Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm hợp đồng và thiệt hại xảy ra

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng dân sự theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam (Trang 44 - 49)

2.1.3 Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm hợp đồng và thiệt hại xảy ra thiệt hại xảy ra

Theo từ điển tiếng Việt thì quan hệ nhân quả được định nghĩa là “sự gắn bó chặt chẽ, có tác động qua lại lẫn nhau của các sự vật, sự việc”, [15]. Quan hệ nhân quả là quan hệ phổ biến giữa các sự kiện, sự vật, sự việc với hậu quả xảy ra. Hành vi không thực hiện, thực hiện không đúng, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng phải được xác định là nguyên nhân của thiệt hại.

Khoa học pháp lý xác định một nguyên nhân có thể dẫn tới một kết quả nhưng cũng có thể dẫn tới nhiều kết quả và một kết quả cũng có thể do một hoặc nhiều nguyên nhân gây ra.

Hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân gây ra thiệt hại và giữa hành vi vi phạm hợp đồng và thiệt hại xảy ra có mối quan hệ nhân quả với nhau. Chừng nào chưa xác định được hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân của thiệt hại, thì không thể buộc người vi phạm hợp đồng phải bồi thường. Nhận định này có ý nghĩa về mặt pháp lý, và được áp dụng trong những trường hợp cụ thể là một người không thực hiện hợp đồng do có những nguyên nhân bất khả kháng thì người đó được miễn trách nhiệm dân sự.

Xét về hình thức của nguyên nhân thì có nhiều loại nguyên nhân gồm nguyên nhân trực tiếp, nguyên nhân gián tiếp, nguyên nhân bên trong, nguyên nhân bên ngoài, nguyên nhân chủ yếu, nguyên nhân thứ yếu, nguyên nhân sâu xa, nhưng xét mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân của thiệt hại thì việc phân biệt loại nguyên nhân không gây ảnh hưởng đến trách nhiệm dân sự của bên vi phạm hợp đồng. Bên vi phạm hợp đồng đã không thực hiện những cam kết trong hợp đồng được coi là hành vi trái pháp luật vì hành vi đó xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của bên có quyền trong hợp đồng bị vi phạm.

Hành vi vi phạm hợp đồng và thiệt hại xảy ra đối với các bên tham gia hợp đồng là các yếu tố cấu thành trách nhiệm dân sự. Hành vi vi phạm hợp đồng thường gây ra thiệt hại cho các bên trong hợp đồng, và ngược lại thiệt hại trong hợp đồng phải xuất phát từ hành vi vi phạm. Hai yếu tố này luôn có mối liên hệ nhân quả với nhau. Nếu một hành vi được coi là vi phạm hợp đồng nhưng lại không có thiệt hại xảy ra thì trách nhiệm dân sự cũng không phát sinh. Và nếu có thiệt hại xảy ra nhưng thiệt hại lại không có mối liên hệ với hành vi của một trong các bên chủ thể tham gia hợp đồng thì các bên chủ thể

trong hợp đồng cũng không phải chịu trách nhiệm dân sự (trừ trường hợp các bên tham gia quan hệ hợp đồng có thỏa thuận về các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, bên vi phạm hợp đồng cho dù chưa gây ra thiệt hại, nhưng những tài sản là đối tượng của các biện pháp bảo đảm vẫn được xử lý để bảo đảm quyền của bên bị vi phạm trong hợp đồng).

Người có hành vi vi phạm hợp đồng không nhất thiết phải có trách nhiệm bồi thường tất cả các thiệt hại phát sinh sau khi xảy ra hành vi gây thiệt hại của mình. Chỉ những thiệt hại nào là hệ quả tất yếu của hành vi vi phạm mới thuộc phạm vi trách nhiệm của chủ thể có hành vi vi phạm. Nói cách khác, người có hành vi vi phạm chỉ phải chịu trách nhiệm đối với những thiệt hại mà mình là người trực tiếp gây ra. Đây là một nguyên tắc khá đơn giản nhưng không dễ áp dụng. Việc xác định thiệt hại nào là hậu quả của hành vi vi phạm và hành vi vi phạm nào dẫn đến thiệt hại là một công việc cần thiết nhưng cũng không dễ thực hiện.

Mọi trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng đều có giới hạn riêng của nó. Một khi đã xác định được người có hành vi vi phạm, thì phạm vi thiệt hại thuộc trách nhiệm của người có hành vi vi phạm được luật giới hạn tùy trường hợp. Nguyên tắc được thừa nhận trong pháp luật dân sự hiện hành là nếu như từ một hành vi vi phạm mà có nhiều thiệt hại phát sinh cùng một lúc hoặc liên tục xảy ra trong cùng một thời gian, thì người có hành vi vi phạm vẫn chỉ phải chịu trách nhiệm dân sự theo hợp đồng đến một giới hạn nào đó.

