2.1. Quy định về kết hôn có yếu tố nƣớc ngoài
2.1.1. Về điều kiện kết hôn
Điều kiện kết hôn (tuổi tác, ý chí, sức khỏe, tình trạng hôn nhân, quan hệ thân thuộc... của các chủ thể muốn đăng ký kết hôn) là tiêu chí pháp lý đầu tiên để xác định tính hợp pháp của hôn nhân, là những yêu cầu pháp luật đặt ra, bắt buộc các chủ thể muốn xác lập hôn nhân phải đáp ứng. Pháp luật các nước đều quy định rõ ràng, chặt chẽ về độ tuổi kết hôn và những điều kiện
cấm kết hôn, tuy nhiên có sự khác biệt tùy thuộc quan điểm của từng quốc gia.
2. 1.1.1. Điều kiện về độ tuổi kết hôn:
Theo quy định của pháp luật tất cả các nước, độ tuổi kết hôn luôn là nội dung pháp lý quan trọng trong pháp luật về hôn nhân và gia đình. Một người chỉ được phép kết hôn khi đã đạt được độ tuổi nhất định. Việc quy định về độ tuổi kết hôn không chỉ nhằm bảo vệ sức khỏe của các bên kết hôn mà điều cơ bản là bảo vệ cuộc sống gia đình của họ. Phụ thuộc sự khác nhau về trình độ kinh tế, phong tục tập quán mà giữa các nước có quy định khác nhau về độ tuổi kết hôn.
Đa số các quốc gia quy định nguyên tắc tròn đủ trong tính tuổi kết hôn. Khoản 1 Điều 6 Luật Hôn nhân của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa năm 1980 (sửa đổi bổ sung năm 2001) quy định, tuổi kết hôn là “đủ 22 tuổi đối với nam và từ đủ 20 tuổi đối với nữ” [50]. Điều 731 Bộ luật Dân sự Nhật Bản quy định: “Không thể kết hôn khi chưa tròn mười tám tuổi đối với nam giới và không tròn mười sáu tuổi đối với nữ giới”. [56] Theo Bộ luật dân sự Pháp, “Nam chưa tròn mười tám tuổi, nữ chưa tròn mười lăm tuổi không được kết hôn” [57, Điều 144] (từ năm 2006, để tránh phân biệt đối xử giữa nam và nữ, tuổi kết hôn của cả hai giới được quy định đều từ đủ 18 tuổi)... Luật Gia đình Australia năm 1961, Luật Gia đình Liên bang Nga năm 1995 – sửa đổi bổ sung năm 2008, Bộ luật dân sự Campuchia năm 2008... cũng quy định cách tính tuổi tương tự .
Bên cạnh quy định chủ thể tham gia kết hôn phải đáp ứng độ tuổi do luật định, đối với trường hợp ngoại lệ, pháp luật các quốc gia quy định việc kết hôn của người chưa thành niên được coi là hợp pháp nếu có sự đồng ý của cha mẹ hoặc người đại diện, giám hộ. Theo Điều 4 BLDS Nhật Bản, một người được xem là trưởng thành khi người đó đủ 20 tuổi trở lên nhưng nam nữ dưới 20 tuổi muốn kết hôn phải có sự đồng ý của bố hoặc mẹ và thông qua việc kết hôn, người đó được coi là người thành niên (Điều 753). Theo Điều 17 BLDS Campuchia, trẻ vị thành niên là những người dưới 18 tuổi và nam nữ nếu chưa đến tuổi thành niên thì không được phép kết hôn, song nếu một bên đã đến tuổi thành niên và bên kia là người vị thành niên từ 16 tuổi trở lên thì có thể kết hôn nếu có sự đồng ý của người có quyền cha mẹ hoặc người giám hộ trẻ vị thành niên đó (Điều 948) [49]. Luật Gia đình Liên bang Nga cũng quy định tuổi kết hôn đối với cả nam và nữ là đủ 18 tuổi song đối với một số trường hợp ngoại lệ và khi có yêu cầu của đương sự, chính quyền địa phương sẽ cho phép công dân kết hôn khi đủ 16 tuổi [54, Điều 13]. Tại Australia, tuổi kết hôn là mười tám tuổi, trong một số trường hợp đặc biệt, tuổi đủ điều kiện kết hôn đối với nữ công dân là mười bốn, nam công dân là mười sáu nếu được sự đồng ý của cha mẹ và của Tòa án [48, Điều 12, 13].
