- Vai trò của người bào chữa chưa được quan tâm đúng mức
MỘT SỐ BIỆN PHÁP NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ XÉT XỦ SƠ THẨM ÁN HÌNH SỰ TẠI THỪA THIÊN HUẾ
XÉT XỦ SƠ THẨM ÁN HÌNH SỰ TẠI THỪA THIÊN- HUẾ 3.1. YÊU CẦU CẤP THIẾT KHÁCH QUAN CỦA VIỆC NÂNG CAO HIỆU QUẢ XÉT XỬ SƠ THẨM ÁN HÌNH SỰ TẠI TỈNH THỪA THIÊN- HUẾ
Trong thời gian tới, tình hình đất nước và bối cảnh quốc tế đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới, phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, đưa đất nước tiến nhanh và vững chắc theo định hướng Xã hội chủ nghĩa. Không làm được như vậy, Nghị quyết Đại hội IX khẳng định: "Sẽ tụt hậu xa hơn về trình độ phát triển kinh tế so với các nước xung quanh, ảnh hưởng trực tiếp đến niềm tin của nhân dân, sự ổn định chính trị, xã hội và an ninh quốc gia" [4, tr. 159].
Giai đoạn từ nay đến 2010 là giai đoạn rất quan trọng của thời kỳ phát triển mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhiệm vụ của nhân dân ta là tập trung mọi nguồn lực, tranh thủ thời cơ, vượt qua thử thách, đẩy mạnh công cuộc đổi mới một cách toàn diện và đồng bộ, tiếp tục phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng Xã hội chủ nghĩa.
Chúng ta phải thực hiện chiến lược 10 năm 2001-2010 với những mục tiêu cụ thể như đưa GDP năm 2010 lên ít nhất gấp đôi năm 2000, tích lũy nội bộ nền kinh tế đạt trên 30% GDP, nhịp độ tăng xuất khẩu gấp trên 2 lần nhịp độ tăng GDP, tỷ trọng GDP của công nghiệp là 40 - 41%, dịch vụ 42 - 43%, nông nghiệp là 16 - 17%... [4, tr. 160].
Chúng ta thực hiện các mục tiêu nói trên trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có nhiều thuận lợi, cơ hội lớn đan xen với những khó khăn, thách thức cũng rất lớn.
Thuận lợi lớn nhất của tình hình trong nước là sự ổn định chính trị - xã hội là nền tảng, vững chắc tạo ra môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bên cạnh đó, quan hệ sản xuất của ta đã được đổi mới phù hợp hơn với thực tế và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; thể chế kinh tế thị trường đã bước đầu hình thành và vận hành có hiệu qủa. Hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách phù hợp đang phát huy trong đời sống kinh tế, xã hội. Quan hệ chính trị, kinh tế, ngoại giao của nước ta đã được mở rộng nhiều trên trường quốc tế.
Khó khăn lớn nhất là trình độ phát triển kinh tế của nước ta còn thấp, chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh còn kém; quy mô sản xuất nhỏ bé; thu nhập của dân cư chưa đủ tạo sức bật mới đối với sản xuất và phát triển thị trường; hệ thống tài chính, tiền tệ còn nhiều yếu kếm, bất cập.
Cơ cấu kinh tế tuy có chuyển dịch nhưng còn chậm, chưa phát huy được lợi thế so sánh trong từng ngành, từng vùng; kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Trình độ công nghệ nhìn chung còn lạc hậu khá xa so với các nước trong khu vực. Các chỉ tiêu về chất lượng và hiệu quả của kinh tế vĩ mô và của các doanh nghiệp đều có những yếu kém đáng lo ngại, đang đứng trước những thách thức rất lớn trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Lĩnh vực xã hội còn nhiều tồn tại, nếu không khắc phục sớm, thì sẽ hạn chế lớn đến động lực phát triển. Tình trạng tranh chấp, khiếu kiện ở nông thôn còn nhiều bức xúc, cải cách hành chính còn chậm, hiệu lực quản lý của Nhà nước còn hạn chế.
Thuận lợi cơ bản của tình hình thế giới là cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, đặc biệt là sự phát triển của khoa học công nghệ thông tin và công nghệ sinh học, sẽ có tác động rất lớn và tích cực đến việc thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Xu thế toàn cầu hóa sẽ dẫn đến việc cơ cấu lại nền kinh tế thế giới làm cho cuộc đấu tranh về trật tự kinh tế thế giới sẽ
diễn ra gay gắt. Các nước đi sau như nước ta nếu chủ động được trong lộ trình hội nhập, thì sẽ hạn chế được rủi ro và có cơ hội phát triển nhanh. Chúng ta cần tận dụng tối đa những thuận lợi, những cơ hội của toàn cầu hóa và hội nhập, đồng thời phải né tránh, hạn chế những mặt trái, những rủi ro, tiêu cực rất lớn của nó.
Khó khăn lớn nhất là tình hình quốc tế ngày càng có những diễn biến phức tạp; đặc biệt sau sự kiện 11/9/2001, bối cảnh kinh tế thế giới xuất hiện những khó khăn mới, làm cho các nền kinh tế lớn khó có khả năng phục hồi nhanh tốc độ tăng trưởng, ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu; tình hình đó tác động không ít đến tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Cùng với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, số lượng người nước ngoài vào Việt Nam làm ăn kinh tế ngày càng gia tăng, trong đó số người nước ngoài hoạt động vi phạm pháp luật hình sự diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, các thủ tục hành chính của ta, kể cả thủ tục xét xử sơ thẩm vụ án hình sự còn nhiều bất cập để người nước ngoài cũng như công dân của ta phải phàn nàn.
Xu thế hội nhập kinh tế quốc tế và toàn cầu hóa kinh tế đòi hỏi mỗi quốc gia phải phát triển hệ thống pháp luật nói chung, pháp luật tố tụng hình sự nói riêng phải tương đồng với các nước ASEAN và các nước khác trong khu vực và phù hợp với thông lệ quốc tế. Đây có thể nói là yêu cầu mang tính khách quan, bởi lẽ nếu ta không phát triển hệ thống pháp luật nói chung, pháp luật tố tụng hình sự nói riêng, thì nước ta rất khó hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.
Vì những lẽ đó, để phục vụ sự nghiệp đổi mới về kinh tế và thực hiện được các mục tiêu của chiến lược 10 năm 2001-2010 mà Nghị quyết Đại hội IX đã đề ra, cần tiến hành đồng bộ các biện pháp, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, kết hợp giữa sự phát huy nội lực và nhân tố bên ngoài, trong đó việc phát triển pháp luật nói chung, pháp luật tố tụng hình sự,
trong đó có việc nâng cao hiệu quả thủ tục xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự nói riêng là yêu cầu mang tính cấp thiết hiện nay.