Các chỉ tiêu phản ánh hiệu suất hoạt động

Một phần của tài liệu ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH tài CHÍNH và các BIỆN PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ TÀI CHÍNH (Trang 58 - 61)

Phân tích nhóm chỉ tiêu này mô tả chi tiết hơn nữa quá trình quản lý và sử dụng vốn của doanh nghiệp, cho phép đánh giá năng lực quản lý và sử dụng vốn hiện tại của công ty trên một số khoản mục quan trọng. Công tác này có hiệu quả, tiết kiệm, hợp lý thì mới tạo được niềm tin cho đối tác, ngân hàng và là vấn đề sống còn đối với mỗi doanh nghiệp. Qua Bảng 10: Các chỉ tiêu phản ánh hiệu suất hoạt động công ty CP xi măng Phú Thọ 2011 – 2012 ta thấy:

A. Số vòng quay hàng tồn kho và số ngày một vòng quay hàng tồn kho

Để đảm bảo cho hoạt động kinh doanh được diễn ra liên tục và phục vụ được mục tiêu cho từng thời kỳ thì HTK là một yếu tố không thể thiếu được. Số vòng quay hàng tồn kho của doanh nghiệp năm 2011 là 4,94 vòng; sang đến năm 2012 số vòng quay được cải thiện đáng kể tăng lên 2,97 vòng lên 7,91 vòng. Số ngày một vòng quay hàng tồn kho được giảm xuống năm 2012 so với năm 2011 từ ~73 ngày xuống ~46 ngày. Đây là một cố gắng đáng kể của doanh nghiệp, doanh nghiệp rút ngắn được chu kỳ kinh doanh và giảm lượng vốn bỏ

vào hàng tồn kho. Đạt được điều này do doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, tăng doanh thu, giá vốn từ đó giảm lượng hàng tồn kho

B. Vòng quay các khoản phải thu và kỳ thu tiền bình quân

Khoản phải thu thể hiện các nguồn vốn công ty bị chiếm dụng, vòng quay khoản phải thu càng lớn thể hiện công ty càng nhanh chóng thu hồi được các khoản vốn bị chiếm dụng. Năm 2012, số vòng quay khoản phải thu của công ty là 8,28 vòng tăng mạnh so với năm 2011 là 4,05 vòng. Đạt được thành công như trên là do trong năm 2012, nhờ những chính sách phù hợp, doanh thu của doanh nghiệp đã tăng lên đáng kể (tăng tới gần 66% so với năm 2011) trong khi đó các khoản phải thu bình quân của doanh nghiệp không những không tăng mà còn giảm hơn 18%. Công tác quản lý khoản phải thu của doanh nghiệp đã đạt được những tiến bộ rõ nét. Việc các khoản phải thu bình quân giảm giúp cho doanh nghiệp giảm thiểu được các khoản nợ khó đòi thậm chí là nợ xấu. Tuy nhiên, khoản phải thu giảm và chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng tài sản ngắn hạn sẽ dẫn tới việc rủi ro hơn cho doanh nghiệp.

C. Vòng quay vốn lưu động và số ngày một vòng quay vốn lưu động

Trong kinh doanh, vốn lưu động là một bộ phận không thể thiếu. Đánh giá hiệu quả sử dụng vốn lưu động có ý nghĩa rất quan trọng, thường sử dụng chỉ tiêu vòng quay vốn lưu động và số ngày một vòng quay vốn lưu động, số vốn lưu động tiết kiệm hay lãng phí, hàm lượng VLĐ. Vòng quay vốn lưu động của công ty năm 2011 là 1,8 vòng tức là cứ 1 đồng vốn lưu động tạo ra 1,8 đồng doanh thu. Năm 2012 vòng quay vốn lưu động đã cải thiện đáng kể lên 2,81 vòng, tăng 1,01 vòng. Số ngày một vòng quay vốn lưu động năm 2011 là ~200 ngày, sang đến năm 2012 là ~129 ngày. Qua phân tích trên ta có thể nhận thấy rằng tốc độ quay vốn lưu động là khá chậm, dẫn tới tình trạng số ngày hoàn thành một vòng quay vốn lưu động là rất lớn. Năm 2012 số vòng quay vốn lưu động đã có cải thiện đáng kể so với năm 2011. Có được sự thay đổi như trên là do doanh thu thuần đã được cải thiện tăng mạnh. Tốc độ tăng doanh thu thuần

lớn hơn rất nhiều so với tốc độ tăng vốn lưu động (~68% so với 7,51%). Doanh nghiệp cần phát huy hơn nữa để ngày một cải thiện chỉ tiêu này hơn.