Tại Việt Nam, về độ tuổi được phép kết hôn, theo quy định của Điều 9 Luật HN&GĐ năm 2000 là: “Nam từ hai mươi tuổi trở lên, nữ từ mười tám tuổi trở lên”. Như vậy, nam giới không bắt buộc phải từ đủ hai mươi tuổi và nữ giới không bắt buộc phải từ đủ mười tám tuổi trở lên mới được kết hôn, nghĩa là “nam đã bước sang tuổi hai mươi, nữ đã bước sang tuổi mười tám” là đủ tuổi kết hôn [37, Điều 1]. Trái lại, nguyên tắc tính tuổi tròn đủ trong độ tuổi kết hôn được áp dụng trong Luật HN&GĐ năm 2014. Điều 8 quy định các bên tham gia kết hôn phải tuân theo điều kiện: “Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên”. Xét trong mối tương quan với BLDS và BLTTDS hiện hành, quy định trên bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong việc công nhận, thực hiện, bảo vệ các quyền dân sự của cá nhân. Điều 18 BLDS năm 2005 quy định: “Người từ đủ mười tám tuổi trở lên là người thành niên. Người chưa đủ mười tám tuổi là người chưa thành niên; Người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp quy định tại Điều 22 và 23 của Luật này” [28, Điều 19]. Khoản 3 Điều 57 BLTTDS năm 2004, sửa đổi bổ sung năm 2011 quy định: “Đương sự từ đủ mười tám tuổi trở lên có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự”. Điều đó đồng nghĩa, một cá nhân chỉ phát triển đầy đủ về thể lực và trí lực để thực hiện năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự khi đã đủ 18 tuổi trở lên. Ngoài ra, tuổi kết hôn trung bình của nam, nữ trong thực tế, đều cao hơn khá nhiều so với tuổi kết hôn được quy định trong Luật và có xu hướng ngày càng tăng. Do đó quy định như Điều 8 Luật HN&GĐ năm 2014 là phù hợp.
Như vậy, so với pháp luật một số nước, độ tuổi kết hôn được quy định theo pháp luật của Việt Nam tương đối cao và không quy định những trường hợp ngoại lệ. Điều này thể hiện trình độ phát triển của xã hội và trình độ văn hóa, nhận thức giữa các quốc gia khác nhau là khác nhau. Một điểm chung của pháp luật của Việt Nam và pháp luật các nước về độ tuổi kết hôn đó là chỉ quy định độ tuổi tối thiểu, mà không quy định cụ thể tuổi tối đa trong việc kết hôn hoặc giới hạn về sự chênh lệch tuổi giữa nam và nữ trong việc kết hôn. Điều này phù hợp với quan điểm cho rằng hôn nhân được bắt nguồn từ tình yêu, do đó không có giới hạn về tuổi tác giữa các bên muốn kết hôn.
2.1.1.2. Điều kiện về sức khỏe và ý chí tự nguyện của chủ thể:
* Về điều kiện ý chí tự nguyện của các bên trong hôn nhân:
Hiện nay, pháp luật về hôn nhân và gia đình của các nước đều thống nhất ghi nhận: không có hôn nhân khi không có sự tự nguyện của các bên muốn kết hôn. Theo Điều 958 BLDS Campuchia, hôn nhân sẽ vô hiệu nếu các bên không có ý muốn kết hôn do bị cưỡng ép hay lý do khác [49]. Điều 4 Luật Hôn nhân CHND Trung Hoa quy định: “Hôn nhân phải dựa trên sự tự nguyện hoàn toàn của cả hai người đàn ông và phụ nữ. Không bên nào được ép buộc sử dụng cho phía bên kia, và không có bên thứ ba có thể can thiệp” [50]… Như vậy có thể thấy, theo quan điểm của các quốc gia, sự tự nguyện trong hôn nhân là tự nguyện xuất phát từ tình cảm giữa nam và nữ, do đó việc kết hôn phải do chính các bên quyết định.
