Ứng dụng công nghệ Fenton vào xử lý nước thải ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Nghiên cứu, đánh giá và tối ưu hóa hiệu quả của quá trình oxy hóa bậc cao bằng hệ fenton trong xử lý nước thải dệt nhuộm (Trang 35 - 37)

6. Đối tượng nghiên cứu

1.2.7 Ứng dụng công nghệ Fenton vào xử lý nước thải ở Việt Nam

Công nghệ Fenton đã được sử dụng khá phổ biến trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Với tình trạng ô nhiễm nước như hiện nay, phương pháp Fenton đã được một số cơ sở nghiên cứu và ứng dụng trong xử lý nước thải.

Một dẫn chứng cụ thể đó là nghiên cứu của Trung tâm công nghệ hóa học và môi trường (Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam) đã áp dụng thành công công nghệ ECHEMTECH xử lý nước thải sản xuất thuốc trừ sâu tại Công ty thuốc trừ sâu Sài Gòn. Nhờ áp dụng quá trình công nghệ cao Fenton vào xử lý nước thải kết hợp với phương pháp sinh học, hiệu quả phân hủy các loại thuốc bảo vệ thực vật như thuốc trừ sâu, trừ cỏ, gốc clo hữu cơ, photpho hữu cơ... đạt trên 97 – 99%. Công nghệ này cũng có thể áp dụng xử lý các loại nước thải ô nhiễm bởi các chất hữu cơ bền vững, khó hoặc không thể phân hủy sinh học như nước thải dệt nhuộm, hóa chất... Với nghiên cứu này, Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh đã lấy mẫu kiểm tra xác nhận chất lượng nước thải đạt loại A theo TCVN 5945 – 1995, dư lượng thuốc trừ sâu trong nước thải sau xử lý nhỏ hơn 0,01 ppm và trên cơ sở đó đã cấp chứng nhận cho phép đưa hệ thống xử lý nước thải vào hoạt động. Hệ thống xử lý nước thải của Công ty thuốc trừ sâu Sài Gòn đã hoạt động ổn định từ giữa năm 2001 đến nay.

Cũng là một nghiên cứu xử lý nước thải sản xuất thuốc trừ sâu, vào năm 2006, nhóm nghiên cứu của Viện Môi trường Tài nguyên phối hợp với Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh đã thử nghiệm và đưa ra một mô hình xử lý nước thải thuốc trừ sâu bằng cách đưa nước thải qua bể sinh học kị khí với vật liệu đệm là xơ dừa, sau đó nước thải tiếp tục đưa qua bể bùn hoạt tính và cuối cùng là bể oxy hóa. Tại đây, tiếp tục dùng hệ Fenton để oxy hóa các chất hữu cơ trong nước

thải. Kết quả cho thấy nước thải qua bể lọc kị khí có COD giảm 30 – 50%, quá trình lọc sinh học xử lý 94,8 % COD còn lại, tiếp đến quá trình hóa học xử lý triệt để các chất ô nhiễm. Nước sau xử lý đạt tiêu chuẩn nước thải công nghiệp.

Trong một nghiên cứu về xử lý nước rỉ rác từ bãi chôn lấp chất thải rắn Thủy Phương (Thừa Thiên Huế) của Trương Quý Tùng (2009), quá trình UV – Fenton gián đoạn đã được thử nghiệm. Kết quả cho thấy quá trình UV – Fenton có thể loại bỏ đến 71% COD (COD đầu vào lên 2000 mg/l) và 90% màu nước rỉ rác ban đầu ở pH khoảng 3 với nồng độ H2O2 125 mg/l, nồng độ Fe2+= 50 mg/l sau thời gian 60 phút.

Đối với công trình xử lý nước thải nhà máy giấy bằng hệ Fenton không thể không nói đến nghiên cứu của Đào Sĩ Đức (2009). Kết quả nghiên cứu cho thấy quá trình Fenton có khả năng loại bỏ đến 92% màu ở nồng độ Fe2+ là 0,1 – 0,15 g/l, nồng độ H2O2 là 0,13 g/l ở pH = 3 sau thời gian 30 phút.

Một nghiên cứu khác của Viện di truyền Nông nghiệp Việt Nam là ứng dụng công nghệ mới xử lý làm sạch nước sông, kênh, rạch đã bị ô nhiễm lâu năm và xử lý nước thải ngay trên đường cống chảy ra kênh rạch. Hiện tượng nước bị ô nhiễm nặng ảnh hưởng tới sinh hoạt và môi trường sống của người dân là nỗi bức xúc từ lâu, đặc biệt gần đây đã phát hiện nước sông Tô Lịch là nguyên nhân làm rau ăn ở Thanh Trì bị nhiễm độc. Trước tình hình đó Viện di truyền Nông nghiệp Việt Nam đã nghiên cứu ra hoạt chất C1, C2 với tác nhân Fenton để làm sạch nước và khử mùi hôi của nước. C1 là loại bột khi hòa lẫn trong nước sẽ tạo nên sự tăng đột ngột độ pH và tất cả các kim loại nặng đang hòa tan sẽ chuyển sang kết tủa. C2 giúp lắng nhanh các chất kết tủa đang lơ lửng, tác nhân Fenton là chất oxy hóa nhanh làm nước sạch thêm và mất mùi, cho nước đảm bảo tưới tiêu và sinh hoạt.

Ngoài ra, Trần Mạnh Trí và cộng sự (2001) đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải sản xuất thuốc bảo vệ thực vật quy mô thử nghiệm 5 – 8 m3/h trong điều kiện pH trung tính. Hiệu quả xử lý đạt mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong nước thải sau xử lý < 0,01 mg/l.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu, đánh giá và tối ưu hóa hiệu quả của quá trình oxy hóa bậc cao bằng hệ fenton trong xử lý nước thải dệt nhuộm (Trang 35 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(74 trang)