Nhóm các kiến nghị, giải pháp góp phần hoàn thiện pháp luật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải quyết tranh chấp lao động bằng hoà giải trong pháp luật lao động việt nam thực trạng và giải pháp 07 (Trang 80 - 83)

2.4.2 .Trình tự hòa giải tranh chấp lao động do Tòa án nhân dân thực hiện

3.2. Các giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp lao động

3.2.1. Nhóm các kiến nghị, giải pháp góp phần hoàn thiện pháp luật

Thứ nhất, cần quy định hòa giải bằng Hòa giải viên lao động và Hội đồng trọng tài lao động là thủ tục mang tính chất tự nguyện.

Pháp luật lao động cần quy định hòa giải bằng HGVLĐ và HĐTTLĐ là thủ tục mang tính tự nguyện chứ không nên bắt buộc các bên phải giải quyết TCLĐ bằng hòa giải như hiện nay (trừ một số vụ tranh chấp cá nhân được quy định tại các điểm a,b,c,d,đ Khoản 1 Điều 201 BLLĐ và các tranh chấp tập thể về quyền) để khi các bên không muốn hòa giải hoặc không thể hòa giải, họ có thể bỏ qua thủ tục này để tìm đến những phương pháp khác nhằm nhanh chóng giải quyết vụ tranh chấp. Quy định thủ tục hòa giải có tính chất tự nguyện là phù hợp với bản chất của hoạt động hòa giải và sẽ khắc phục được những bất cập trong việc kéo dài thời gian giải quyết TCLĐ, hạn chế tính hình thức của hoạt động hòa giải trong một số trường hợp mà vẫn bảo đảm quyền được hòa giải của các bên cũng như hiệu quả của hoạt động hòa giải trong giải quyết TCLĐ.

Pháp luật lao động không nên qui định hoà giải là bắt buộc, nhưng không hạn chế quyền của các bên đưa việc tranh chấp ra hoà giải. Tuy nhiên, BLLĐ hiện hành đã qui định: nếu đã có yêu cầu hoà giải, thì chỉ khi hoà giải không thành, hoặc không tiến hành hoà giải được, các bên mới có quyền khởi kiện đến Toà án. Vì vậy tác giả kiến nghị đối với các tranh chấp lao động cá nhân thì hoà giải nên là thủ tục mang tính tự nguyện để tránh hình thức, tốn kém thời gian, tiền bạc và ảnh hưởng đến hoạt động của cả hai bên.

Thứ hai, khẩn trương xây dựng Luật Tố tụng lao động.

Tại chương 2 Luận văn đã chỉ ra những vướng mắc, bất cập khi giải quyết TCLĐ theo thủ tục tố tụng dân sự. QHLĐ có những đặc thù riêng, bởi vậy tố tụng lao động cần phải được được tiến hành theo thủ tục riêng. Việc xây dựng Luật tố tụng lao động là hết sức cấp thiết và phải tuân thủ “tính tối thượng” trong các quy định của Hiến pháp là bảo đảm quyền con người và đồng bộ với BLLĐ hiện hành, Luật Công đoàn năm 2012. Yêu cầu này nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, tránh sự chồng chéo giữa các chế định trong hệ thống pháp luật ở nước ta, đồng thời tạo điều kiện cho công đoàn thực hiện đúng chức năng của mình. Bên cạnh đó phải thể hiện đầy đủ nhất, rõ nét nhất tính đặc thù của quan hệ lao động và tạo cơ sở, nền tảng cho Luật Tố tụng lao động vận hành.

Định hướng xây dựng Luật TTLĐ là : Dựa trên nền tảng của tố tụng dân sự hiện hành cần xây dựng các nguyên tắc, thủ tục đặc thù phù hợp với tính chất, đặc điểm của quan hệ lao động và của TCLĐ; chuyên môn hóa và chuyên nghiệp hóa công tác xét xử vụ án lao động; phù hợp với định hướng cải cách tư pháp, khẳng định vai trò, vị trí, quyền và trách nhiệm của tổ chức Công đoàn, tạo hành lang pháp lý cho Công đoàn hoạt động.

