− Kết quả HLA-B*1502: theo kết quả của Trung Tâm Y Sinh Học Phân Tử TPHCM, thực hiện trên phương pháp Real-time PCR với bộ kit PG 1502 Detection [1]. Đây là bộ kit do công ty PHARM I-GEN sản xuất với độ nhạy hơn 99% và độ đặc hiệu là 98,35% và được chấp thuận bởi Khoa Sức Khỏe Đài Loan (Department of Health, Taiwan).
− Phản ứng da do thuốc chống động kinh được xác định khi bệnh nhân phát ban trên da do sử dụng thuốc chống động kinh, dựa trên định nghĩa của Hội Da Liễu Hoa Kỳ: phản ứng không mong muốn làm thay đổi về cấu trúc, chức năng của da hoặc niêm mạc và các thành phần xung quanh, cùng với các phản ứng khác có liên quan đến sự phát ban do thuốc mà không kể đến cơ chế bệnh sinh [32], [93].
− Mối liên hệ giữa phản ứng da và thuốc chống động kinh dựa trên Thang đánh giá mối quan hệ giữa thuốc nghi ngờ và ADR của Bộ Y Tế 2013 (WHO) [3]; trong đó phản ứng da xảy ra trong khoảng thời gian 2 tháng đối với mỗi loại thuốc chống động kinh và phù hợp với phân nhóm: chắc chắn, có khả năng, có thể trên thang đánh giá sẽ được ghi nhận là phản ứng da do thuốc. Khi phản ứng da xảy ra sẽ được ghi nhận theo mô tả của bệnh nhân và khám lâm sàng.
− Mức độ phản ứng da: phản ứng da được đánh giá là nghiêm trọng khi thỏa định nghĩa của Bộ Y Tế (WHO) “các phản ứng có hại dẫn đến một trong những hậu quả sau: tử vong; đe dọa tính mạng; buộc người bệnh phải nhập viện để điều trị hoặc kéo dài thời gian nằm viện của người bệnh; để lại di chứng nặng nề hoặc vĩnh viễn cho người bệnh; gây dị tật bẩm sinh ở thai nhi; hoặc bất kỳ phản ứng có hại được cán bộ y tế nhận định là gây ra hậu quả nghiêm trọng về mặt lâm sàng” [2], [3]. Các phản ứng da còn lại được phân loại phản ứng da không nghiêm trọng. Cách đánh giá này được áp dụng trên
một số nghiên cứu như nghiên cứu về phản ứng da do thuốc của tác giả Wong thực hiện tại Singapore với 103 372 bệnh nhân [109], tác giả Iorio tại Ý với 666 trường hợp phản ứng da do thuốc chống động kinh [55].