Thống nhất quan điểm với pháp luật của các nước trên thế giới, Luật HN&GĐ năm 2000 và Luật HN&GĐ năm 2014 đều quy định nam - nữ có
quyền tự nguyện quyết định kết hôn và cấm các hành vi cưỡng ép, lừa dối, cản trở kết hôn. Tuy nhiên, xét về cách diễn đạt thì quy định của điểm b khoản 1 Điều 8 Luật HN&GĐ năm 2014 ngắn gọn, súc tích hơn Luật HN&GĐ năm 2000 khi quy định chung “Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định” và quy định cụ thể các hành vi “Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn” thuộc một trong các trường hợp cấm vi phạm.
Ngoài ra, Luật HN&GĐ năm 2014 còn quy định mới về việc “cấm hành vi kết hôn giả tạo”. Theo khoản 11 Điều 3, “kết hôn giả tạo” là việc lợi dụng kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình. Như vậy Luật đã dự liệu đến những trường hợp các chủ thể cố ý làm sai lệch bản chất hôn nhân. Quy định trên là cần thiết, bởi hiện nay, một trong những vấn đề của quan hệ kết hôn có yếu tố nước ngoài đó là vì mục tiêu tư lợi cho một hoặc các bên mà không hướng đến bản chất, mục đích tốt đẹp của hôn nhân. Tuy nhiên một vấn đề đặt ra, đó là cơ quan chức năng bằng cách nào để thẩm tra, xác minh chính xác trường hợp nào
kết hôn vì tình yêu và trường hợp nào kết hôn vì mục đích vụ lợi? Để việc áp dụng pháp luật được chính xác, trong thời gian tới, việc ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể là rất cần thiết. Hướng bổ sung hướng dẫn quy định này sẽ được đề cập tới trong chương 3 của luận văn.
*Về điều kiện sức khỏe:
Sức khỏe là một trong những điều kiện hết sức cần thiết để một người trở thành một bên chủ thể trong quan hệ hôn nhân. Để đảm đương được công việc của cuộc sống gia đình và duy trì tốt nòi giống - một chức năng quan trọng của gia đình, thì điều kiện sức khỏe có ý nghĩa rất quan trọng. Pháp luật của nhiều nước đều quy định các bên nam nữ trong QHHN phải
đáp ứng điều kiện về sức khỏe. Mặc dù pháp luật có sự khác nhau trong việc quy định về các loại bệnh cụ thể mà những người mắc phải không được phép kết hôn, nhưng nhìn chung pháp luật các nước đều quy định những người mắc một số bệnh nhất định liên quan tới thần kinh không được phép kết hôn. Luật Gia đình Liên bang Nga quy định, hôn nhân sẽ không được công nhận nếu tại thời điểm kết hôn, một bên bị Tòa án tuyên không có khả năng nhận thức do rối loạn tâm thần. Theo Điều 13, Luật Gia đình Bulgaria năm 1968 – sửa đổi bổ sung năm 1985, việc kết hôn bị cấm nếu một trong các bên bị bệnh tâm thần hoặc mất năng lực hành vi dân sự. Một số quốc gia, như Hoa Kỳ yêu cầu xét nghiệm máu. Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật hiện nay, xét nghiệm máu có thể xác định được nhiều bệnh khác nhau, kể cả vấn đề xác định các bên đương sự có cùng huyết thống hay không.
Pháp luật Việt Nam hiện hành điều chỉnh QHHN có yếu tố nước ngoài không quy định cụ thể người mắc bệnh nào thì không được phép kết hôn, đồng nghĩa điều kiện về sức khỏe chưa được coi là một trong những căn cứ để từ chối việc đăng ký kết hôn nếu các bên không đáp ứng. Tuy nhiên, căn cứ quy định tại Điều 9 Luật HN&GĐ năm 2000 và Điều 8 Luật HN&GĐ năm 2014, có thể hiểu điều kiện về năng lực hành vi dân sự của cá nhân chính là điều kiện sức khỏe của chủ thể kết hôn. Theo đó, một người bị mất năng lực hành vi dân sự thì không được phép kết hôn. Về việc mất năng lực hành vi dân sự, khoản 1 Điều 22 BLDS
Việt Nam quy định: "Khi một người do bị tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định". Như vậy, có ba cơ sở pháp lý để xác định một người mất năng lực hành vi dân sự, đó là: Thứ nhất, người đó người mắc bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức để làm chủ hành vi của mình; Thứ hai, đã có quyết định có hiệu lực của Tòa án dựa trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định tuyên bố người đó mất năng lực hành vi dân sự. Thứ ba, các cơ quan chức năng như Tòa án, tổ chức giám định chỉ tham gia xem xét một người có bị mất năng lực hành vi dân sự hay không khi có yêu cầu của người có quyền, hoặc lợi ích liên quan. Thiếu một trong ba cơ sở trên, một người không bị coi là mất năng lực hành vi dân sự và họ có quyền kết hôn.
