để nâng cao hiệu lực và hiệu quả của hương ước, quy ước bảo vệ rừng, trong đó cần tập trung vào các vấn đề sau:
+ Tùy theo đặc điểm tình hình thực tế của mỗi cộng đồng dân cư mà lựa chọn hình thức hương ước hoặc quy ước bảo vệ rừng thích hợp. Những cộng đồng sống trong rừng, có cuộc sống gắn bó với rừng thì rà soát, bổ sung hoặc hướng dẫn cộng đồng xây dựng mới quy ước riêng về bảo vệ rừng. Những cộng đồng sống gần rừng hoặc quản lý diện tích rừng không lớn thì lồng ghép nội dung bảo vệ rừng vào trong hương ước chung của cộng đồng.
+ Cách thức quy định các nội dung về bảo vệ rừng trong hương ước, quy ước cơ bản là: quy định những việc cấm làm, những việc phải làm, những việc được phép làm, những việc khuyến khích làm. Quy định của hương ước, quy ước bảo vệ rừng phải sử dụng ngôn ngữ đặc trưng của đồng bào, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ áp dụng. Hương ước, quy ước bảo vệ rừng phải do cộng đồng xây dựng theo nguyên tắc tự nguyện và đồng thuận, không áp đặt từ bên ngoài bởi các cơ quan nhà nước. Nhà nước giám sát các nội dung quy định trong hương ước, quy ước bảo vệ rừng bằng hình thức phê duyệt chấp thuận của ủy ban nhân dân cấp huyện.
+ Đưa quy định pháp luật vào hương ước, quy ước bảo vệ rừng. Tuy nhiên, không nhất thiết và cũng không thể đưa đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo vệ rừng vào hương ước, quy ước, chỉ lựa chọn những nội dung cần thiết, phù hợp với điều kiện, tình hình địa phương, đạo đức truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của cộng đồng.
+ Các quy định về khen thưởng, xử phạt trong hương ước, quy ước bảo vệ rừng phải phù hợp với pháp luật, tôn trọng, bảo vệ danh dự, uy tín cá nhân, sự đoàn kết, đồng thuận của cộng đồng. Cần khuyến khích các hình thức giáo dục, thuyết phục, tự nguyện, công khai xin lỗi, khắc phục hậu quả trong các trường hợp vi phạm hương ước, quy ước bảo vệ rừng.
+ Những nội dung pháp luật cụ thể về bảo vệ rừng cần đưa vào hương ước, quy ước: Những quy định về khai thác rừng, tận thu, tận dụng lâm sản; quy định nguyên tắc chia sẻ lợi ích từ rừng mang lại cho cộng đồng; những quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng; phòng trừ sâu bệnh hại rừng; quy định về chăn thả gia súc, quản lý canh tác nương rẫy ở trong rừng; những quy định về huy động sự đóng góp của cộng đồng dân cư vào việc tuần tra, bảo vệ rừng; quy định trách nhiệm đóng góp khoản kinh phí của từng hộ gia đình vào quản lý bảo vệ rừng và phát triển rừng cộng đồng; quy định về trách nhiệm dân sự, khen thưởng và xử lý vi phạm; quy định trách nhiệm của hộ gia đình, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm gây thiệt hại rừng.