn tín dụng nhà nước, vốn ODA cho vay lại. Việc phân bổ ngân sách phải thống nhất, công bằng, nhưng
cũng tránh bình quân, dàn đều phân bỏ làm sao cho hiệu quả và góp phần thúc đẩy nhanh quá trình giải ngân.
2. Giải pháp từ nhóm thực hiện
Nguồn thu của nước ta chủ yếu vẫn phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài, đó là những nguồn thu không ổn định, vì vậy chúng ta cần chuyển hướng, tăng tỷ trọng thu nội địa chiếm trong tổng thu ngân sách, để từ đó chúng ta có thể tự chủ hơn với nguồn thu của mình, và dễ dàng trong việc đưa ra những biện pháp để chống đỡ với những biến động của thị trường.
Để tăng nguồn thu cho ngân sách chúng ta cần: Xiết chặt kỷ cương, chấp hành kỷ luật thu - chi, giải quyết triệt để hiện tượng trốn thuế, gian lận thương mại, nợ đọng, giải ngân chậm, tham nhũng. Đó là những vấn đề mà bất cứ một nên kinh tế nào cũng gặp phải, nhưng hạn chế ở mức độ vừa phải thì không phải quốc gia nào cũng làm được. Và đó chính là nhiệm vụ của nước ta cần thực hiện được trong thời gian tới và cả sau này.
Bên cạnh đó, chúng ta phải tạo ra các nguồn thu mới để “nuôi dưỡng” cho tương lai bằng cách như: mở rộng qui mô nền kinh tế, khuyến khích những ngành, những doanh nghiệp có xu hướng phát triển tốt cần phải tiếp tục phát triển sản xuất hơn nữa... Vì hiện nay, việc tái tạo nguồn thu ở nước ta chưa thực sự quan tâm đúng mức.
Trong điều kiện thị trường bất ổn như hiện nay thì việc chính phủ cần phải có các phương án kế hoạch dự phòng để có thể có những thay đổi phù hợp với tình hình kinh tế.
Một phần nữa của những nguyên nhân làm cho cán cân ngân sách nước ta bị thâm hụt nhiều đó là do những nhận định, dự báo sai lệch về tình hình kinh tế trong nước và thế giới dẫn đến việc đưa ra những kế hoạch thực hiện chưa phù hợp với tình hình kinh tế của nước ta, những khoản chi không dự kiến được chính xác nên dẫn đến việc chi tiêu không hợp lý, lãng phí gây thất thoát ngân sách quốc gia. Vì vậy, chúng ta cần phải chú trọng đào tạo thêm nguồn nhân lực có chuyên môn tốt về công tác dự báo và lập kế hoạch.
Chúng ta cần sử dụng tiền vốn có hiệu quả, hạn chế nhập khẩu, ngăn chặn được tình trạng đôla hoá trên thị trường. Tạo điều kiện ổn định nền kinh tế trong nước và phát huy nội lực của nền kinh tế. Có những chính sách khuyến khích sản xuất, khuyến khích xuất khẩu cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thúc đẩy mạnh việc xuất khẩu trong giai đoạn tới, vì hiện nay quốc gia xuất khẩu mạnh như Trung Quốc đang mất dần thị trường trên thế giới.
Có biện pháp kiên quyết để các bộ, ngành, địa phương thực hiện phân bổ vốn đầu tư và kinh phí chi thường xuyên đúng tiến độ, đúng chế độ và quy định của Luật NSNN; sớm chấn chỉnh việc sử sụng nguồn vốn đầu tư cho chi thường xuyên, bố trí vốn đầu tư cho các công trình, dự án không đủ thủ tục đầu tư.
Một tồn tại rất lớn của chúng ta là vấn đề giải ngân chậm, gây thất thoát và lãng phí.Nguyên nhân của việc giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ là do công tác xây dựng và bố trí kế hoạch nhiều dự án chưa đảm bảo. Trong quá trình triển khai phân bổ, giao dự toán (đối với các Bộ, ngành Trung ương) và quyết định dự toán NSNN (đối với Hội đồng nhân dân các địa phương) cần bố trí hợp lý kinh phí cho các mục tiêu ưu tiên. Trong quá trình thực hiện cần nắm chắc thực tế để kịp thời điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định, tránh tình trạng điều chuyển sát vào cuối năm. Tổ chức thu hồi số vốn đã ứng trước cho các bộ, ngành, địa phương; chấn chỉnh việc huy động vốn quá mức so với quy định của pháp luật ở các địa phương, không để phát sinh thêm nợ tồn đọng vốn đầu tư XDCB mới.
Quản lý chặt chẽ tài sản công; khẩn trương xây dựng và trình Quốc hội ban hành Luật tài chính nhà nước, Luật quản lý tài sản công để tạo cơ sở pháp lý cho việc khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài sản của quốc gia; kiểm soát chặt chẽ việc đầu tư, mua sắm và sử dụng tài sản công. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật thực hành tiết kiệm và chống lãng phí; Luật phòng, chống tham nhũng.
Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc nộp thuế cũng như tăng tính cộng đồng trong việc theo dõi, đán giá các hoạt động của nhà nước “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”. Đồng thời xiết chặt kỷ cương ở cấp các nhà quản lý từ trung ương tới địa phương: cần có đủ cả năng lực và phẩm chất, làm việc hết mình. Cần phát hiện và nghiêm trị những cán bộ nhà nước thoái hoá, biến chất.
KẾT LUẬN
Từ những nghiên cứu trên, nhóm nhận thấy rằng kế hoạch ngân sách đóng vai trò quan trọng trong hệ thống kế hoạch phát triển kinh tế xã hội. Trong quá trình thực hiện kế hoạch ngân sách 2006 – 2010 và nhất là trong giai đoạn đầu đã đạt được những thành tựu đáng kể, tạo niềm tin trong nhân dân về khả năng đạt được những kế hoạch đã đề ra.
Trong 2 năm cuối của giai đoạn kế hoạch, cùng với những giải pháp mà chính phủ đã đưa ra trong kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XII, hy vọng sẽ tạo ra những kết quả đáng mừng nhằm đạt được mục tiêu đạt ra trong giai đoạn tới là: “ Tiếp tục ưu tiên kiềm chế lạm phát theo hướng giảm dần, đến năm 2010 đưa tốc độlạm phát xuống còn một con số, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý. ”