Việc xác định mối liên hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại xảy ra đóng một vai trò rất quan trọng trong việc xác định trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng. Thông thường, việc kết luận về hành vi vi phạm dẫn đến thiệt hại được tòa án thực hiện tùy theo từng vụ việc mà pháp luật dân sự không đề ra nguyên tắc áp dụng. Tuy nhiên, những sai lầm không tất yếu dẫn đến thiệt hại đương nhiên không thể được coi là hành vi vi phạm có quan hệ

nhân quả với thiệt hại liên quan đến hợp đồng. Trên thực tế, thiệt hại thường gắn với nhiều nguyên nhân khác nhau và do đó việc xác định mối quan hệ nhân quả giữa nguyên nhân là hành vi vi phạm với thiệt hại là hậu quả gây ra để gắn trách nhiệm dân sự theo hợp đồng đối với một chủ thể là một việc làm quan trọng.

Trong học thuyết pháp lý phương Tây, vấn đề được giải quyết tuỳ theo việc người ta lựa chọn giữa học thuyết về sự tương đương của các điều kiện (équivalence des conditions) và học thuyết về mối liên hệ nhân quả thích ứng (causalité adéquate), [9].

 Theo học thuyết về sự tương đương giữa các điều kiện, thì tất cả những tình huống dẫn đến hậu quả thiệt hại đều được coi là nguyên nhân trực tiếp của thiệt hại và là sự kiện pháp lý có tác dụng xác lập trách nhiệm dân sự.

 Theo học thuyết về mối liên hệ nhân quả thích ứng, thì chỉ những tình huống nào trực tiếp tạo rủi ro dẫn đến thiệt hại mới được coi là nguyên nhân trực tiếp của thiệt hại.

Theo quy định của pháp luật dân sự hiện hành, chỉ có thiệt hại trực tiếp mới có thể được bồi thường. Tuy nhiên, việc đưa ra các tiêu chí xác định tính chất trực tiếp hoặc gián tiếp của một thiệt hại để quy kết trách nhiệm dân sự của một chủ thể lại là một việc làm không đơn giản.

Trong luật dân sự của Cộng hòa Pháp, học thuyết pháp lý và án lệ nói rằng nếu sự kiện pháp lý ban đầu đóng một vai trò của một điều kiện cần và chủ yếu đối với việc phát sinh một thiệt hại, thì người tạo ra sự kiện phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại đó, [8].

Theo quy định của pháp luật dân sự, không có quy định về trách nhiệm chứng minh mối liên hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại xảy ra. Song, một cách hợp lý, có thể thừa nhận rằng chính người bị thiệt hại phải chứng

minh rằng thiệt hại có nguồn gốc từ hành vi trái pháp luật của người gây thiệt hại. Nếu thực tế áp dụng pháp luật không yêu cầu phải chứng minh hoặc người bị thiệt hại không chứng minh được mối liên hệ nhân quả giữa lỗi của người vi phạm và thiệt hại xảy ra với mình có thể gây ra tình trạng khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại tràn lan và suy yếu tính chế tài đối với trách nhiệm dân sự nói chung và trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng dân sự nói riêng của pháp luật dân sự.

Bộ luật Dân sự Nhật bản có một số quy định về sự ràng buộc trong trách nhiệm dân sự theo hợp đồng như sau:

- Điều 534: “... Khi việc xác lập hoặc chuyển giao vật quyền đối với một vật cụ thể là đối tượng của hợp đồng đa phương và vật này đã bị mất hay đã bị tổn thất bởi bất cứ lý do nào nhưng người thụ trái không phải chịu trách nhiệm thì trái chủ phải chịu những mất mát hoặc tổn thất đó”.

- Điều 535 trích: “Nếu vật bị tổn thất bởi bất kỳ lý do nào mà người thụ trái không phải chịu trách nhiệm thì trái chủ phải chịu tổn thất này”.

- Điều 536 trích: “Nếu trái vụ không thể thực hiện được mà không bên nào phải chịu trách nhiệm thì người thụ trái không có quyền yêu cầu bên kia thực hiện nghĩa vụ đối với mình. Nếu trái vụ không thể thực hiện được bởi lý do mà trái chủ phải chịu trách nhiệm, thì người thụ trái không bị mất quyền yêu cầu thực hiện, nếu người thụ trái đã nhận bất kỳ lợi ích nào thông qua việc được giải phóng khỏi nghĩa vụ thì phải trả lại nguồn lợi này cho trái chủ”.

Tóm lại, việc xác định mối liên hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại xảy ra là một việc làm không thể thiếu trong việc xác định trách nhiệm dân sự của một người do vi phạm hợp đồng dân sự. Nếu một chủ thể không thể

chứng minh mối liên hệ nhân quả này thì sẽ rất khó để áp dụng trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng cho chủ thể còn lại là người được cho là phải chịu trách nhiệm dân sự theo hợp đồng. Việc không chứng minh được mối liên hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm hợp đồng và thiệt hại xảy ra còn dẫn đến hệ quả là không thể xác định được lỗi của người gây thiệt hại. Lỗi do vi phạm hợp đồng dân sự là một yếu tố quan trọng và điển hình liên quan đến trách nhiệm dân sự sẽ được phân tích ở phần tiếp theo.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Trách nhiệm dân sự do vi phạm hợp đồng dân sự theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam (Trang 44 - 49)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(99 trang)