Là một chương lý luận với mục đích dẫn nhập để giải quyết các vấn đề trong những chương tiếp theo, trong chương này, luận văn chủ yếu nghiên cứu những vấn đề lý luận cơ bản về giải quyết tranh chấp lao động và pháp luật giải quyết tranh chấp lao động nói chung và của hai nước Việt Nam và Trung Quốc nói riêng để phục vụ cho việc so sánh những điểm tương đồng và khác biệt của hệ thống pháp luật hai quốc gia này ở chương 2, và phục vụ cho việc tiếp thu bài học kinh nghiệm và khả năng vận dụng vào điều kiện thực tiễn của Việt Nam hiện nay.
Qua đó, luận văn đã rút ra được một số kết luận sau:
Thứ nhất, tranh chấp lao động là hiện tượng khách quan tồn tại trong điều kiện kinh tế thị trường, việc giải quyết kịp thời các mâu thuẫn phát sinh trong quan hệ lao động góp phần bảo vệ các quyền và lợi ích gắn với quan hệ lao động. Bản chất của tranh chấp lao động chính là sự xung đột và mâu thuẫn về quyền lợi giữa các bên trong quan hệ lao động. Nếu tranh chấp không được giải quyết kịp thời có thể dẫn đến đình công tự phát và đình công bất hợp pháp.
Thứ hai, tranh chấp lao động có thể được giải quyết thông qua nhiều phương thức khác nhau như: thương lượng, hòa giải, trọng tài hay giải quyết tại tòa án. Mỗi phương thức giải quyết tranh chấp lao động đều có những ưu điểm và hạn chế nhất định. Mục đích quan trọng nhất của hoạt động giải quyết tranh chấp lao động là giúp các bên tiếp tục quan hệ lao động hay chấm dứt một cách hợp pháp sau khi tranh chấp được giải quyết và hạn chế đình công. Trên thực tế, việc lựa chọn các phương thức giải quyết tranh chấp phụ thuộc vào ý chí và nguyện vọng của các bên trên cở sở tuân thủ và thực hiện đúng theo các quy định pháp luật của mỗi quốc gia.
Thứ ba, điều chỉnh pháp luật đối với giải quyết tranh chấp lao động là yêu cầu khách quan nhằm hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực và phát huy
những ảnh hưởng tích cực của tranh chấp lao động. Điều này xuất phát từ những đặc thù của tranh chấp lao động và yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động trong điều kiện kinh tế thị trường. Các yếu tố cấu thành nên pháp luật về giải quyết tranh chấp lao động thường bao gồm các yếu tố sau: Các quy định về nhận dạng tranh chấp lao động, các loại tranh chấp lao động và các nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động; Các quy định về hệ thống các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động và trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động…
Thứ tư, điều chỉnh pháp luật đối với các tranh chấp lao động một cách hiệu quả, việc nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia có nền lập pháp phát triển là điều tất yếu và phù hợp với xu hướng chung của các quốc gia trên thế giới. Trong phạm vi đề tài này, Trung Quốc là quốc gia được tác giả lựa chọn để nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm.
CHƢƠNG 2