Về chủ thể được hưởng ưu đãi và diện ưu đãi

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo pháp luật việt nam và thực tiễn áp dụng tại thành phố hải dương (Trang 52 - 59)

2.2. Thực trạng pháp luật và thực tiễn thi hành những quy định

2.2.2. Về chủ thể được hưởng ưu đãi và diện ưu đãi

Nghị định 124/2008/NĐ-CP quy định chi tiết về thuế TNDN đã cụ thể hóa về ưu đãi thuế, tuy nhiên Nghị định này mới tập trung ưu đãi đối với những dự án, doanh nghiệp có liên quan đến ngành, lĩnh vực đầu tư và địa bàn đầu tư trong khi đó chưa chú trọng đến quy mô vốn, doanh thu của doanh

nghiệp. Hơn 2.800 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hải Dương đều là những doanh nghiệp vừa và nhỏ với số vốn đầu tư không quá lớn, ngành nghề sản xuất đều là những ngành nghề thông thường nên có rất ít các doanh nghiệp được hưởng sự ưu đãi. Nếu chấp hành nghiêm chỉnh Luật thuế thì chi phí tuân thủ của các doanh nghiệp này đều ở mức cao. Ngoài ra cũng do những quy định tại Luật thuế TNDN năm 2008 không rõ ràng khi quy định về chủ thể ưu đãi thuế TNDN khiến cho khá nhiều doanh nghiệp còn nhầm lẫn trong việc áp dụng. Cụ thể:

Năm 2011 Tòa án nhân dân thành phố Hải Dương đã nhận được đơn kiện của DNTN Quỳnh Hương kiện Chi cục thuế thành phố Hải Dương về chính sách ưu đãi thuế TNDN. Nội dung vụ việc như sau:

- Đoàn kiểm tra của Chi cục thuế thành phố Hải Dương có quyết định tiến hành kiểm tra thuế tại DNTN Quỳnh Hương, thời kỳ kiểm tra từ năm 2005 đến tháng 10 năm 2009. Khi lập biên bản kiểm tra thì đoàn đã xác định DNTN Quỳnh Hương không đủ điều kiện được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo quy định của pháp luật. Sau khi tiến hành lập biên bản với đầy đủ chữ ký của chủ doanh nghiệp, Chi cục thuế thành phố Hải Dương đã ban hành Quyết định số 51b/QĐ-CCT ngày 21/12/2009 về việc xử phạt vi phạm pháp luật về thuế khi tiến hành kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế. Căn cứ vào Quyết định truy thu và xử phạt nêu trên, DNTN Quỳnh Hương phải nộp vào NSNN số tiền là 280.459.024 triệu đồng (Lý do truy thu là vì đơn vị không đủ điều kiện được hưởng ưu đãi thuế theo quy định nên đơn vị đã làm giảm số thuế TNDN phải nộp).

- Sau khi có quyết định kiểm tra, DNTN Quỳnh Hương đã chấp hành nộp đủ số tiền nêu trên vào NSNN. Tuy nhiên, ngay sau đó, DNTN Quỳnh Hương có làm đơn gửi Cục thuế tỉnh Hải Dương hỏi về chính sách ưu đãi thuế TNDN đồng thời làm đơn kiến nghị lên Cục thuế tỉnh Hải Dương với nội

dung là doanh nghiệp hoàn toàn đủ điều kiện được hưởng ưu đãi, và nội dung tại Quyết định số 51b của Chi cục thuế thành phố Hải Dương là không đúng.

- Ngày 13/02/2010, Cục thuế tỉnh Hải Dương đã có Quyết định số 359/QĐ-CT trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, trong đó nêu rõ DNTN Quỳnh Hương không đủ điều kiện để được hưởng ưu đãi thuế TNDN.

