Đánh giá tình hình

Một phần của tài liệu Phương pháp tính và hạch toán thuế giá trị gia tăng hiện nay (Trang 27 - 30)

1.1/ Những thành tựu đạt được:

Luật thuế GTGT. Đây là loại thuế mới lần đầu tiên được áp dụng ở Việt Nam, nó ra đời để thay thế cho Luật thuế doanh thu trước đây. Trong thời kỳ Việt Nam mới bước vào nền kinh tế thị trường, luật thuế doanh thu với 11 loại thuế suất phù hợp với nhiều loại hình kinh doanh trong các thành phần kinh tế trong quá trình chuyển đổi cơ chế, cũng như phương pháp tính thuế đơn giản đã tỏ ra tương đối phù hợp và góp phần không nhỏ vào thu ngân sách. Tuy nhiên, khi nền kinh tế ngày một phát triển thì thuế doanh thu tỏ ra không còn phù hợp. Cơ chế “thuế đánh chồng lên thuế” tạo tình trạng đánh thuế chồng chéo, gây bất bình đẳng trong cạnh tranh, hạn chế xuất khẩu, phức tạp trong quản lý. Biểu thuế doanh thu dễ dẫn đến tình trạng trốn thuế. Thuế GTGT, với bản chất mang tính trung lập về mặt kinh tế đã khắc phục được hầu hết các nhược điểm nói trên của thuế doanh thu. Và nhân tố làm nên những ưu điểm này của thuế GTGT là sự thay đổi trong phương pháp tính thuế. Luật thuế GTGT qui định phương pháp tính thuế bao gồm 2 cách: phương pháp khấu trừ và phương pháp tính trực tiếp trên GTGT. Với 2 phương pháp, đặc biệt là phương pháp khấu trừ, thuế GTGT đã thể hiện rõ bản chất của loại thuế gián thu. Chủ thể kinh doanh chỉ là người thu thuế hộ Nhà nước. Thói quen kêu ca về thuế chồng chéo sẽ không còn lí do tồn tại. Thay vào đó là một lối tư duy mới, chủ động, tự hoàn thiện được thể hiện ở một phần rất quan trọng là phương pháp tính thuế buộc các chủ thể nộp thuế phải làm quen với chế độ hoá

đơn chứng từ. Thêm vào đó, việc bổ sung TK 1331 - Thuế GTGT đầu vào và sửa đổi TK 3331 từ thuế doanh thu sang thuế GTGT phải nộp khi áp dụng Luật thuế GTGT đã giúp các doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc theo dõi tình hình thanh toán với ngân sách Nhà nước cũng như đáp ứng thoả đáng nhu cầu của người sử dụng thông tin kế toán.

Nhìn chung, luật thuế mới đều đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế trong giai đoạn hiện nay và đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế nhằm mục đích thúc đẩy sản xuất, khuyến khích phát triển nền kinh tế quốc dân, tăng thu cho ngân sách Nhà nước.

1.2/ Những vướng mắc tồn tại:

Thuế GTGT, trước hết là sự phân chia đối tượng chịu thuế và đối tượng không chịu thuế sẽ gây ra hiện tượng phân đoạn các hoạt động kinh tế, tức là các hoạt động này sẽ mất khả năng “chuyển đổi tương xứng” khi xét về khả năng được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Đó là trường hợp các ngành sử dụng nguyên liệu không thuộc diện chịu thuế GTGT để sản xuất ra các sản phẩm chịu thuế GTGT (hoặc ngược lại). Ví dụ như các doanh nghiệp sản xuất bột canh từ nguyên liệu muối là đối tượng không thuộc diện chịu thuế GTGT, do vậy không phát sinh thuế GTGT đầu vào khi mua nguyên liệu. Trong khi đó sản phẩm tạo ra lại thuộc diện chịu thuế GTGT. Nên khi bán thành phẩm, doanh nghiệp phải lập hóa đơn, thu và nộp cho Nhà nước số thuế GTGT đầu ra phát sinh mà không được khấu trừ đầu vào tương ứng tính trên giá nguyên liệu mua vào (muối chiếm 80% giá thành nguyên liệu sản xuất bột canh). Do vậy, sẽ ảnh hưởng đến giá bán và doanh thu của doanh nghiệp. Một ví dụ khác cho trường hợp ngược lại là ngành in báo chí, tạp chí, sách giáo khoa khi bán hàng không phát sinh thuế nhưng khi mua nguyên liệu sản xuất như giấy, điện, ... lại phải

chịu 10% thuế GTGT đầu vào. Do không có thuế GTGT đầu ra để khấu trừ nên số thuế GTGT phải trả trước đó sẽ phải tính vào giá thành sản phẩm, gây khó khăn cho việc tiêu thụ.

