khi xét hỏi
Theo quy định tại Điều 185 Bộ luật tố tụng hình sự về việc hỏi người làm chứng tại phiên toà thì: ” 1) Hội đồng xét xử hỏi riêng từng người làm chứng, và không để cho những người làm chứng khác biết được nội dung xét hỏi. ... ”
Quy định trên cho thấy: Trong phiên toà xét xử những vụ án mà có nhiều người làm chứng thì việc cách ly họ là điều bắt buộc. Mục đích quy định như vậy là để người là chứng chỉ có thể khai báo những gì mình thấy hoặc biết, chứ không khai báo dựa vào lời khai trước đó của những người làm chứng khác, nhằm bảo đảm tính khách quan, không bị chi phối lẫn nhau giữa những người làm chứng trong việc khai báo của họ ngay tại phiên toà. Tuy nhiên, tại các toà án trong tỉnh Thừa Thiên- Huế, việc cách ly nhân chứng tại phiên toà không được thực hiện đúng theo quy định của thủ tục xét xử sơ thẩm.
Để khảo sát thực tiễn thực hiện việc cách ly người làm chứng tại phiên toà xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự của Toà án nhân dân hai cấp tại tỉnh Thừa Thiên- Huế, chúng tôi đã hỏi ý kiến một số thẩm phán (27 người) và hội thẩm nhân dân ( 42 người ) với câu hỏi “ Có vụ án nào, khi xét xử, hội đồng xét xử cho cách ly người làm chứng không” thì 1 thẩm phán trả lời là: có nhiều vụ; 23 thẩm phán và 11 hội thẩm trả lời: có một số ít vụ; 3 thẩm phán và 31 hội thẩm trả lời: không có vụ nào cách ly
Như vậy, hầu hết các phiên toà, chủ toạ phiên toà không áp dụng thủ tục cách ly người làm chứng, người làm chứng được tham gia tố tụng từ khi khai mạc phiên toà cho đến khi kết thúc. Một vụ án điển hình:
- Vụ án Phạm Bá Vinh, bị truy tố về tội “Vi phạm các quy định về an toàn giao thông vận tải”. Đây là một vụ án phức tạp, một trong hai người bị hại khai người điều khiển xe ôtô gây tại nạn không phải là bị cáo mà là ông Lê Đình Quang, người làm chứng trong vụ án. Ngày 02/02/1999 Toà án nhân dân thành phố Huế mở phiên toà xét xử sơ thẩm. Qua nghiên cứu biên bản phiên toà (bút lục 163 đến 174) trong hồ sơ vụ án, chúng tôi thấy, tại phiên toà, hội đồng xét xử không cho cách ly nhân chứng, việc xét hỏi bị cáo, nhân chứng về lời khai trên của người bị hại chỉ mang tính chất hình thức, không
làm rõ được lời khai của người bị hại có cơ sở hay không. Vụ án này đã bị cấp phúc thẩm huỷ án.
Ngoài ra, qua thực tiễn, chúng tôi thấy có một vài phiên toà tuy có áp dụng biện pháp cách ly, nhưng lại mang tính hình thức như: cho đưa người làm chứng ra khỏi phòng xử án, cách xa khoảng 20 - 30 mét, nhưng trong phòng xử án lại dùng loa phóng thanh (vì phiên toà có đông người dự); hoặc có phiên toà, chủ toạ phiên toà cho đưa người làm chứng ra ngồi ở hành lang, khi nào xét hỏi mới cho vào, với sự cách ly như vậy, người làm chứng vẫn nghe được nội dung xét hỏi đối với người làm chứng khác, mục đích của việc cách ly là không đạt được.