1.5. KINH NGHIỆM VẬN DỤNG TỔ CHỨC KẾ TOÁN QUẢN TRỊ CỦA
1.5.1. Kinh nghiệm vận dụng mô hình tổ chức KTQT ở Anh và Mỹ
Anh và Mỹ là những nước có nền kinh tế thị trường phát triển hàng đầu thế giới, do vậy kế toán quản trị của hai quốc gia này đã có bề dày cả về lý luận và thực tiễn.
KTQT ở Anh và Mỹ vào những năm cuối thập kỷ 80 thế kỷ XX chủ yếu áp dụng mô hình kế toán chi phí truyền thống (Traditional Costing). Sau đó và đến ngày nay chủ yếu áp dụng mô hình kế toán chi phí theo hoạt động (Activity Based Costing). Hiện nay, KTQT thường tập trung vào các chủ đề như: khái niệm và phân loại chi phí, kế toán chi phí và tính giá thành sản phẩm theo công việc hoặc theo quy trình sản xuất, nhận thức cách ứng xử chi phí và phân tích biến động chi phí, phân tích mối quan hệ chi phí- sản lượng- lợi nhuận, ảnh hưởng phương pháp chi phí toàn bộ và phương pháp chi phí trực tiếp trong thiết lập công cụ quản trị, kế toán chi phí trên cơ sở hoạt động (ABC), dự toán hoạt động SXKD, chi phí tiêu chuẩn và sự cân bằng các nguồn lực kinh tế, dự toán linh hoạt và phân tích biến động chi phí sản xuất chung, báo cáo bộ phận và đánh giá trách nhiệm của các bộ phận, chi phí thích hợp cho quyết định kinh doanh ngắn hạn, phân bổ chi phí bộ phận trên cơ sở hoạt động, định giá sản phẩm dịch vụ,... Với sự đề cao vai trò cá nhân, vai trò của những nhà quản trị cao cấp, KTQT được xem như một công cụ bổ khuyết thông tin quản trị nên KTQT trong DN sản xuất ở Anh, Mỹ được thiết kế tập trung vào chủ đề phân tích thông tin phục vụ cho các quyết định quản trị, đề cao tính hữu ích của thông tin cho các quyết định quản trị hơn là xác lập một hệ thống thông tin toàn diện cho yêu cầu quản trị. Do đó, KTQT nổi lên hàng đầu với các mô hình, phương pháp kỹ thuật định lượng thông tin. Đồng thời, ở những nước này, KTQT là công việc riêng của DN nên Nhà nước không can thiệp sâu vào chuyên môn, nghiệp vụ. Những năm gần đây, mặc dầu vẫn duy trì khuynh hướng đặc trưng như trước nhưng KTQT trong DN ở Anh, Mỹ đã xuất hiện một vài thay đổi về cấu trúc thông tin, nâng cao tính định tính của thông tin, tính kiểm soát để bổ sung cho những thiếu sót, lạc hậu, không hữu hiệu so với thế giới. Trong suốt quá trình đó, KTQT luôn được nhận thức là một bộ phận chuyên môn; tuy nhiên, tổ chức vận hành KTQT có những chuyển biến khác nhau. Từ một bộ phận thuộc kế toán đến bộ phận thuộc Ban giám đốc.
Qua nghiên cứu nội dung KTQT của Anh và Mỹ, ta rút ra được các bài học kinh nghiệm sau:
- Xây dựng hệ thống thông tin chi phí của doanh nghiệp phục vụ cho các cấp quản trị doanh nghiệp. Hệ thống thông tin chi phí phụ thuộc vào đặc thù kinh doanh
của các doanh nghiệp khác nhau thì khác nhau. Thông tin chi phí của doanh nghiệp thường bao gồm: Chi phí sản xuất, chi phí đầy đủ cho các đối tượng chịu chi phí như phân xưởng, sản phẩm, quy trình sản xuất.
- Xây dựng hệ thống dự toán chi phí cho toàn doanh nghiệp, bao gồm các dự toán chi phí sản xuất và chi phí ngoài sản xuất. Dự toán chi phí chính là căn cứ để phân tích kết quả thực hiện so với các dự toán đã đưa ra. Thông qua việc phân tích thấy được tính khoa học của các dự toán và kết quả thực hiện các công việc của các cấp quản trị để từ đó có các biện pháp ứng xử cho phù hợp với từng quyết định chi phí. - Phương pháp xác định chi phí có thể áp dụng một trong hai mô hình: mô hình kế toán chi phí truyền thống hoặc mô hình kế toán chi phí theo hoạt động tuỳ theo đặc điểm hoạt động kinh doanh cụ thể của các DN.
Như vậy hệ thống thông tin kế toán quản trị chi phí đã giúp cho các nhà quản trị kinh doanh giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng lợi nhuận và đó là động lực để các DN tồn tại và phát triển bền vững trên thương trường.