ngữ học văn hoá (cultural linguistics)
Khuynh hướng này hình thành trong thập niên 1990 và bước đầu đã tạo lập được một số cơ sở về mặt phương pháp luận cho sự ra đời một môn học hoặc một chuyên ngành mà những người đề xuất gọi là "văn hoá-ngôn ngữ học", "ngôn ngữ học văn hoá", hoặc "ngôn ngữ-văn hoá học".
Đề xuất thành lập môn học mới với tên gọi "văn hoá-ngôn ngữ học" hay "ngôn ngữ học văn hoá" là nhà ngôn ngữ học, văn hoá học Trần Ngọc Thêm, trong các công trình nghiên cứu như: "Đi tìm ngôn ngữ của văn hoá và đặc trưng văn hoá của ngôn ngữ" (Việt Nam - những vấn đề ngôn ngữ và văn hoá, 1993), "Ngữ dụng học và văn hoá-ngôn ngữ học" (Tạp chí Ngôn ngữ, số 4/1999). Theo ông, đây là một môn học nằm ở ranh giới giữa ngôn ngữ học với văn hoá học, và có thể chia thành hai bộ phận: văn hoá-ngôn ngữ học trong phạm vi một dân tộc, và văn hoá-ngôn ngữ học trong phạm vi nhiều dân tộc.
Năm 2000, nhà từ vựng - ngữ nghĩa Đỗ Hữu Châu, trong bài "Tìm hiểu văn hoá qua ngôn ngữ" (Tạp chí Ngôn ngữ, số 10-2000), cũng vạch ra "một đề cương phương pháp luận" chưa đầy đủ cho việc nghiên cứu "ngôn ngữ-văn hoá học". Theo ông, mỗi từ ngữ cố định của ngôn ngữ, của tiếng Việt là một tên gọi của một yếu tố của văn hoá. Mỗi từ, mỗi ngữ cố định tự mình là một yếu tố của văn hoá.
Và ông cũng phác thảo các phương pháp giúp phát hiện ra các hiểu biết văn hoá trong ngữ nghĩa của các đơn vị ngôn ngữ.
Cũng thuộc khuynh hướng này là Nguyễn Văn Chiến, với các công trình như: "Danh từ thân tộc Việt trong hai loại hình ngôn ngữ đối chiếu: Khơme, Lào và Nga, Tiệp, Anh" (Tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 3/1992), "Nước - một biểu tượng văn hoá đặc thù trong tâm thức người Việt và từ nước trong tiếng Việt (Nghiên cứu Ngôn ngữ - Văn hoá học)" (Tạp chí Ngôn ngữ, số 15/2002), v.v.
Đặc sắc nhất trong số đó là công trình Tiến tới xác lập vốn từ vựng văn hoá
Việt (Nghiên cứu ngôn ngữ và văn hoá) (2004). Trong cuốn sách dày 356 trang,
chia làm sáu chương này, Nguyễn Văn Chiến đã khảo sát tương đối toàn diện cả về mối quan hệ "văn hoá và ngôn ngữ", và về việc "tiến tới xác lập vốn từ vựng văn hoá Việt". Mỗi chương sách đều đem lại những phát hiện mới hoặc tổng hợp, hệ thống hoá những phát hiện đã có mà tác giả thu thập được trong quá trình nghiên cứu về "ngôn ngữ-văn hoá học" và về vốn từ vựng văn hoá Việt. Chẳng hạn trong Chương hai khảo sát về "Các từ biểu thị mô hình kinh tế - xã hội lúa nước cổ truyền Việt Nam", tác giả đã xác lập được 21 nhóm từ biểu thị mô hình kinh tế - xã hội lúa nước cổ truyền của người Việt: tên gọi cây lúa, tên gọi các bộ phận cây lúa, các giống lúa, thời vụ canh tác, hệ thống canh tác, hệ thống thuỷ lợi, công đoạn canh tác, cách thức làm sạch lúa, kỹ thuật gieo trồng, kỹ thuật làm sạch lúa, cách thức xử lý đất trồng (công việc), kỹ thuật xử lý đất trồng (động tác), quá trình chế biến từ cây lúa đến các món ăn cơ bản, các sản phẩm từ cây lúa, các món ăn chế biến từ cây lúa, quá trình nấu / chế biến gạo thành cơm, những yếu tố cần thiết cho nghề trồng lúa, tên vật nuôi gắn bó với nghề trồng lúa, những khái niệm về cơ cấu cây trồng, cơ cấu bữa ăn của cư dân nông nghiệp lúa nước cổ truyền Việt Nam, phức hợp sản xuất nông nghiệp lúa nước. Mỗi nhóm từ như vậy lại bao gồm nhiều tiểu nhóm. Mặc dù tác giả đã nhầm khi cho rằng mô hình kinh tế - xã hội lúa nước cổ truyền Việt Nam là một vấn đề mà "chưa một ai làm sáng tỏ nó
trên cứ liệu và theo tinh thần nghiên cứu ngôn ngữ - văn hoá học", và việc phân
loại trên đây cũng có chỗ cần xem lại, nhưng bản danh mục rất dài mà tác giả đưa ra đã góp phần chứng minh sự gắn bó mật thiết và vốn hiểu biết phong phú, tinh tế, sâu sắc của người Việt đối với cây lúa và nghề trồng lúa. Tóm lại, có thể nói đây cũng là một công trình có vị trí quan trọng trên cả hai phương diện phương pháp luận và ứng dụng đối với việc nghiên cứu nội dung phản ánh văn hoá, lịch sử của từ vựng các ngôn ngữ ở Việt Nam.
Cũng có thể xếp vào khuynh hướng ngôn ngữ học văn hoá là một số công trình khác, như Từ vựng và đặc trưng từ vựng tiếng Bru (Vân Kiều) (Luận văn
thạc sĩ chuyên ngành ngôn ngữ học so sánh, 1997), "Ngôn ngữ học văn hoá với nhiệm vụ tìm hiểu và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc" (Bảo tồn và phát huy bản
sắc văn hoá dân tộc - vai trò của nghiên cứu và giáo dục, 1999) của Lý Tùng
Hiếu; Tìm hiểu từ ngữ sông nước trong đời sống văn hoá Việt Nam (luận văn thạc sĩ chuyên ngành ngôn ngữ học so sánh, 1997) của Nguyễn Thị Thanh Phượng, v.v.