- Ngày 16/3/2010, DNTN Quỳnh Hương tiếp tục gửi công văn thắc mắc về chính sách ưu đãi thuế TNDN, theo những ý kiến đã nêu trong công văn thì DNTN Quỳnh Hương vẫn đủ điều kiện được ưu đãi thuế. Bởi theo doanh nghiệp, điều kiện “doanh nghiệp mới thành lập từ dự án đầu tư” không phải là điều kiện bắt buộc để được hưởng ưu đãi thuế TNDN.

- Chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng, DNTN Quỳnh Hương tiếp tục gửi đơn lên Tổng Cục thuế để được xem xét. Tuy nhiên do đơn vượt cấp nên Tổng Cục thuế đã có công văn chuyển trả lại cho Cục thuế tỉnh Hải Dương. Đến ngày 16/10/2010, Chi cục thuế thành phố Hải Dương đã có buổi gặp mặt trực tiếp với doanh nghiệp để giải quyết vụ việc. Trong biên bản đối thoại, Chi cục thuế thành phố Hải Dương đã thừa nhận thiếu sót khi ban hành Quyết định số 51b, bởi ngày ký biên bản là ngày 23/12/2009, trong khi ngày ban hành Quyết định lại là ngày 21/12/2009. Điểm này Chi cục đã nhận sai sót là do lỗi đánh máy nhầm từ ngày 24 sang ngày 21. Tuy nhiên Chi cục thuế vẫn bác bỏ quan điểm của DNTN Quỳnh Hương về việc doanh nghiệp đủ điều kiện được hưởng ưu đãi; theo buổi làm việc, Chi cục thuế đã nêu rõ theo quy định pháp luật thì “doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư” là điều kiện bắt buộc để được hưởng ưu đãi và điều kiện của DNTN Quỳnh Hương là không đủ do:

+ Ngay trong nội dung đơn khiếu nại của doanh nghiệp đã nêu rõ: Đơn vị không phải thành lập mới từ dự án đầu tư.

thành lập từ năm 2005 với ngành nghề là sản xuất bánh đậu xanh, thực tế hoạt động của doanh nghiệp như sau: Do trước đây công ty Quê Hương trực tiếp sản xuất bánh đậu để xuất khẩu nhưng đến năm 2005, công ty Quê Hương hoàn toàn không trực tiếp tham gia vào sản xuất bánh đậu xanh nữa mà ký hợp đồng với DNTN Quỳnh Hương giao cho DNTN Quỳnh Hương làm gia công sản xuất bánh đậu xanh sau đó bán lại cho công ty Quê Hương để xuất khẩu. Chủ DNTN Quỳnh Hương là con gái của ông chủ tịch HĐQT công ty Quê Hương; DNTN Quỳnh Hương có địa chỉ nằm trong công ty cổ phần Quê Hương, toàn bộ văn phòng, nhà xưởng, nhà kho, trang thiết bị con người phục vụ sản xuất đều được công ty Quê Hương thuê, chuyển giao và toàn bộ công thức sản xuất bánh đậu xanh, đơn giá tiền lương cho người lao động đều do công ty Quê Hương xây dựng và giao lại cho DNTN Quỳnh Hương để thực hiện. 100% doanh thu của DNTN là làm hàng gia công sản xuất bánh đậu xanh cho công ty Quê Hương, do vậy DNTN Quỳnh Hương không phải doanh nghiệp mới thành lập từ dự án đầu tư. Hơn nữa theo quy định tại Điều 15 Nghị định 124/2008/NĐ-CP của Chính phủ ngày 11/12/2008 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế TNDN thì điều kiện được hưởng ưu đãi là “doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư tại những vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn”, ngoài ra còn phải đáp ứng một số yêu cầu nhất định. Do vậy DNTN Quỳnh Hương không đủ điều kiện để được hưởng ưu đãi.

- Do không đồng ý với nội dung buổi làm việc, đến tháng 01/2011, DNTN Quỳnh Hương đã khởi kiện ra tòa án nhân dân thành phố Hải Dương với nội dung yêu cầu hủy bỏ Quyết định 51b của Chi cục thuế thành phố Hải Dương và đề nghị được truy hoàn số tiền thuế đã nộp vào NSNN.