2.1.1.3. Điều kiện về tình trạng hôn nhân của chủ thể:
Hầu hết pháp luật các nước đều đề cao "hôn nhân một vợ một chồng". Theo Điều 147 BLDS, một người không thể xác lập hôn nhân thứ hai trước khi chấm dứt hôn nhân thứ nhất và nếu một trong hai bên đã ly dị, họ phải cung cấp bằng chứng về bản sao công chứng quyết định ly hôn. Điều 949 BLDS Campuchia quy định: “Người đang có vợ hoặc có chồng không được phép kết hôn với người khác”, nếu vi phạm thì “vợ, chồng hiện tại của các bên có thể yêu cầu hủy bỏ” (Điều 960). Điều 3 Luật Hôn nhân Trung Quốc, Điều 732 Luật Gia đình Nhật Bản quy định tương tự. Luật Gia đình của Australia năm 1961 còn quy định hình phạt đối với hành vi vi phạm chế độ một vợ một chồng [48, Điều 94].
Tương đồng với quan điểm của các quốc gia trên thế giới, Luật HN&GĐ Việt Nam năm 2000 cấm việc kết hôn với người đang có vợ hoặc đang có chồng. Người đang có vợ hoặc có chồng là người đã kết hôn với người khác theo đúng quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình nhưng chưa ly hôn; sống chung với người khác như vợ chồng từ trước ngày 03/01/1987 và đang chung sống mà không đăng ký kết hôn; sống chung với người khác như vợ chồng từ ngày
03/01/1987 đến trước ngày 01/01/2001 và đang chung sống và có đủ điều kiện kết hôn nhưng không đăng ký kết hôn (trường hợp này chỉ áp
dụng từ ngày 10/01/2001 đến trước 01/01/2003). Luật HN&GĐ năm 2014 tiếp tục kế thừa và phát triển quy định của Luật HN&GĐ năm 2000, thể hiện bên cạnh quy định cấm việc kết hôn với người đang có vợ hoặc chồng, còn cấm hành vi “chung sống như vợ chồng với người đang có vợ hoặc chồng” [31, Điều 5]. Tuy nhiên, quy định như điểm c khoản 2 Điều 5 của Luật HN&GĐ năm 2014 còn rườm rà, nặng về giải thích, làm giảm tính ngắn gọn, súc tích trong diễn đạt: “Cấm người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ”. Theo nhận định của tác giả, để đảm bảo tính khái quát và ngắn gọn, có thể quy định là: “Cấm hành vi kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có vợ hoặc có chồng”.
2.1.1.4. Điều kiện không có quan hệ huyết thống hoặc quan hệ thân thuộc:
Đa số pháp luật các nước trên thế giới đều quy định cấm kết hôn giữa những người có quan hệ huyết thống hoặc quan hệ thân thuộc. Việc quy định này nhằm bảo vệ sự lành mạnh của mỗi tế bào xã hội là gia đình, thể hiện ở hai khía cạnh: bảo vệ giống nòi và bảo vệ luân thường đạo lý. Khoản 1 Điều 951 BLDS Campuchia quy định: “Không được kết hôn với người có cùng huyết thống trực hệ hoặc có huyết thống bàng hệ trong phạm vi ba đời”, Điều 6 Luật Hôn nhân của CHND Trung Quốc quy định: “Không được kết hôn nếu người đàn ông và người phụ nữ là người thân trực hệ huyết thống hoặc có quan hệ trong phạm vi ba đời”. Luật Gia đình Liên bang Nga quy định cấm kết hôn giữa những người có quan hệ huyết thống và những người là cha mẹ kế - con riêng…
Ở Việt Nam, pháp luật từ trước tới nay đều quy định cấm những người có