Qua công tác kiểm sát hồ sơ đình chỉ và ra Quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu, VKSND huyện X đã ban hành Kháng nghị số 113/KN-VKS ngày 15/7/2015, yêu cầu Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện X hủy bỏ Quyết định số 74/QĐ – CCTHA ngày 09/6/2015, cụ thể:
Tại phần Quyết định của Bản án dân sự sơ thẩm số 32/2014/DSPT ngày 17/4/2014 của Tòa án nhân dân tỉnh Y đã tuyên: Bà A phải hoàn trả 2000 m2 đất rừng cho anh B; còn anh B phải có nghĩa vụ trả cho bà A 80 triệu đồng.
Vào ngày 09 tháng 6 năm 2015, Chi cục thi hành án dân sự huyện X áp dụng Khoản 1 Điều 36 Luật thi hành án dân sự năm 2008 ra Quyết định số 74/QĐ – CCTHA, thi hành án theo đơn yêu cầu của anh B với nội dung là bà A hoàn trả 1/2 diện tích 2000 m2 đất rừng cho anh B, anh B tự nguyện trả cho bà A 80 triệu đồng.
Từ đây có thể thấy rằng nội dung của Quyết định số 74/QĐ-CCTHA là không đúng với nội dung đã tuyên với bản án sơ thẩm số 32/2014/DSPT mà Tòa án đã tuyên. Bên cạnh đó, việc Cục thi hành án dân sự huyện X này áp dụng Khoản 1 Điều 36 Luật thi hành án dân sự 2008:
“1. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành đối với phần bản án, quyết định sau đây:
a) Hình phạt tiền, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí;
b) Trả lại tiền, tài sản cho đương sự;
c) Tịch thu sung quỹ nhà nước, tịch thu tiêu huỷ vật chứng, tài sản;
d) Thu hồi quyền sử dụng đất và tài sản khác thuộc diện sung quỹ nhà nước;
đ) Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được bản án, quyết định, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định thi hành án.
Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi nhận được quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời do Toà án chuyển giao hoặc do đương sự giao trực tiếp, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ra quyết định thi hành án và phân công Chấp hành viên tổ chức thi hành.”
Từ đây có thể thấy việc Cục thi hành án dân sự huyện X áp dụng theo khoản này là không phù hợp.
Theo Khoản 2 Điều 36 của Luật này quy định:
“2. Ngoài các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự chỉ ra quyết định thi hành án khi có đơn yêu cầu thi hành án.
Thời hạn ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu là 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu thi hành án.”.
Có thể thấy, trong trường hợp này thì áp dụng Khoản 2 Điều 36 của Luật này là phù hợp hơn vì trường hợp này là theo yêu cầu chứ không phải chủ động ra quyết định THA. Đây chính là hành vi vi phạm pháp luật, là sai sót về nội dung thi hành án.
Như vậy, Viện kiểm sát đã thực hiện đúng về quyền hạn của mình, đã phát hiện được sai sót trong nội dung của Quyết định thi hành án, qua đó đã ban hành Kháng nghị theo đúng quyền hạn của mình.