- Sau khi thụ lý vụ án, ngày 24/8/2011, Tòa án nhân dân thành phố Hải Dương đã ra bán án số 01/2011/HCST về việc khiếu kiện quyết định

hành chính. Trong bản án có nêu rõ tính hợp pháp của QĐ số 51b về hình thức và nội dung; quyết định cuối cùng của bản án là hủy bỏ toàn bộ nội dung của Quyết định 51b và buộc Chi cục trưởng Chi cục thuế thành phố Hải Dương làm thủ tục hoàn trả lại số tiền 280.459.024 đồng cho DNTN Quỳnh Hương, đồng thời phải bồi thường số tiền 70.807.342 đồng cho doanh nghiệp và phải chịu toàn bộ án phí sơ thẩm cũng như án phí dân sự trong vụ án hành chính này.

- Không đồng ý với quyết định của Tòa án nhân dân thành phố Hải Dương, Chi cục thuế thành phố Hải Dương đã làm đơn kháng cáo gửi lên Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương đề nghị xem xét lại quyết định của bản án sơ thẩm.

- Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương đã thụ lý vụ án và đến năm 2012 đã ra bản án phúc thẩm, trong đó quyết định hủy bỏ bản án sơ thẩm, và đưa ra kết luận DNTN Quỳnh Hương không đủ điều kiện được hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật.

Qua vụ án trên, có thể thấy những quy định về chủ thể và diện ưu đãi thuế còn chưa rõ ràng, gây sự nhầm lẫn cho doanh nghiệp cũng như khó khăn khi làm việc cho đội ngũ nhân viên thuế. Luật thuế TNDN năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành không nêu rõ thế nào là doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư, những doanh nghiệp này có đặc điểm và cần những thủ tục như thế nào để được hưởng ưu đãi thuế. Chỉ đến khi áp dụng vào thực tế, phát sinh vấn đề thì mới thấy được sự bất cập này của các văn bản luật. Ở vụ án trên, sau khi bản án phúc thẩm có hiệu lực, DNTN Quỳnh Hương đã gửi công văn lên Bộ Tài chính và Tổng Cục thuế; để tạo điều kiện cho doanh nghiệp nên Bộ Tài chính đã có văn bản trả lời, không bác bỏ những quy định trong Quyết định số 51b của Chi cục thuế và cũng không yêu cầu Chi cục thuế TP Hải Dương phải bồi thường thiệt hại như quyết định của bản án sơ

thẩm; tuy nhiên để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, trong công văn Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo Chi cục thuế thành phố Hải Dương tạo điều kiện xem xét cho DNTN Quỳnh Hương được hưởng ưu đãi để phát triển sản xuất,mở rộng kinh doanh. Như vậy, từ những chính sách không rõ ràng về chủ thể và diện ưu đãi thuế TNDN, khi đưa vào áp dụng sẽ gây khó khăn cho cả doanh nghiệp và cán bộ thuế, chỉ đến khi có vướng mắc thì mới có công văn hay văn bản điều chỉnh nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

Vấn đề trên đã được sửa đổi gần như hoàn toàn trong Luật thuế TNDN số 32/2013/QH13 và trong Nghị định 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật thuế TNDN. Theo khoản 7 Điều 1 Luật thuế TNDN số 32/2013/QH13 quy định:

7. Điều 13 được sửa đổi, bổ sung như sau: Điều 13. Ưu đãi về thuế suất

1. Áp dụng thuế suất 10% trong thời gian mười lăm năm đối với: a) Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khu kinh tế, khu công nghệ cao;

b) Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới, bao gồm: nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; ứng dụng công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định của Luật Công nghệ cao; ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; đầu tư mạo hiểm cho phát triển công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quy định của Luật Công nghệ cao; đầu tư xây dựng - kinh doanh cơ sở ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng đặc biệt quan trọng của Nhà nước theo quy định của pháp luật; sản xuất

sản phẩm phần mềm; sản xuất vật liệu composit, các loại vật liệu xây dựng nhẹ, vật liệu quý hiếm; sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, năng lượng từ việc tiêu hủy chất thải; phát triển công nghệ sinh học; bảo vệ môi trường;

c) Thu nhập của doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy định của Luật Công nghệ cao;

d) Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới trong lĩnh vực sản xuất (trừ dự án sản xuất mặt hàng thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, dự án khai thác khoáng sản) đáp ứng một trong hai tiêu chí sau:

- Dự án có quy mô vốn đầu tư tối thiểu sáu nghìn tỷ đồng, thực hiện giải ngân không quá ba năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đầu tư và có tổng doanh thu tối thiểu đạt mười nghìn tỷ đồng/năm, chậm nhất sau ba năm kể từ năm có doanh thu;

- Dự án có quy mô vốn đầu tư tối thiểu sáu nghìn tỷ đồng, thực hiện giải ngân không quá ba năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đầu tư và sử dụng trên ba nghìn lao động [28, Điều 1, khoản 7]. Theo quy định của Luật thuế TNDN số 32/2013/QH13 thì được hưởng ưu đãi không còn là “doanh nghiệp được thành lập mới từ dự án đầu tư” với những điều kiện kèm theo nữa mà đã là thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới với những điều kiện đi kèm. Với những quy định này thì diện được hưởng ưu đãi đã thu hẹp lại hơn rất nhiều cùng với đó các nhà làm luật cũng đã chú trọng hơn đến nguồn vốn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, với những điều kiện hưởng ưu đãi như vậy, thì trên thực tế địa bàn thành phố Hải Dương số lượng doanh nghiệp được hưởng ưu đãi sẽ gần như không có, bởi những doanh nghiệp này đều là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, số vốn đầu tư không quá lớn. Đây cũng là điểm mà những doanh nghiệp trên địa bàn

thành phố Hải Dương và địa bàn những thành phố có tình hình kinh tế xã hội tương tự đều bị hạn chế về ưu đãi thuế.

Những quy định mới tại Luật thuế TNDN năm 2013 và những văn bản hướng dẫn kèm theo đã phần nào tháo gỡ được những thắc mắc và khó khăn cho doanh nghiệp, tránh được sự nhầm lẫn. Đặc biệt theo quy định tại Luật thuế TNDN số 32/2013/QH13, Nghị định 218/2013/NĐ-CP, Thông tư 78/2014/TT-BTC, Thông tư 119/2014/TT-BTC thì những lần sửa đổi này các nhà làm luật đã chú trọng đến ưu đãi đối với dự án đầu tư mở rộng. Tuy nhiên những vướng mắc ban đầu vẫn còn chưa rõ ràng như:

Theo quy định trong Luật thuế số 32/2013/QH2013 thì chủ thể và diện được hưởng ưu đãi là “Thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới”; vậy phải hiểu “doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới” như thế nào? Nếu theo quy định này có thể có 2 cách hiểu như sau:

+ Doanh nghiệp đã thành lập và tiếp tục đầu tư thực hiện một dự án mới; + Doanh nghiệp được thành lập từ một dự án đầu tư mới.

Theo Thông tư 78/2014/TT-BTC và Thông tư 119/2014/TT-BTC thì có thể hiểu đây là doanh nghiệp được thành lập từ một dự án đầu tư mới, như vậy không thay đổi nhiều so với Luật thuế TNDN năm 2008. Nhưng điểm này vẫn dễ gây hiểu lầm cho các doanh nghiệp giống như vụ án đã nêu ở trên. Và trên thực tế hoạt động, kể từ khi Luật thuế TNDN số 32/2013/QH13 có hiệu lực, Chi cục thuế thành phố Hải Dương đã nhận được khá nhiều công văn thắc mắc của các doanh nghiệp trên địa bàn hỏi về vấn đề diện ưu đãi thuế TNDN.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp theo pháp luật việt nam và thực tiễn áp dụng tại thành phố hải dương (Trang 52 - 59)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(111 trang)