5. Kết cấu luận văn
3.3. Các giải pháp cụ thể
3.3.1. Giải pháp về tổ chức và quản trị
Nhằm củng cố, nâng cao năng lực, vai trò quản lý Nhà nước, dần xóa bỏ chức năng chủ sở hữu của các Bộ, UBND Tỉnh, Thành phố đối với DNNN; bộ máy tổ chức của SCIC cần được hoàn thiện hơn nữa. Việc đổi mới cơ chế hoạt động của SCIC cần gắn liền với việc đổi mới phương thức quản trị doanh nghiệp sao cho phù hợp với hoạt động được đề ra trong từng giai đoạn. Để làm tốt được điều này, cần tiến hành đồng thời nhiều việc:
- Thứ nhất: Trước mắt, cần đẩy nhanh việc ổn định cơ cấu tổ chức của SCIC, đặc biệt giai đoạn sau khi chuyển đổi sang mô hình công ty TNHH một thành viên. Quá trình ổn định và hoàn thiện có thể gặp nhiều khó khăn nảy sinh nhưng SCIC mới đi vào hoạt động được 4 năm nên việc tái cơ cấu tổ chức hoàn toàn có thể thực hiện được ngay từ bây giờ - tránh phải điều chỉnh về sau. Ổn định cơ cấu tổ chức ngay từ đầu sẽ giúp SCIC nhanh chóng thiết lập các hệ thống và quy trình hoạt động, hạn chế những chi phí phát sinh từ việc phải điều chỉnh cơ cấu tổ chức, quy trình, hệ thống sau này. Mặt khác, SCIC hiện đang tiếp nhận, quản lý phần vốn nhà nước tại hơn 900 doanh nghiệp [57]; và trong tương lai SCIC sẽ còn tiếp nhận thêm các doanh nghiệp khác hoạt động trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, trong đó có nhiều doanh nghiệp mà SCIC nắm toàn bộ cổ phần hoặc cổ phần chi phối. Dự kiến trong thời gian tới, SCIC sẽ mở rộng hoạt động sang các quốc gia khác chứ không chỉ bó hẹp trong phạm vi nội địa. Nhìn chung, với số lượng các đơn vị thành viên hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực và trên phạm vi địa lý rộng
lớn, SCIC hoàn toàn có đủ điều kiện để trở thành một tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam - trong đó SCIC giữ vai trò là công ty mẹ. Theo chức năng, nhiệm vụ thì SCIC sẽ là một nhà đầu tư lớn của Việt Nam. Do đó, việc chuyển đổi SCIC là việc làm vô cùng cần thiết; thuận lợi cho việc tập trung, hạch toán vốn nhà nước phục vụ cho việc đầu tư minh bạch, hiệu quả - xứng đáng với trọng trách được giao của SCIC. Có thể thấy, một quá trình chuyển đổi sớm sẽ góp phần đảm bảo và nâng cao hiệu quả hoạt động của SCIC.
- Thứ hai: Củng cố, nâng cao năng lực của SCIC; hoàn thiện bộ máy tổ chức và cơ chế hoạt động gắn với đổi mới phương thức quản trị doanh nghiệp, phù hợp với nội dung hoạt động trong từng giai đoạn. Quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng thành viên, Kiểm soát viên, Ban giám đốc, Kế toán trưởng và các bộ phận giúp việc tại SCIC sao cho phù hợp với quy định của pháp luật. Phân định rõ các khối nghiệp vụ, tăng cường quản trị rủi ro và thành lập quỹ đầu tư để nâng cao tính chuyên nghiệp trong quản lý đầu tư vốn.
- Thứ ba: Nhanh chóng tăng cường số lượng thành viên, số lượng thành viên chuyên trách Hội đồng thành viên của SCIC.
- Thứ tư: Thành lập các Ủy ban chuyên môn giúp việc cho Hội đồng thành viên như: Ủy ban Đầu tư; Ủy ban rủi ro… với sự tham gia của các chuyên gia cao cấp về quản trị, tài chính, kinh tế, pháp lý… từ các công ty thành viên hoặc từ các tập đoàn, tổng công ty lớn trong, ngoài nước.
- Thứ năm: Chú trọng đến công tác phát triển nguồn nhân lực có chuyên môn cao, đáp ứng được nhu cầu công việc của SCIC thông qua tuyển dụng, đào tạo, chế độ lương/thưởng, chế độ đãi ngộ mang tính cạnh tranh, theo hướng khuyến khích thỏa đáng về mặt vật chất và tinh thần, căn cứ vào mức độ đóng góp và kết quả hoạt động của doanh nghiệp… Có thể thấy, sự khen thưởng là một yếu tố quan trọng tác động đến mối quan hệ giữa nhà
quản lý và người lao động. Về cơ bản, các mức khen thưởng hợp lý sẽ cho những kết quả kinh doanh khả quan. Mức khen thưởng có thể là lương cứng, thưởng dựa trên kết quả kinh doanh hay quyền mua cổ phiếu. Bên cạnh đó, SCIC cần tiến hành đẩy mạnh hoạt động giám sát nội bộ, tiến tới chuẩn hóa công tác đánh giá cán bộ gắn liền với chính sách lương, thưởng.
- Thứ sáu: Tăng cường hơn nữa vai trò của các Kiểm soát viên.
- Thứ bảy: Tiếp tục thực hiện thí điểm hình thức SCIC trực tiếp thực hiện vai trò cổ đông tại doanh nghiệp không cần thông qua người đại diện. Hoàn thiện các quy định pháp lý về công bố thông tin, giám sát, đánh giá doanh nghiệp nhằm bảo đảm tốt nhất quyền lợi của cổ đông Nhà nước.