Về xây dựng một số chế định cụ thể trong Luật TTLĐ, tác giả Luận văn mạnh dạn kiến nghị như sau:

- Chế định tranh chấp trong Luật TTLĐ: Theo qui định tại Khoản 8,9 Điều 3 BLLĐ đã định nghĩa TCLĐ tập thể về quyền và TCLĐ tập thể về lợi ích nhưng cần đưa ra căn cứ xác định vụ việc tranh chấp lao động tập thể về quyền, về lợi ích để cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp là HĐTTLĐ không lúng túng hoặc thậm chí không phân biệt được đâu là tranh chấp lao động về quyền, đâu là tranh chấp lao động về lợi ích như tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2013 vừa qua xảy ra 98 vụ TCLĐ tập thể nhưng HĐTTLĐ thành phố chỉ giải quyết được 2/98 vụ vì lý do đã nêu trên;

- Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cần được quy định dài hơn để phù hợp với đặc thù của quan hệ lao động và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các bên, đặc biệt là cho NLĐ;

- Về thủ tục khởi kiện: việc giải quyết tranh chấp lao động đòi hỏi thủ tục tố tụng tại Toà án phải đơn giản, thông thoáng nhằm tạo cơ hội và khả năng tốt nhất để NLĐ và NSDLĐ đều muốn đưa việc tranh chấp đến TA. Các qui định về điều kiện khởi kiện, phạm vi khởi kiện, thời hiệu khởi kiện cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung và hướng dẫn cho phù hợp với đặc thù của QHLĐ;

- Sự tham gia tố tụng của tổ chức Công đoàn: trong QHLĐ, đặc biệt là ở Việt Nam, khả năng tranh tụng tại Toà án của NLĐ nhìn chung còn rất hạn chế. Do vậy, pháp luật về tố tụng cần phải có những qui định phù hợp để tạo được sự cân bằng lợi thế về quyền, nghĩa vụ chứng minh trong giải quyết TCLĐ, đồng thời bảo đảm để tổ chức Công đoàn được tham gia một cách hiệu quả trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động tại phiên toà lao động. Luật cũng cần quy định rõ chủ thể, quyền và trách nhiệm của Công đoàn với 2 tư cách: Công đoàn tham gia tố tụng và Công đoàn là người tiến hành tố tụng. Như vậy, mỗi phiên tòa sẽ cần có cán bộ công đoàn đủ năng lực đảm nhận 2 vị trí này. Mô hình tài phán tư pháp về lao động: xu hướng vận động phát triển của các quan hệ kinh tế trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu rộng, điều đó cho thấy tranh chấp lao động sẽ ngày càng phổ biến. Do đó, cơ chế tài phán về lao động cũng phải thay đổi để đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam. Nhiều nước trên thế giới hiện nay (kể cả các nước công nghiệp phát triển và đang phát triển) đều tổ chức các Toà án lao động độc lập và giải quyết các tranh chấp lao động rất có hiệu quả, như: Cộng hoà liên bang Đức, Trung Quốc, Thái Lan, Phillippin...

- Phải có cơ chế bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động sau khi họ ra tòa làm chứng chống lại người sử dụng lao động.

Theo quy định của pháp luật, mọi công dân đều có quyền được Nhà nước bảo vệ tránh các nguy cơ bị xâm hại các quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người làm chứng trong các vụ TCLĐ, nhằm thu thập được đầy đủ chứng cứ chứng minh từ những người này, các cơ quan tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp bảo vệ, tạo điều kiện cho họ tham gia cung cấp các thông tin đầy đủ chính xác, không bị ràng buộc bởi bất cứ sự đe dọa, mua chuộc, khống chế nào. Việc bảo vệ này không những thể hiện trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động nói riêng và của công dân nói chung mà còn góp phần tạo lập và củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân vào Nhà nước, trước hết là vào các cơ quan bảo vệ pháp luật góp phần giải quyết các TCLĐ một cách nhanh chóng chính xác.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải quyết tranh chấp lao động bằng hoà giải trong pháp luật lao động việt nam thực trạng và giải pháp 07 (Trang 80 - 83)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(94 trang)