Về người lập di chúc

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quyền của người lập di chúc theo pháp luật việt nam hiện hành (Trang 112 - 115)

3.2. Phương hướng hoàn thiện những quy định của pháp luật về quyền của

3.2.2. Về người lập di chúc

* Về năng lực hành vi dân sự của người lập di chúc

Như đã phân tích tại phần 2 chương 1 về năng lực hành vi dân sự của người lập di chúc. Di chúc được coi là hợp pháp thì người lập di chúc phải đáp ứng được các yêu cầu về khả năng nhận thức, độ tuổi. Tuy vậy, quy định về năng lực hành vi dân sự của người lập di chúc còn một số vướng mắc như sau: Theo quy định tại Điều 647 BLDS 2005 thì người lập di chúc gồm:

- Người đã thành niên có quyền lập di chúc, trừ trường hợp người đó bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức và làm chủ được hành vi của mình.

- Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.

Tuy nhiên, Điều 647 BLDS 2005 quy định về người lập di chúc vẫn còn tồn tại những bất cập. Theo quy định như trên thì người đã thành niên có quyền lập di chúc (trừ trường hợp người đó bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức và làm chủ được hành vi của mình), nhưng đối với trường hợp người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự (Điều 23 BLDS 2005) khi lập di chúc luật không quy định là có cần phải được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật của người đó hay không.

Theo khoản 1 Điều 23 BLDS 2005 quy định: “Người nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình thì theo yêu cầu của những người có quyền, lợi ích liên quan, cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án có thể ra quyết định tuyên bố là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự”, nhưng khoản 2 điều luật này lại quy định: “Giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ giao dịch nhỏ nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày”.

Nếu theo quy định tại khoản 1 Điều 647 BLDS 2005, thì những người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định tại Điều 23 BLDS 2005, vẫn có quyền lập di chúc với tư cách của người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự mà không cần có người đại diện. Nhưng theo quy định tại khoản 2 Điều 23 BLDS 2005, thì một người tuy có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, nhưng đã bị hạn chế theo quyết định của bản án có hiệu lực pháp luật, thì khi người đó xác lập giao dịch dân sự phải có sự đồng ý của người đại diện.

Như vậy, trường hợp người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự khi lập di chúc mà không có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật (khoản 2 Điều 23 BLDS 2005), thì di chúc do người đó lập ra có hiệu lực pháp luật hay không luật cũng chưa quy định rõ.

* Sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ cho người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi lập di chúc

Đối với trường hợp người lập di chúc là người từ đủ 15 đến chưa đủ 18 tuổi khi lập di chúc luật quy định cần phải có sự đồng ý của cha mẹ, người giám hộ, tuy nhiên luật lại chưa quy định được rõ về một số vấn đề sau:

Thứ nhất, về thời điểm mà cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý: Khoản 2 Điều 652 BLDS 2005 chỉ quy định người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi lập di chúc “…phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý”. Như vậy, hiểu như thế nào là “được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý’’? Sự đồng ý ở điều luật trên là ý kiến của họ về việc cho người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi lập di chúc? Hay là phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về nội dung của di chúc thì người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi mới được lập di chúc?

Thứ hai: Pháp luật hiện hành không quy định về sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ cho người lập di chúc ở độ tuổi đủ 15 cho đến chưa đủ 18 tuổi nhưng không nói rõ thời điểm mà cha mẹ đồng ý được thể hiện khi nào, trước khi con lập di chúc, sau khi con lập di chúc hay trong khi con lập di chúc? Hay cả ba thời điểm trên mà có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc của người giám hộ cho người ở độ tuổi này lập di chúc đều có giá trị pháp lý?

Thứ ba: Về hình thức đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ cho người đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi lập di chúc thì điều luật cũng chưa quy định, do vậy sẽ có nhiều cách hiểu khác nhau. Hình thức đồng ý này phải được thể hiện bằng văn bản riêng hay chỉ cần cha, mẹ hoặc người giám hộ ký tên vào di chúc.

Do vậy, pháp luật nên quy định cụ thể về việc cha, mẹ, người giám hộ chỉ được nêu ý kiến của mình về việc có cho phép người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi lập di chúc mà không được quyết định về nội dung theo hướng nào.

Đồng thời nên quy định về hình thức sự đồng ý của cha mẹ về việc người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi lập di chúc có thể bằng văn bản hoặc có bút tích của cha, mẹ vào cuối bản di chúc và thời điểm đồng ý là trước, trong hay sau khi di chúc được lập thì di chúc vẫn được coi là hợp pháp.

Như vậy, theo tôi khi sửa đổi, bổ sung những quy định về thừa kế trong BLDS nên quy định:

1. Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi được lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.

2.Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý bằng văn bản hoặc có bút tích của cha, mẹ hoặc người giám hộ vào cuối bản di chúc do người này lập ra.

3.Sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ cho người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi lập di chúc được thể hiện trước khi, trong khi hoặc sau khi di chúc được lập đều có giá trị pháp lý.

4. Bổ sung khoản 3 Điều 647 BLDS: “Quy định tại khoản 1 Điều 647 không được áp dụng đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định tại Điều 23 của Bộ luật này”.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quyền của người lập di chúc theo pháp luật việt nam hiện hành (Trang 112 - 115)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(125 trang)