5. Kết cấu luận văn
3.2. Giải pháp pháp lý
Mô hình và hoạt động của SCIC có nhiều đặc thù riêng, duy nhất ở Việt Nam. Do đó, các văn bản pháp lý hiện hành đang được áp dụng chung cho mọi loại hình doanh nghiệp là chưa phù hợp, dẫn tới những vướng mắc trong các hoạt động của SCIC. Để SCIC có thể thực hiện được nhiệm vụ được giao một cách có hiệu quả nhất thì cần phải có cơ chế, chính sách phù hợp, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ bán vốn tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ vốn, hoặc những doanh nghiệp hoạt động không có hiệu quả/hiệu quả không cao. Chính vì thế, việc xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý mang tính chất đồng bộ cho hoạt động của SCIC là việc làm cấp thiết.
Trước mắt, cần đẩy nhanh việc ban hành Nghị định về tổ chức và hoạt động của SCIC; Nghị định về quản lý, đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước; và tiến tới là Luật sử dụng vốn và tài sản Nhà nước đầu tư vào kinh doanh theo hướng chuyển đổi SCIC sang mô hình công ty TNHH một thành viên thuộc sở hữu Nhà nước; quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng thành viên sao cho phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành; tách bạch rõ ràng việc thực hiện quyền chủ sở hữu với quyền chủ động kinh doanh của doanh nghiệp Theo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 42/2009/QH12 ngày 27/11/2009 của Quốc hội về việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước (ban hành kèm theo Nghị quyết số 10/NQ- CP ngày 23/02/2010 của Chính phủ); Dự thảo các Nghị định nói trên được hoàn thành trong quý 2/2010. Ngoài ra, Chương trình hành động cũng nêu rõ: đến tháng 7/2011, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan phải trình Chính phủ Đề án tách chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước với chức năng quản lý Nhà
nước của các cơ quan Nhà nước. Tuy nhiên, để có thể sớm chấm dứt tình trạng Nhà nước vừa thực hiện chức năng quản lý, vừa thực hiện chức năng kinh doanh; đồng thời tạo đà cho SCIC có thể sánh ngang với các tập đoàn lớn như Temasek, Khazanah... thì tiến độ xây dựng hệ thống các văn bản pháp luật đồng bộ liên quan đến quản lý DNNN; quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước nói chung, liên quan đến SCIC nói riêng cần phải được đẩy nhanh hơn nữa. Bên cạnh đó, việc Chính phủ tiến hành rà soát chương trình, kế hoạch cổ phần hóa DNNN trong cả nước đến năm 2010; xây dựng chương trình, kế hoạch cổ phần hóa giai đoạn 2015; đồng thời xác định lộ trình bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp về SCIC theo hướng Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đối với những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực như: sản xuất, cung ứng vật liệu nổ, hóa chất độc, chất phóng xạ; hệ thống truyền tải điện quốc gia [50]... là việc làm cần thiết.
Ngoài ra, cần kiên quyết chấm dứt tình trạng cơ quan hành chính Nhà nước can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; kiên quyết đối với những hành vi cản trở, gây chậm trễ trong thực hiện cổ phần hóa, trong chuyển giao doanh nghiệp thuộc diện bàn giao về cho SCIC; tăng cường cơ chế giám sát, kiểm tra đối với hoạt động của SCIC cũng như cơ chế giám sát, kiểm tra đối với các doanh nghiệp có vốn nhà nước qua việc trực tiếp hoặc gián tiếp thực hiện quyền của cổ đông trong các kỳ họp Đại hội đồng cổ đông. Việc thanh tra, kiểm tra giám sát nói trên vô cùng quan trọng và trên nguyên tắc không được làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của doanh nghiệp. Tăng cường hơn nữa vai trò của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia và bổ sung SCIC vào đối tượng giám sát của Ủy ban này.
Như vậy, có thể thấy, để nâng cao hiệu quả hoạt động của SCIC, đảm bảo đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước có hiệu quả nhất thì các giải pháp nêu
trên là vô cùng cần thiết, góp phần tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho SCIC trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao, tiến tới xây dựng thành công hình ảnh một SCIC - nhà đầu tư năng động của Chính phủ.