Phương pháp này được các tác giả Reddy, Geetha, Srinivasa, Kumar, Kanth trình bày trên tạp trí quốc tế về Web Services Computing tháng 9 năm 2011. Như đã chỉ ra trong tiêu đề của mục này, phương pháp các tác giả đưa ra có một lợi thế nào cho phép dự đoán hiệu năng Web Services trong pha phát triển sớm của hệ thống, thực hiện thông qua việc sử dụng công cụ mô phỏng hoạt động của hệ thống.
Phương pháp luận được đưa ra để dự đoán hiệu năng Web Services như sau: 1. Phát triển mô hình ca sử dụng cho một hệ thống Web Services tổng quát. 2. Sinh biểu đồ trình tự để việc biểu diễn luồng các sự kiện trong mỗi ca sử dụng. 3. Xem xét môi trường thực thi của các thành phần phần mềm.
4. Mô phỏng mô hình sử dụng công cụ SMTQ, để từ đó thu được các độ đo hiệu năng. Các biểu đồ ca sử dụng, biểu đồ trình tự và biểu đồ triển khai của Web Services tổng quát được xây dựng dựa trên những kiến thức được trình bày trong mục 1.1 của chương 1. Phương pháp này sử dụng ngôn ngữ mô hình hóa UML để sinh ra các biểu đồ này (trình bày trong phụ lục). Các biểu đồ là đầu vào cho công cụ mô phỏng SMTQ (Simulation of Multi-tiered Queuing Applications). Đây là công cụ mô phỏng hướng quy trình, được phát triển cho việc đánh giá hiệu năng của phần mềm nói chung, Web Services nói riêng, cho
các hệ thống xây dựng trên nền tảng đa tầng (multi-tier architecture). Công cụ này cung cấp đầy đủ tiện ích cho việc mô phỏng các mô hình, các tham số đầu vào, và đưa ra các kết quả. Tham số đầu vào cho việc mô phỏng đánh giá hiệu năng Web Services là các yêu cầu về tài nguyên, môi trường thực thi, cấu trúc thực thi phần mềm. Các kết quả đầu ra là các đánh giá về hiệu năng Web Services, thông qua các độ đo là: độ sử dụng tài nguyên, thời gian đáp ứng trung bình, thời gian dịch vụ trung bình, thời gian chờ trung bình của người sử dụng trong hàng đợi....
Ưu điểm của phương pháp này là thực hiện đánh giá hiệu năng hệ thống Web Services bằng công cụ mô phỏng nên có thể thực hiện ở giai đoạn sớm trong quá trình phát triển hệ thống. Các kết quả đánh giá là cơ sở để quyết định tính khả thi khi đi vào triển khai thực tế, từ đó có thể làm giảm chi phí khắc phục những sai sót có thể xảy ra. Hạn chế của phương pháp này là cần mô hình hóa được hệ thống một cách chi tiết, các thông tin tham số đầu vào cũng chỉ mang tính chất đánh giá ước lượng, chưa có cơ sở thực tế. Một hệ thống Web Services khi đi vào hoạt động thực tế, có rất nhiều các trường hợp có thể xảy ra, có cả những tham số mang tính chất ngẫu nhiên trong đó nữa, nên rất khó đánh giá thông qua mô phỏng.