6. Cấu trúc khóa luận
2.1. Nguyễn Ái Quốc với cách mạng Trung Quốc giai đoạn 1924-1927
2.1.5. Kêu gọi Quốc dân đảng thực hiện chính sách của Tôn Trung Sơn, ủng hộ
hộ các dân tộc nhược tiểu, chống chủ nghĩa đế quốc
Nhờ có mặt và hoạt động sâu rộng ở Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc có dịp trực tiếp tiếp xúc với chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn, trực tiếp thấy rõ hiệu quả của ba chính sách lớn “liên Nga, liên cộng, phù trợ công - nông” của ông đối với phong trào cách mạng của Trung Quốc, mặc dù trước đó Nguyễn Ái Quốc cũng đã tìm hiểu, nghiên cứu và có sự đánh giá đứng đắn về Tôn Trung Sơn và chủ nghĩa của ông. Trong bài Các nước đế quốc chủ nghĩa và Trung Quốc đăng trên Tạp chí Inprekorr, số 67 ra ngày 4-9-1924, Nguyễn Ái Quốc viết: “Tôn Dật Tiên – “Người cha của cách mạng Trung Quốc”, người đứng đầu của chính phủ Quảng Châu, thì luôn luôn trung thành với những nguyên lý của mình, ngay cả trong những lúc khó khăn nhất. Cương lĩnh của Đảng ông – Quốc dân đảng – là một cương lĩnh cải cách. Cương lĩnh đó gồm những điều khoản chống đế quốc và chống quân phiệt một cách rõ rệt. Đảng đó lớn tiếng tuyên bố đoàn kết với các dân tộc bị áp bức ở các nước thuộc địa và với giai cấp vô sản quốc tế” [18;142].
Đến cuối năm 1925, Nguyễn Ái Quốc đã đến Quảng Châu được hơn một năm. Tuy chưa lâu, nhưng cũng đủ để Người quan sát thấy rõ sức sống của ba chính sách lớn của Tôn Trung Sơn đối với cách mạng Trung Quốc, thấy rõ mối quan hệ của cách mạng Trung Quốc với cách mạng của nhân dân và các dân tộc bị áp bức trên thế giới, đặc biệt là quan hệ với Việt Nam và các dân tộc bị áp bức Á Đông. Do đó Nguyễn Ái Quốc rất quan tâm theo dõi Đại hội II của Quốc dân Đảng sắp được triệu tập, hy vọng cuộc đại hội này có thể quán triệt hơn nữa các chính sách của Tôn Trung Sơn và chủ chương của ông giúp đỡ liên minh với các dân tộc nhược tiểu để cùng đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc.
Ngày 6-1-1926, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Quốc dân đảng Trung Quốc chính thức khai mạc tại Quảng Châu, cùng ngày hôm đó, với bí danh Lý Thụy, Nguyễn Ái Quốc gửi một bức thư tới đoàn chủ tịch đại hội đề nghị được tới phát biểu trước đoàn chủ tịch đại hội về tình hình Việt Nam trước ách áp bức của đế quốc Pháp, để đại hội tham khảo về chủ trương giúp đỡ phong trào giải phóng dân tộc bị áp bức, vì “muốn bốc thuốc, trước hết phải hết bệnh”. Đề nghị của Nguyễn Ái Quốc được chấp nhận.
Ngày 14-1-1926, Nguyễn Ái Quốc với bí danh Vương Đạt Nhân được Đoàn Chủ tịch Đại hội mời đến dự và phát biểu ý kiến tại phiên họp thứ chín của đại hội. Chủ tịch phiên họp là Uông Vệ Tinh, bộ trưởng bộ Tuyên truyền của Quốc dân đảng. Mở đầu phiên họp, Uông Vệ Tinh đã mời Nguyễn Ái Quốc lên phát biểu và mời Lý Phú Xuân làm phiên dịch, vì Người nói bằng tiếng Pháp.
Sau lời chào mừng và cảm ơn sự hoan nghênh của các đại biểu, từ diễn đàn đại hội, Nguyễn Ái Quốc đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa của đại hội là “phát huy chủ nghĩa vĩ đại, chính sách vĩ đại của Tôn Tổng Lý, để cùng với các dân tộc bị áp bức phấn đấu”.
Bằng những sự thật đanh thép. Nguyễn Ái Quốc đã tố cáo tội ác của đế quốc Pháp trong hơn 60 năm qua, cũng là để minh chứng cho thân phận các dân tộc bị chủ nghĩa đế quốc áp bức.
Trong bài phát biểu, Nguyễn Ái Quốc còn vạch trần những âm mưu, tội ác của đế quốc Pháp đối với Hoa kiều ở Việt Nam: “Bọn đế quốc cố nhiên là áp bức người An Nam, nhưng đồng thời chúng cũng áp bức cả người Trung Quốc, điều đó các đồng chí có mặt trong Đại hội đại biểu lần thứ II này chắc chắn đều biết. Vì người Trung Quốc cũng bị đối xử như vậy. Họ cũng phải đóng thuế thân. Và tất nhiên, dù là gái trai già trẻ, họ cũng không được tự do đi lại”.
Đế quốc Pháp đã đàn áp dã man cách mạng Việt Nam và cũng sợ cả cách mạng Trung Quốc nên đã tìm mọi cách công kích Quốc dân đảng, phá hoại chính phủ cách mạng Quảng Châu.
Từ diễn đàn đại hội vang lên lời kêu gọi của Người: “Không phân biệt nước nào, dân tộc nào, tất cả hãy đứng lên chống kẻ thù chung của dân tộc chúng ta!”.
Đáp lại lời kêu gọi của Người là tiếng nói của Chủ tịch hiên họp đề nghị mọi người cùng hô to: “Cách mạng An Nam thành công muôn năm!”.