1.3. Pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất
1.3.1. Pháp luật về đấu giá quyền sử dụng đất giai đoạn trước khi ban
ban hành Luật đất đai 1993
Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trong cơ chế kế hoạch hoá tập trung, quan hệ hàng hoá – tiền tệ, quy luật giá trị và cạnh tranh ít được Nhà nước chú ý. Do Nhà nước chưa coi quyền sử dụng đất là một loại hàng hoá, nên trong pháp luật Việt Nam thời kỳ này không có quy định về mua bán quyền sử dụng đất và cũng không có khái niệm đấu giá quyền sử dụng đất.
Trong giai đoạn này, các quy định về BĐG tài sản mới chỉ bắt đầu hình thành và xuất hiện đầu tiên trong pháp luật về thi hành án dân sự. Pháp luật về BĐG tài sản được đánh dấu bằng sự ra đời của Pháp lệnh thi hành án dân sự ngày 28 tháng 8 năm 1989 (Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 1989), quy định về BĐG tài sản để thi hành án. Điều 28 Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 1989 quy định về BĐG tài sản đã kê biên. Theo đó, đối với những loại tài sản này:
Thời gian BĐG phải được niêm yết công khai tại trụ sở Toà án và Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có tài sản BĐG và thông báo cho đương sự chậm nhất là 07 ngày trước ngày BĐG. Tài sản đã kê biên được bán cho người trả giá cao nhất. Nếu không có ai trả giá cao hơn giá đã định thì tài sản được bán cho người mua
theo giá mà Hội đồng định giá đã định. Tài sản không bán được thì định giá lại để tiếp tục BĐG [28, Điều 28].
Riêng đối với BĐG nhà, Điều 30 Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 1989 quy định:
Người muốn mua nhà phải nộp đơn và nộp trước 1% giá trị nhà tại Toà án, số tiền này được hoàn lại ngay nếu họ không mua được nhà. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày bán đấu giá, người mua được nhà phải trả đủ tiền tại Toà án. Nếu họ không trả đủ tiền trong thời hạn đó thì số tiền nộp trước không được trả lại và được nộp vào ngân sách Nhà nước [28, Điều 30].
Để thực hiện pháp lệnh thi hành án dân sự năm 1989, Toà án nhân dân tối cao – Viện kiểm sát nhân dân tối cao – Bộ tư pháp đã ban hành Thông tư liên ngành số 06-89/TTLN ngày 07 tháng 12 năm 1989 hướng dẫn việc thực hiện một số quy định của Pháp lệnh năm 1989 như: Quy định việc mời Hội đồng định giá để định giá sơ bộ tài sản đã kê biên; trình tự, thủ tục tiến hành phiên đấu giá..v..v…
Năm 1994, Pháp lệnh thi hành án dân sự mới được ban hành thay thế Pháp lệnh thi hành án dân sự năm 1989 bổ sung và quy định cụ thể hơn một số vấn đề về BĐG tài sản để thi hành án.
Như vậy, trong giai đoạn này, pháp luật về BĐG chủ yếu tập trung vào việc xử lý tài sản để thi hành án và các tài sản xử lý theo các quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; chưa có một khuôn khổ pháp lý chung cho hoạt động BĐG mà chỉ có hướng dẫn xử lý tài sản BĐG cho từng vụ việc cụ thể. Vì thế cũng chưa có cơ sở cho sự hình thành các tổ chức BĐG chuyên nghiệp. Ngoài cơ quan thi hành án, việc BĐG tài sản thường do các cơ quan hành chính thực hiện theo cơ chế Hội đồng liên ngành. Hoạt động BĐG tài sản trong thương mại hoặc trong đời sống sinh hoạt dân sự hầu như không
được quan tâm. Mặc dù vậy, những quy định về BĐG tài sản để thi hành án trong giai đoạn này cũng là cơ sở quan trọng cho sự hình thành và phát triển của pháp luật về BĐG tài sản nói chung, BĐG BĐS, trong đó có quyền sử dụng đất nói riêng.