Qúa trình hình thành và phát triển của Công ty

Một phần của tài liệu Hoàn thiện hạch toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm tại Công ty Giầy Thượng Đình (Trang 44 - 46)

I. Một số nét khái quát về Công ty Giầy Thượng Đình

1. Qúa trình hình thành và phát triển của Công ty

Lịch sử phát triển Công ty có thể chia thành các giai đoạn sau:

*Giai đoạn 1957-1960: Trưởng thành từ quân đội.

Để đảm bảo sức chiến đấu quân đội, phụng sự mục tiêu chung của cả nước là giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà, Xí nghiệp X30 được thành lập trực thuộc Cục quân nhu–Tổng cục hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam, thành lập tháng 01 năm 1957. Sản phẩm của xí nghiệp là giầy vải và mũ cứng cung cấp cho bộ đội, thay thế loại mũ đan bằng tre lồng vải lưới nguỵ trang và dép lốp cao su.

Năm 1957 và 1958 sản lượng của xí nghiệp đạt 50.000 chiếc/năm và năm 1960 con số này là 60.000, cũng trong năm 1960 sản lượng giầy vải ngắn cổ đạt trên 200.000 đôi và xí nghiệp được tặng thưởng Huân chương chiến công hạng ba.

*Giai đoạn 1961–1972 : Sống, chiến đấu vì miền Nam ruột thịt.

Hoà trong tinh thần của cả nước, Xí nghiệp X30 tích cực hoạt động mở rộng phạm vi sản xuất ngang tầm nhiệm vụ mới.

Ngày 2/1/1961 xí nghiệp chuyển sang Cục công nghiệp Hà Nội thuộc Uỷ ban hành chính Hà Nội. Tháng 6-1961 xí nghiệp tiếp nhận một đơn vị công tư hợp doanh sản xuất giầy dép là Liên xưởng kiến thiết giầy vải ở phố Trần Phú và Kỳ Đồng (nay là phố Tống Duy Tân) và đổi tên thành Nhà máy Cao su Thuỵ Khuê. Về sản phẩm năm 1965 đạt 100.000 chiếc mũ, 320.000 đôi giầy vải, đạt 150% kế hoạch.

Năm 1970 Xí nghiệp đổi tên là Xí nghiệp Giầy vải Hà Nội.

Năm 1970 sản phẩm của xí nghiệp phong phú hơn, bao gồm : mũ cứng, bóng tay, giầy bata, giầy cao su cho trẻ em và đặc biệt đã có có giầy basket xuất khẩu

sang Liên Xô và Đông Âu được bạn hàng đánh giá cao. Giầy basket ra đời đánh dấu sự phát triển vượt bậc về mọi mặt của xí nghiệp.

Giai đoạn này, miền Bắc chịu ảnh hưởng nặng nề do chiến tranh phá hoại của Mỹ nên một bộ phận xí nghiệp phải sơ tán về các địa phương khác :

-Phân xưởng mũ cứng sơ tán về xã An Khánh, Hoài Đức, Hà Tây. -Phân xưởng may Thuỵ Khuê về xã Cổ Nhuế, Từ Liêm.

-Các bộ phận may của Văn Hương, Chí Hằng sang Đông Anh.

*Giai đoạn 1973-1989: Tự khẳng định.

Thời kỳ này, miền Bắc chủ yếu sống trong thời bình. Với sự giúp đỡ của các nước XHCN, Xí nghiệp có những thay đổi nhất định.

Ngày 01/04/1973 Phân xưởng mũ cứng tách ra thành lập Xí nghiệp Mũ Hà Nội ở Phố Đội Cấn.

Năm 1976 Xí nghiệp giao Phân xưởng may ở Khâm Thiên cho Uỷ Ban Nhân Dân Thành Phố thành lập Trường dạy cắt may, đồng thời giao hai cơ sở ở Văn Hương và Cát Linh về Xí ngiệp Cao su Hà Nội.

Tháng 06/1978 Xí nghiệp Giầy vải Hà Nội hợp nhất với Xí nghiêp Giầy vải Thượng Đình cũ lấy tên là Xí nghiệp Giầy vải Thượng Đình.

Tháng 04/1989 Xí nghiệp tách cơ sở ở 152 Thụy Khuê thành lập Công ty Giầy Thụy Khuê.

Do những đóng góp to lớn trong nền kinh tế quốc dân, giai đoạn này Xí nghiệp nhận được nhiều bằng khen, giấy khen và các phần thưởng khác như: Bằng khen của Chủ tịch nước (1976), đón nhận Huân chương Lao động hạng ba (1981) …

* Giai đoạn 1990-2000 : Thị trường và đổi mới.

Sau sự kiện Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, Xí nghiệp mất đi thị trường xuất khẩu truyền thống to lớn. Mặt khác, phải đối mặt với cơ chế thị trường đầy khắc nghiệt đã đặt Xí nghiệp đứng trước rất nhiều khó khăn. Nhưng với quyết tâm đổi mới, Xí nghiệp đã đạt được một số thành tựu khả quan.

Ngày 08/07 /1993, phạm vi, chức năng của Xí nghiệp được mở rộng, kiêm thêm cả trực tiếp xuất nhập khẩu và kinh doanh giầy dép, cũng như các máy móc, thiết bị phục vụ nó. Xí nghiệp đổi tên thành Công ty Giầy Thượng Đình.

Năm 1996 sản phẩm của Công ty nhận giải thưởng Top Ten.

Năm 1996-1997 Công ty tiếp cận tiêu chuẩn chất lượng ISO 9000- 9001và nhận nhiều Bằng khen, Giấy khen của Uỷ Ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nội, Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam .

Một phần của tài liệu Hoàn thiện hạch toán chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm tại Công ty Giầy Thượng Đình (Trang 44 - 46)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(105 trang)
w