Về việc sử dụng hóa đơn và phương pháp tính thuế, hiện nay đang qui định hai phương pháp tính thuế là phương pháp khấu trừ và phương pháp trực tiếp tương ứng với hai phương pháp này là hai loại hóa đơn: Hoá đơn GTGT (có sự tách biệt của thuế GTGT), Hoá đơn bán hàng (gộp cả thuế GTGT vào tổng giá thanh toán). Chính sự qui định đồng thời cả hai loại hoá đơn và hai phương pháp này đã nảy sinh nhiều vấn đề vướng mắc như:

- Luật thuế qui định rằng “trường hợp cơ sở kinh doanh mua vật tư, hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ hoặc có hóa đơn chứng từ nhưng không phải là hóa đơn GTGT hoặc hóa đơn GTGT nhưng không ghi riêng số thuế GTGT ngoài giá bán thì không được khấu trừ thuế đầu vào” trừ một số ít trường hợp có qui định riêng. Tuy nhiên, trong nền kinh tế, không phải các khu vực kinh doanh nộp thuế theo từng phương pháp hoạt động riêng biệt với nhau mà có quan hệ mua bán qua lại, đan xen lẫn nhau. Cho nên, nếu doanh nghiệp nộp thuế theo phương pháp khấu trừ mà có quan hệ kinh tế mua bán trao đổi với nhóm đối tượng nộp thuế theo phương pháp trực tiếp thì sẽ không được khấu trừ phần thuế GTGT đầu vào mặc dù họ đã phải trả thuế GTGT cho số hàng mua đó. Trong điều kiện nước ta hiện nay, khu vực kinh doanh sử dụng hóa dơn thông thường không ghi riêng thuế GTGT vẫn còn chiếm tỷ lệ lớn nên đây sẽ là một vướng mắc không nhỏ.

- Khi áp dụng phương pháp tính thuế GTGT - cụ thể là phương pháp khấu trừ thì chế độ hóa đơn chứng từ được coi là công cụ quan trọng nhất và cơ chế khấu trừ là điểm cốt lõi quyết định tính hiện đại và trung lập của thuế GTGT. Do vậy, trong trường hợp “cơ sở sản xuất, chế biến mua nguyên liệu là

nông sản, lâm sản, thuỷ sản chưa qua chế biến của người sản xuất bán ra không có hóa đơn và một số trường hợp khác (như sắt, thép phế liệu) sẽ được tính khấu trừ thuế đầu vào theo tỷ lệ qui định tính trên giá trị hàng hóa mua vào” sẽ đi ngược lại quan điểm của thuế GTGT (không có hóa đơn) và không phản ánh đúng bản chất của thuế GTGT (khấu trừ khống) bởi vì số thuế được khấu trừ ở đầu vào được xác định trên số thuế GTGT thực tế phát sinh khi mua hàng mà nếu khấu trừ theo tỷ lệ như trên sẽ phản ánh không đúng chính xác số thực tế được.

Trên một khía cạnh khác, một số nhà nghiên cứu lại cho rằng việc áp dụng 2 phương pháp tính thuế GTGT là chưa thực tế. Trong hai phương pháp này chỉ có phương pháp khấu trừ là quyết định tính hiện đại và trung lập kinh tế của thuế GTGT. Còn phương pháp trực tiếp chỉ là một cách tiếp cận khoa học trong nghiên cứu nhằm chỉ rõ thuế GTGT là loại thuế chỉ đánh vào giá trị tăng thêm khi có GTGT xuất hiện hơn là để tính thuế và thu thuế trong thực hành thuế. Tính toán theo phương pháp này phức tạp và dễ gây nhầm lẫn, khó áp dụng.

Một điểm nữa cũng cần xem xét về phương pháp tính thuế, đó là đại bộ phận các đối tượng nộp thuế theo phương pháp trực tiếp đang nộp theo mức khoán mang tính chủ quan, nơi này nơi khác mức khoán chưa sát với thực tiễn nên dẫn đến không công bằng. Để xảy ra tình trạng này là thuộc về trách nhiệm của ngành thuế và ngành này phải có trách nhiệm sửa chữa.

Về phương pháp hạch toán thuế, một số doanh nghiệp hạch toán không chính xác các khoản chi phí thực tế đã phát sinh, thậm chí hạch toán cả những khoản thực tế chưa phát sinh vào tài khoản chi phí hoặc hạch toán sai các khoản mục chi phí nhằm trốn thuế.

Một phần của tài liệu Phương pháp tính và hạch toán thuế giá trị gia tăng hiện nay (Trang 27 - 30)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(37 trang)
w