Thực tiễn thi hành pháp luật về phòng, chống khủng bố

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Pháp luật Quốc tế với vấn đề khủng bố quốc tế một số vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 125 - 127)

- Uỷ ban châu Âu Tư pháp và Nội vụ Tài liệu khủng bố

3.2. Thực tiễn thi hành pháp luật về phòng, chống khủng bố

Hệ thống các văn bản pháp luật về phòng, chống khủng bố Việt Nam về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu của công tác phòng, chống khủng bố ở nước ta trong một thời gian dài. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ như hiện nay, thực tiễn hoạt động phòng, chống khủng bố đã nảy sinh nhiều vấn đề vướng mắc, bất cập về khía cạnh pháp lý cần được nghiên cứu và giải quyết.

Dù các quy định về tội phạm khủng bố được sửa đổi, bổ sung đã đáp ứng được một số yêu cầu về mặt pháp lý nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện như:

- Khái niệm về hành vi khủng bố vẫn chưa được quy định một cách rõ ràng, thống nhất trong các điều luật về các tội phạm khủng bố, do đó cùng một hành vi có thể bị truy tố theo hai tội danh trong trường hợp dấu hiệu về mục đích không rõ ràng. Hành vi khách quan của tội khủng bố được quy định tại Điều 230a Bộ luật Hình sự gồm 3 nhóm hành vi: xâm phạm tính mạng của người khác hoặc phá huỷ tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân; đe doạ xâm phạm tính mạng của người khác hoặc phá huỷ tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc có những hành vi uy hiếp tinh thần; xâm phạm tự do thân thể, sức khoẻ của người khác hoặc chiếm giữ, làm hư hại tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Các hành vi này phải nhằm mục đích gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng mới được coi là khủng bố [1, tr. 25]. Mục đích nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Trường hợp người thực hiện một trong các hành vi nêu trên những với mục đích khác thì tuỳ trường hợp cụ thể (với điều kiện thoả mãn các dấu hiệu của cấu thành tội phạm tương ứng), người thực hiện hành vi vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương tự như: tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân quy định tại Điều 84 Bộ luật Hình sự, tội giết người quy định tại Điều 93 BLHS, tội đe doạ giết người quy định tại Điều 103 BLHS,

tội bắt giữ hoặc giam giữ người trái pháp luật quy định tại Điều 123 BLHS, tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản quy định tại Điều 143 BLHS…

- Hành vi khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân theo quy định tại Điều 84 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) có đối tượng tác động là con người, tuy nhiên, thực tiễn cho thấy hoạt động khủng bố còn nhằm tấn công vào các mục tiêu vật chất khác với mục đích chống chính quyền nhân dân. Do đó, cần có sự nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung để điều luật được chặt chẽ hơn.

- Thực tiễn thi hành pháp luật tương trợ tư pháp về hình sự đối với tội phạm khủng bố còn có những hạn chế, vướng mắc do sự khác biệt giữa quan niệm khủng bố của Việt Nam và các quốc gia cũng như việc gia nhập các công ước quốc tế về chống khủng bố của Việt Nam còn chưa kịp thời. Trong BLHS 1999, tội khủng bố được quy định tại chương XI, các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia. Đối chiều với các quy định về phòng, chống khủng bố trong các văn kiện pháp lý quốc tế, sự khác biệt trong quy định về tội khủng bố trong pháp luật Việt Nam là tội phạm này phải có mục đích chống chính quyền nhân dân. Vì nhận định, tội phạm khủng bố theo quy định của pháp luật Việt Nam là tội phạm chính trị nên một số quốc gia đã từ chối dẫn độ các đối tượng khủng bố theo yêu cầu của Việt Nam. Đây được coi là vướng mắc của Việt Nam trong tiến trình hợp tác quốc tế đấu tranh chống khủng bố. Dù đã sửa Điều 84 quy định về tội khủng bố thành tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân, bổ sung Điều 230a quy định tội khủng bố và Điều 230b quy định tội tài trợ khủng bố nhưng pháp luật về phòng, chống khủng bố của Việt Nam vẫn có những nét chưa tương đồng so với quy định trong các điều ước quốc tế về phòng, chống khủng bố. Vì vậy, trong tiến trình hướng tới xây dựng một đạo luật chuyên biệt về phòng, chống tội phạm khủng bố, Việt Nam cần có sự điều chỉnh các quy định hiện hành để việc phòng, chống khủng bố, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống khủng bố thật sự đạt được hiệu quả.

- Hệ thống các văn bản pháp luật về phòng, chống khủng bố còn thiếu đồng bộ và chưa thống nhất do chưa có văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực cao để điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực phòng, chống khủng bố. Trong thời gian qua, không thể phủ nhận những nỗ lực của Đảng và Nhà nước ta trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước về phòng, chống khủng bố tuy nhiên việc nhiều Bộ, ngành có thẩm quyền ban hành các văn bản có liên quan đến phòng, chống khủng bố trong lĩnh vực mình quản lý dẫn đến việc pháp luật thiếu đồng bộ và thiếu tính thống nhất. Do đó, Việt Nam cần xây dựng một đạo luật chuyên biệt trong đó đưa ra những quy định cụ thể, thống nhất. Đạo luật này sẽ đóng vai trò nền tảng, định hướng cho hệ thống pháp luật về phòng, chống khủng bố của Việt Nam.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Pháp luật Quốc tế với vấn đề khủng bố quốc tế một số vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 125 - 127)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(150 trang)