D. Hiệu suất sử dụng vốn cố định

Năm 2011, hiệu suất sử dụng vốn cố định của doanh nghiệp là 0,25 tức là cứ 1 đồng vốn cố định bỏ ra thì tạo ra được 0,25 đồng doanh thu. Năm 2012 hiệu suất này là 0,36; 1 đồng vốn cố định tạo ra được 0,36 đồng doanh thu. Năm 2012 hiệu suất sử dụng vốn cố định đã có những bước thay đổi theo hướng tích cực so với năm 2011, hiệu suất tăng lên 0,11. Với một doanh nghiệp sản xuất, vốn cố định thường rất lớn do vậy hiệu suất này cũng được coi là hợp lý. Đạt được kết quả như trên là do tốc độ tăng của doanh thu thuần nhanh hơn tốc độ tăng của vốn cố định. Doanh thu thuần tăng tới hơn 67% trong đó vốn cố định tăng ~17%. Hiệu quả sử dụng vốn cố định tăng là minh chứng cho việc trong năm, vốn cố định của doanh nghiệp đã được đầu tư và quản lý một cách phù hợp, giảm tình trạng thất thoát, lãng phí.

E. Vòng quay toàn bộ vốn

Trong các phần phân tích trên, các bộ phận vốn riêng lẻ đã được đánh giá hiệu quả sử dụng. Tuy nhiên để có cái nhìn tổng quát hơn về tình hình sử dụng vốn của công ty ta sẽ đánh giá chỉ tiêu vòng quay toàn bộ vốn. Vòng quay toàn bộ vốn phản ánh trong kỳ, toàn bộ vốn của công ty sẽ hoàn thành được bao nhiêu vòng luân chuyển. Vòng quay toàn bộ vốn năm 2011 là 0,22 vòng, năm 2012 số vòng quay đã được cải thiện lên 0,32 vòng. Đạt được kết quả trên là do tốc độ tăng của doanh thu lớn hơn nhiều so với tôc độ tăng vốn kinh doanh. Số vòng quay này vẫn nhỏ hơn 1 có nghĩa toàn bộ vốn kinh doanh của công ty chưa thể hoàn thành một vòng luân chuyển trong vòng một kỳ. Điều này là hợp lý bởi đây là doanh nghiệp sản xuất, có số vốn rất lớn. Tuy nhiên, trong những năm tới, công ty cần có những biện pháp gia tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng như trong hoạt động đầu tư để tăng số vòng quay của tổng tài sản.

Kết luân: Thông qua những đánh giá về hiệu suất hoạt động của công ty ta thấy việc quản lý sử dụng vốn năm 2012 đã có những thay đổi đáng kể theo

hướng tích cực so với năm 2011. Tất cả các chỉ tiêu hiệu suất hoạt động của công ty năm 2012 đều tăng, hiệu quả sử dụng vốn của công ty ngày càng được cải thiện. Đạt được hiệu quả trên phần lớn là nhờ doanh thu thuần của doanh nghiệp trong năm 2012 đã có một bước tiến vượt bậc, hàng tồn kho chỉ tăng nhẹ không đáng kể. Tuy nhiên các chỉ số hiệu suất hoạt động của công ty hầu hết vẫn còn chưa cao. Trong thời gian tới doanh nghiệp cần đưa ra những phương hướng, biện pháp cụ thể để nâng cao hiệu suất hoạt động hơn nữa.

Một phần của tài liệu ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH tài CHÍNH và các BIỆN PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ TÀI CHÍNH (Trang 58 - 61)